Nhiều hang động Phật giáo cổ đại được tìm thấy tại Mumbai
Bảy hang động được sử dụng làm nơi trú ẩn mùa mưa cho các nhà sư Phật giáo hơn 2.000 năm trước đây (và thậm chí vào những năm 1990) đã được phát hiện trong khu rừng của Vườn Quốc gia Sanjay Gandhi tại Mumbai, Ấn Độ.
Chúng không chỉ là những hang động Phật giáo duy nhất trong Vườn quốc gia này. Khoảng 160 hang động được gọi là hang Kanheri đang ở gần đó và đã được đào cách đây 2.000 năm trước.
Bảy hang động mới được phát hiện có niên đại từ giữa Thế kỷ 1 TCN và Thế kỷ 5 hay 6 SCN, những tờ tin tức khác nhau đưa tin tại Ấn Độ. Một trong những nhà nghiên cứu tìm thấy những hang động này nói với trang Scoopwhoop.com rằng có thể có nhiều hang động hơn chưa được khám phá trong Vườn quốc gia này.
Các nhà nghiên cứu đã cố tình tìm kiếm các hang động và khảo sát khu vực vì các hang động gần Bihar đã được đề cập trong kinh điển Pali của Phật giáo. Họ đã tìm kiếm gần những nguồn nước vì hầu hết các tịnh xá hay những căn nhà cho sư thầy được xây dựng gần nguồn nước, tờ Times của Ấn Độ nói về khám phá này. Suraj Pandit, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, nói với tờ báo:
“Các hang động mới được phát hiện này có thể lớn tuổi hơn các hang động Kanheri vì chúng đơn giản hơn về hình thức và chúng không có bể chứa nước, thứ được tìm thấy nhiều hơn trong kiến trúc Kanheri phát triển hơn. Hơn nữa, chúng tôi đã tìm thấy các công cụ bằng đá nguyên khối thường thấy trong thế kỷ 1 TCN. Sự vắng mặt của bể chứa nước cũng chỉ ra rằng các nhà sư đã sống ở đây trong mùa mưa“.
Hai tổ chức là Trung tâm Khảo cổ học tại Đại học Mumbai và Nhóm nghiên cứu Văn hóa cổ Ấn Độ của trường Cao đẳng Sathaye đã tham gia vào cuộc thám hiểm. Nhóm nghiên cứu gồm 3 người, trong đó có cả 1 nhà báo, có sự cho phép của Bộ Lâm nghiệp để khám phá công viên. Nhóm nghiên cứu đã biết rằng các nhà sư đào các hang động gần nguồn nước, do đó, họ leo lên một thác nước gần các hang động Kanheri, mất khoảng 20 phút đi bộ vất vả, tờ Times of India cho biết. Họ đi qua những bụi rậm và cây xương rồng, rồi leo đến đỉnh thác sau 30 phút.
“Có những hang động cả hai bên thác nước: 3 ở một mặt của thác và hai ở mặt còn lại. Chúng rõ ràng được tạc từ đá tự nhiên. Các đường cong mịn, được trát vữa, dầm cửa, những băng ghế để ngủ, tất cả đều cho thấy chúng là những hang động nhân tạo,” Pandit nói với tờ Times.
Sau khi Pandit ngã, gãy tay và bị tổn thương đầu, ông được đưa tới bệnh viện, nhóm nghiên cứu đã nhận ra rằng các nhà sư đã xây dựng các nấc thang để dễ dàng đi vào hang động. Tờ Times đã không đề cập đến việc liệu các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những nấc thang này chưa.
Ngày hôm sau, sau khi hai thành viên khác của nhóm nghiên cứu, Akash Pawar và biên tập tạp chí Vinayak Parab quay trở về và thấy hai hang động khác. Họ đã phát hiện ra những viên gạch phòng tắm hiện đại trong một hang động và nhận ra rằng nó được một khổ hạnh tăng sống trong Vườn quốc gia này dùng cho mãi đến khi Tòa án tối cao Bombay đuổi tất cả khổ hạnh tăng, là những người sùng đạo Hindu, ra khỏi Vườn quốc gia trong những năm 1990.
Có rất nhiều hang động Phật giáo khác và các hang động của các tôn giáo khác ở Ấn Độ, bao gồm các hang động Ellora gần Auragabad ở Maharashtra. Địa điểm này là nhà của 34 tu viện và đền thờ, kéo dài trong một khoảng cách hơn 2km.
Những kiến trúc này được đào vào các bức tường của một vách đá bazan cao. Hiện chưa rõ chúng được xây dựng khi nào, tuy nhiên khoảng thời gian được ước tính nằm giữa năm 200 TCN đến năm 600 SCN hay từ năm 600 SCN đến năm 1000 SCN. Các hang động lâu đời nhất có thể được tìm thấy ở phái nam của vách đá và có nguồn gốc từ các tín đồ đạo Phật. Người ta nói rằng các hang động này được xây dựng từ giữa thế kỷ 5 và 7, trong suốt thời kỳ mà các tông phái Phật giáo Đại thừa hưng thịnh ở khu vực.
Các hang động Phật giáo bao gồm các tu viện và một ngôi chùa lớn duy nhất (Hang động thứ 10). Rất nhiều nỗ lực đã được đưa vào cấu trúc này. Ví dụ, trong hang thứ 12, tòa nhà ba tầng được cho là đã được xây dựng hoàn toàn bởi bàn tay con người và các lao động chăm chỉ. Các sàn đá và bức tường của hang động này đã được làm phẳng và mịn, cho thấy những kỹ năng và trình độ thủ công của các thợ xây dựng.
Một địa điểm hang động Phật giáo khác nằm gần làng Ajanta ở Ấn Độ. Hơn ba mươi hang động đã được chạm khắc bên trong sườn núi đá và sắp xếp theo hình dạng móng ngựa, như những hang động Ajanta nổi tiếng, được phát hiện tại khu vực đó.
Các hang động này được cho là đã được xây dựng từ khoảng năm 200 TCN và được sử dụng như là nơi ẩn tu của các nhà sư Phật giáo trong mùa mưa. Các hang động đã bị bỏ hoang sau thế kỷ thứ bảy sau khi Phật giáo suy tàn tại Ấn độ nhưng vẫn được người dân địa phương xem là nơi linh thiêng.
Trong thời gian sử dụng, các hang động đã được mở rộng và trang trí. Chúng có đầy những bức tranh đẹp và tạo ra một bầu không khí thanh bình cho những người khách viếng thăm. Nhiều trong số những bức tranh và tác phẩm điêu khắc miêu tả cuộc đời Đức Phật, cũng như hóa thân trước đây của Ngài, được gọi là Jatakas.
Thanh Phong dịch từ Ancient Origins