Nữ biểu tình 14 tuổi: Nguyện hy sinh bản thân để đổi lấy tự do của Hồng Kông
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ diễn ra từ mùa hè cho tới mùa đông vẫn không nhìn thấy dấu hiệu giải quyết. Trong tình trạng vô số dùi cui, đạn hơi cay và xe vòi rồng xuất hiện, người trẻ tuổi đã trở thành lực lượng chính trong cuộc đấu tranh này.
Ngày 27/12, đài VOA đưa tin rằng, trong phong trào phản đối dự luật dẫn độ kéo dài hơn 6 tháng, bất kể là những người biểu tình tiền tuyến mặc đồ đen, hay là người biểu tình “ôn hòa, lý tính, phi bạo lực”, người trẻ tuổi sớm đã trở thành lực lượng phản kháng chủ lực, trong đó không thể thiếu những thiếu niên mười mấy tuổi với những gương mặt non nớt.
Nguyện hy sinh bản thân để đổi lấy tự do của Hồng Kông
Cô bé Thảo Môi (biệt hiệu) 14 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ vì đăng thông tin về một cuộc bãi công do cư dân mạng khởi xướng trước đó. Vốn dĩ cô bé nên vô lo vô nghĩ, vui vẻ chơi đùa, nhưng cô bé lại dấn thân vào con đường đấu tranh đầy bạo lực với cảnh sát.
Thảo Môi nói rằng, phong trào phản đối dự luật dẫn độ bắt đầu từ tháng 6, nhưng cô không hề để ý đến. Cho đến khi tận mắt chứng kiến những người ủng hộ cảnh sát và chính phủ công kích những người bất đồng ý kiến, cầm dao hành hung, thậm chí là cắn vào tai nghị viên quận của đảng Dân chủ, cô bé mới bắt đầu thâm trầm suy nghĩ.
Điều khiến Thảo Môi thấy bất an là, người nhà của cô từ những người ủng hộ dân chủ, tổng tuyển cử, ủng hộ phong trào phản đối dự luật dẫn độ lại chuyển hướng trở thành những người ủng hộ cảnh sát và chính phủ.
Thảo Môi nói, người nhà của cô sau khi thấy ngày càng nhiều nhóm ủng hộ cảnh sát và chính phủ lan truyền tin tức giả trên Facebook, điện thoại di động, WhatsApp, họ bắt đầu ủng hộ chính phủ, cho rằng người biểu tình đang ngày càng sai lầm. Nhưng ngược lại, bọn họ lại không nhìn thấy cảnh sát nổ súng, còn nói là nổ súng ít quá, phải nổ nhiều hơn nữa.
Khi nghe thấy người thân nói những lời này, Thảo Môi thấy rất phản cảm, họ còn truyền đạt những tin tức giả cho Thảo Môi, cô bé cảm thấy rất buồn cười.
Trong cuộc đấu tranh dân chủ này, dấu ấn của các vụ bắt người bừa bãi của cảnh sát là rất khó xóa nhòa. Từ việc dùng dùi cui đánh người, cuồng loạn bắn đạn hơi cay, cho đến bắn đạn thật, đến nay vẫn chưa dừng lại.
Các quan chức cao cấp của lực lượng cảnh sát thường tổ chức một cuộc họp báo mỗi ngày vào lúc 4 giờ để ủng hộ và bênh vực hành vi mất khống chế của cảnh sát tiền tuyến, ngay cả khi cảnh sát giao thông lái xe ô tô xông vào người dân cũng không bị tạm thời đình chỉ công tác, điều tra…
Cảnh sát tiền tuyến thường có thói quen dùng từ “con gián” xúc phạm người dân, cách gọi này cũng trở thành một thuật ngữ phổ biến của nhóm ủng hộ cảnh sát đối với nhóm người ủng hộ người biểu tình.
Cha mẹ của Thảo Môi cũng dùng từ này nói với cô bé. Nhưng Thảo Môi biểu thị, cô bé là một người không bao giờ nhượng bộ, bởi vì tính cách của cô bé rất kiên cường, sẽ kiên trì đến cùng.
Cô bé nói rằng, Hồng Kông ban đầu rất tự do, nhưng bây giờ nếu trở thành một tỉnh ở Trung Quốc, sẽ có nhiều thứ bị trói buộc. Cô bé là một người yêu thích tự do, nhất định sẽ đứng lên vì điều này.
Đương nhiên còn có rất nhiều nguyên nhân, ở Đại lục chỉ có thể dùng Wechat, muốn vào trang web khác thì phải vượt tường lửa, điều này rất phiền phức, còn có sự kiện Lục Tứ (đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn ngày 4/6/1989), đến nay chính phủ vẫn không thừa nhận rằng mình giết người, thật giả dối.
