Hàng TQ nhập về ghi sẵn ‘Made in Vietnam’ đánh lừa người dùng và tránh thuế quan
Tổng cục Hải quan cho biết doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, đã thực hiện nhiều thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ ghi trên nhãn hàng hóa để đánh lừa người tiêu dùng, tránh thuế quan.
Hàng trăm tấn hàng hóa từ Trung Quốc về ghi sẵn ‘Made in Vietnam’
Ngày 10/9, trong buổi giao lưu trực tuyến do Tổng cục Hải quan phối hợp Báo Hải quan tổ chức, ông Nguyễn Khánh Quang – Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết:
“Hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ ‘Made in Vietnam’, ‘Sản xuất tại Việt Nam’, ‘Xuất xứ Việt Nam’… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu”.
Cũng theo ông Quang thì Mới đây, hải quan phát hiện 4 xe tải vận chuyển 1 lô hàng lớn khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng từ phía bắc vào tiêu thụ.
Toàn bộ có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí có sản phẩm còn ghi rõ là sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.
Ngoài ra, một số vụ nhỏ lẻ tráo xuất xứ khác như trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng (quận Tân Phú, TP.HCM) đang bị đề nghị khởi tố vụ án hình sự vì ghi hàng loa là ‘Made in Vietnam’ nhưng thực chất lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hai Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thành Quý và Công ty TNHH thương mại Aeolus Henan cũng bị khởi tố vì bị Cục hải quan phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác…
Quản lý cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) còn lỏng lẻo
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp sử dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Tổng cục Hải quan đánh giá đây là hành vi dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mới đây nhất là việc Mỹ đánh thuế tới hơn 400% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu sản xuất nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.
Những trường hợp như trên không hiếm và nó không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp trong nước mà cả ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Ngoài ra, nhiều Doanh nghiệp còn tinh vi hơn khi thành lập nhiều công ty và cho mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời, sau đó tiến hành lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện các công đoạn đơn giản để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Tờ Wall Street Journal cuối tháng 6/2019 đã đưa thông tin hàng tỉ tỉ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc lẽ ra phải chịu thuế quan của Mỹ trong chiến tranh thương mại đang đi đường vòng vào Mỹ qua các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Vũ Tuấn (t/h)