Phát hiện bất ngờ về ảnh hưởng của nước tiểu cá tới hệ sinh thái biển
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra rằng việc đánh bắt quá mức có thể làm suy giảm hệ sinh thái đại dương vì nước tiểu cá giảm.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Nature Communications cho thấy, việc đánh bắt quá mức có thể làm suy giảm hệ sinh thái vì nước tiểu cá giảm. Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng việc chất thải từ cá giảm có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến chu kỳ dinh dưỡng.
Nước tiểu của hầu hết các loài động vật chứa nitơ trong các hình thức khác nhau, và đây là một nguyên tố thiết yếu của cuộc sống. Cá còn phóng thích phốt pho, một chất dinh dưỡng quan trọng, qua mang của chúng.
Tiến sỹ Jacob Allgeier tại trường Đại học Washington, Seattle, và một nhóm các nhà nghiên cứu từ khắp nước Mỹ đã nghiên cứu chu kỳ dinh dưỡng tại 43 rạn san hô ở vùng biển Caribe trong 4 năm, đặc biệt là tìm hiểu về những gì cá mang đến trong chu kỳ này.
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên hơn 140 loài cá khác nhau trong tự nhiên. Họ để những con cá trong một túi nước biển khoảng nửa giờ và đo các thành phần dinh dưỡng trong nước trước và sau thí nghiệm.
Kết quả cho thấy, việc đánh bắt các loài cá lớn và những động vật ở vị trí cao trong chuỗi thức ăn không làm tổn hại đến đa dạng sinh học như việc đánh bắt quá mức đang gây ra, và cũng không ảnh hưởng đến nồng độ chất dinh dưỡng trong nước biển.
“Điều đáng ngạc nhiên là việc đánh bắt đã làm thay đổi cộng đồng cá dẫn đến giảm chất dinh dưỡng qua trung gian (nước tiểu cá) mà chúng tôi tìm thấy“, Allgeier cho biết.
Những phát hiện này có ý nghĩa vì các rạn san hô với cộng đồng cá mạnh có thể phát triển nhanh gấp 2 lần những rạn san hô không có.
Tẩy trắng san hô đang là hiện tượng toàn cầu, việc thiếu dinh dưỡng do đánh bắt quá mức có thể là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên. Allgeier và nhóm của ông đang tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn vấn đề này, tiếp theo họ sẽ thí nghiệm tại các rạn san hô Thái Bình Dương.
Iris, theo Popular Science