Phát hiện siêu bụi nano trong không khí có thể ‘đầu độc’ DNA
Kết quả quan trắc bụi mịn ở Việt Nam gần đây đã phát hiện loại bụi có thể vượt qua mọi hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi ôxy ở phế nang và tác động đến cấu trúc DNA.
Nói đến bụi mịn ở Việt Nam, lâu nay các chuyên gia chỉ mới cảnh báo về bụi PM2.5 (kích thước 2,5µm). Tuy nhiên, kết quả quan trắc gần đây đã phát hiện bụi PM1.0, thậm chí cả bụi nano (≤ 0,1µm).
Theo các chuyên gia, vì quá nhỏ, chúng vượt qua mọi hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA. Hiện chưa có cách hữu hiệu làm sạch bầu không khí đã nhiễm “siêu bụi” này.
Đã quan trắc được bụi nano
Tại hội thảo mới đây về ô nhiễm không khí, ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ:
“Các trạm quan trắc của Việt Nam đã phát hiện bụi PM1.0, nhỏ hơn bụi PM2.5 đã được biết đến. Đây là loại bụi mới quan trắc được, thế giới vẫn đang nghiên cứu. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn cho loại bụi này”.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2016, tại nội thành của các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, 20% số ngày trong năm có lượng bụi PM10, PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Cũng theo ông Thùy, số liệu quan trắc cho thấy, nồng độ bụi tại các đô thị thường vượt 2-3 lần so với QCVN, tập trung chủ yếu ở các trục giao thông lớn và đô thị loại 1.
Theo Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trong quý I/2017, Hà Nội có 37 ngày có nồng độ PM2.5 trong 24h vượt ngưỡng cho phép của QCVN (50µm/m3) và 78 ngày vượt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 25µm/m3.
Con số tương tự ở TPHCM lần lượt là 6 và 78 ngày.
PGS-TS Nghiêm Trung Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, cho biết:
“Bụi PM1.0 thực tế đã được quan trắc thấy từ lâu. Về mặt nguyên tắc, bụi PM10 và PM2.5 đều chứa bụi PM1.0. Vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm là bụi nano.
Ở Việt Nam, chúng tôi đã quan trắc được bụi nano trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, để kết luận, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu thêm”.
Khoảng 10 năm trước, các nhà khoa học thế giới cho rằng bụi nano không nguy hiểm vì nó bé như phân tử khí, theo luồng hít thở vào phổi rồi đi ra. Tuy nhiên, giờ họ đã có cách nhìn khác.
PGS Dũng cho biết: “Bụi càng bé thì tổng diện tích bề mặt riêng càng lớn, càng hấp thụ nhiều chất ô nhiễm. Bản thân các hạt bụi này đã độc, lại giống như con thuyền mang theo nhiều chất ô nhiễm khác”.
Ông Dũng đưa ra một phép so sánh: “Một trong các khâu vất vả khi nghiên cứu bụi nano là lấy mẫu bụi để cân. Chúng tôi dùng cân có giới hạn phát hiện là 1µg (1 phần triệu gram).
Nếu như các đồng nghiệp ở Nhật Bản cần 3 ngày đến 1 tuần mới lấy đủ lượng bụi để cân thì ở Việt Nam chúng tôi chỉ cần khoảng 1 ngày”.
Ảnh hưởng đến vật chất di truyền
Thạc sỹ – Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo cộng đồng, cho biết ông và đồng nghiệp từng nghiên cứu về ô nhiễm tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam và nhận thấy ung thư là nguyên nhân của khoảng 1/3 số ca tử vong mỗi năm.
“Chúng tôi tìm hiểu mới biết trong xã có 2 nhà máy ximăng và 2 mỏ đá. Khi đặt máy đo nồng độ bụi PM10, PM2.5 thì kết quả đáng báo động. Mỗi năm ở đây chỉ có khoảng 1-2 tuần chất lượng không khí đảm bảo”.
Theo ông An, các loại bụi mịn như PM2.5, PM1.0 hay nhỏ hơn đặc biệt nguy hiểm vì không bị ngăn chặn bởi lông mũi, dịch nhầy ở mũi và phế quản. Nó “ngang nhiên” đi vào phế nang, bít các lỗ trao đổi ôxy ở đây, khiến trẻ em dễ viêm phổi, người già dễ bị bệnh tim mạch, đột quỵ…
Khẩu trang không bảo vệ được con người trước bụi mịn vì chỉ ngăn được loại bụi thô, kích thước lớn.
ThS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TPHCM, cảnh báo: “Bụi càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA, bởi sự mất cân bằng ôxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA.
Các hóa chất trong bụi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi”.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường TP. Hà Nội giai đoạn 2011-2015, chi phí khám chữa bệnh đường hô hấp và thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm đối với dân cư nội thành là hơn 1.500 đồng/người/ngày. Nếu tính tổng 3,5 triệu dân nội thành, thiệt hại là gần 2.000 tỷ đồng/năm.
Chỉ có thể trị từ gốc
Theo các chuyên gia, các nguồn cơ bản gây ra bụi là hoạt động giao thông, xây dựng, dân sinh, nông nghiệp, làng nghề và sản xuất công nghiệp. PGS Dũng nói: “Với thực trạng hiện nay, không khí không nhiều chất ô nhiễm mới lạ.
Ngoài những nguồn bụi có tính địa phương, còn có nguồn xa như sự lan truyền từ phía bắc xuống trong mùa đông. Kết quả quan trắc từ nhiều năm trước cho thấy, có những thời điểm, bụi PM10 và PM2.5 ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cao hơn Hà Nội”.
Theo ông, ô nhiễm không khí có thể là vấn đề liên tỉnh, xuyên biên giới. Theo luồng gió, bụi có thể đi từ Hà Nội đến các tỉnh khác và ngược lại. Tùy theo điều kiện khí tượng và địa hình, bụi siêu mịn có thể đi từ hàng chục đến hàng ngàn kilomet.
Theo TS. Dương Văn Long, Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương, với bụi mịn đã thải ra môi trường, hiện vẫn chưa có cách xử lý khả thi.
Vì vậy theo các chuyên gia, để “chữa bệnh” cho không khí, phải chữa từ căn nguyên chứ không thể chữa triệu chứng: Cần tập trung vào nguồn gây ô nhiễm mới xử lý được tận cùng, không phải thải ra rồi mới tìm cách xử lý.
Theo Soha