Phát hiện nhà thờ bị mất chôn cất Thánh Olaf vào 1.000 năm trước
Các nhà khảo cổ Na Uy vừa tuyên bố phát hiện nhà thờ chôn cất một trong những vị thánh mang tính biểu tượng nhất vương quốc Bắc Âu này, đồng thời là vị vua Viking có thật trong lịch sử.
Lịch sử Na Uy trung cổ gắn liền với thời đại Viking cùng các cuộc chiến liên miên nhằm thống nhất các bộ lạc và mở rộng bờ cõi. Sự tuyên truyền của Thiên chúa giáo ở Na Uy cũng phát triển trong giai đoạn này nhờ vị vua truyền giáo Olaf II Haraldson.
Vị vua này được phong thánh 1 năm sau cái chết của ông trong trận Stiklestad vào ngày 29/7/1030, hài cốt của ông yên nghỉ tại một nhà thờ ở thành phố Trondheim.
Trận Stiklestad với lực lượng Đan Mạch là một trong những trận đánh quan trọng và nổi tiếng nhất trong lịch sử Na Uy, nó đánh dấu công lao và sự hy sinh của thánh Olaf trong nỗ lực cải đạo nhân dân Na Uy sang đạo Công giáo và Olaf cũng được lịch sử ghi nhận là vị vua Công giáo đầu tiên của Na Uy.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Na Uy (NIKU) tuyên bố, họ đã phát hiện nền móng bằng gỗ của nhà thờ Thánh Clement, nơi cất giữ thi thể của vua Olaf II sau khi ông được phong thánh.
Khi số lượng người hành hương đến nhà thờ này lớn lên, thi thể của Thánh Olaf đã được chuyển đến một nhà thờ lớn hơn và cuối cùng đến Trondheim, nhưng nhà thờ Thánh Clement đã bị phá hủy và người ta dần quên mất vị trí nhà thờ này.
Nhưng nhóm nghiên cứu của NIKU tin rằng, nền móng bằng gỗ vừa được tìm thấy có thể là vị trí nhà thờ Thánh Clement. Hơn nữa các nhà khảo cổ còn phát hiện một hòn đá có thể thuộc về bệ thờ đặt quan tài của vị vua Viking.
Anna Petersen, trưởng đoàn khai quật cho biết: “Đây là địa điểm duy nhất trong lịch sử Na Uy về tôn giáo, văn hóa và chính trị. Phần lớn bản sắc quốc gia Na Uy đã được hình thành dựa trên sự tôn sùng Thánh Olaf, và tất cả đã bắt đầu tại đây“.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy một số hài cốt được cho là đến từ một nghĩa địa, được thành lập tại nhà thờ vào các thế kỷ sau khi vua Olaf II tử trận. Đây là bằng chứng cho thấy nơi đặt thi thể Thánh Olaf đã được sùng kính với những ngôi mộ xếp chồng lên nhau ở xung quanh.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định thêm thông tin về những bộ xương tìm thấy ở hiện trường và xác định thời gian chúng được chôn cất, nhưng người ta nghĩ rằng họ đã yên nghỉ vào nhiều năm sau khi Olaf được phong thánh.
Vua Olaf II Haraldsson đã trị vì vương quốc này từ năm 1015 – 1028, thời điểm khó khắn ở Bắc Âu khi vương quốc bị chia cắt vừa được thống nhất. Lúc đó, vua Canute của Đan Mạch đã liên minh với quý tộc Na Uy để đẩy vị vua tự xưng Olaf sống lưu vong ở Nga.
Nhiều tài liệu viết tay đã mô tả chi tiết việc quan tài của vị vua Viking này đã được đào lên cho thấy thi thể của ông vẫn được bảo quản tốt sau 1 năm chôn cất. Đây chính là nguyên nhân giúp ông được phong thánh.
Ngày nay Olaf II vẫn là một nhân vật lịch sử quan trọng ở Na Uy khi được tượng trưng bằng một chiếc rìu bạc trên quốc huy của nước này và đây cũng là biểu tượng quốc gia rất đặc trưng của quốc gia Bắc Ấu này.
Iris, theo Daily Mail