Thảo Môi nói rằng, bản thân cảm thấy rất nặng nề, áp lực rất lớn khi mang trên vai cái danh bị cảnh sát “bắt giữ”, cô bé cũng từng lo lắng các về các khía cạnh khác nhau, bao gồm tương lai sẽ đi như thế nào, thậm chí sẽ bị lưu tiền án… Tuy nhiên, cô bé nói rằng mình sẽ không bị đe dọa. Nguyện hy sinh bản thân để đổi lấy tự do của Hồng Kông.
Cô bé nói: “Em chắc chắn sẽ không lùi bước, cho dù chết cũng không muốn chết trong tay ‘chó’, thà rằng tự kết liễu đời mình còn hơn bị bọn họ khống chế, giống như một bù nhìn”.
Khi nói tới việc có rất nhiều người Hồng Kông nỗ lực trong phong trào này, rốt cuộc hy vọng phong trào này sẽ mang đến sự thay đổi gì cho Hồng Kông, Thảo Môi thốt ra hai chữ “tự do”.
Cô bé nói: “Tự do, quan trọng nhất là tự do, còn nhất định phải điều tra rõ những việc cảnh sát đen đã làm? Còn phải tra rõ xem có bao nhiêu người Hồng Kông bị tự sát, bị mất tích, thậm chí là bị đưa đến những nơi khác ở Trung Quốc. Em thấy rằng việc này phải báo cáo và có số liệu thật chi tiết. Đừng có thêm nhiều người chết nữa, đừng có sự tàn bạo của cảnh sát nữa”.
Thảo Môi nói, khi cô bé cùng gia đình trở về Đại lục, gặp được rất nhiều người cũng bày tỏ sự đồng cảm cá nhân với người dân Hồng Kông. Bọn họ thấy cảnh sát rất tàn ác, không cho rằng cảnh sát đúng. Họ thấy người biểu tình làm như vậy là có nguyên nhân. Bởi vì họ đã từng đến Hồng Kông, nhìn thấy tình hình thực sự ở Hồng Kông.
Liên tục có những học sinh Hồng Kông bị thương
Trong cuộc đấu tranh dân chủ này, vết thương mà những người trẻ như Thảo Môi phải chịu đựng vẫn kéo dài không ngừng.
Theo các báo cáo trước đó, trong cuộc diễu hành Kwai Tsing vào tháng 8, đã có một cậu bé 12 tuổi bị bắt, là người nhỏ tuổi nhất trong những người dân bị bắt giữ.
Đến tháng 9, sau khi kết thúc cuộc xung đột giữa người dân và cảnh sát tại Quảng trường Tseung Kwan O, cảnh sát đã xông vào công viên Phú Khang bắt người, trong đó bao gồm 1 cậu bé 10 tuổi.
Ngày 29/8, cảnh sát đã bắt giữ 3 đứa trẻ 13 và 15 tuổi tại Sham Shui Po, 3 đứa trẻ bị phán xử đưa vào nhà tạm giữ thanh thiếu niên và nhi đồng ở Tuen Mun, vụ án hoãn đến ngày 27/9 để có được báo cáo của Bộ phúc lợi xã hội. Trong thời gian giam giữ, không được đến trường đi học bình thường.
Ngày 22/9, thiếu nữ 15 tuổi Trần Ngạn Lâm được phát hiện lõa thể đang trôi trên mặt biển ở Đỉnh Quỷ, Du Đường; Ngày 1/10, cảnh sát Hồng Kông đã bắn đạn thật trúng một nam sinh cấp hai Tằng Chí Kiện tại Tsuen Wan, mảnh vỡ của đạn chỉ cách tim khoảng 3 cm.
Vào giữa tháng 12, Tòa án sơ thẩm vị thành niên tại Tuen Mun đã kết án một bé gái 13 tuổi với lệnh quản chế trong 12 tháng, vì cô bé này đã đốt cháy lá cờ năm sao của ĐCSTQ trong cuộc diễu hành “Phục hồi công viên Tuen Mun” ngày 21/9. Sau đó, cô bé này đã nhiều lần bị làm nhục, bắt cóc, phải nghỉ học…
Một số phương tiện truyền thông nói rằng, liên quan đến thương tích mà những đứa trẻ Hồng Kông phải chịu đựng trong phong trào này, vô số người lo lắng sợ hãi về mặt tinh thần, cũng có các mối đe dọa thể chất, có một số người bị cướp đi quyền học tập, cũng có những người phải rời xa thế giới này vĩnh viễn.
Theo số liệu của cảnh sát, hơn 6.000 người đã bị bắt trong nửa năm diễn ra phong trào phản đối dự luật dẫn độ, trong đó 40% là học sinh, người nhỏ nhất mới chỉ 11 tuổi.
Gia Hưng (Theo NTDTV)