‘Nhận vơ’ tứ đại phát minh hiện đại, truyền thông Trung Quốc bị dân mạng chế nhạo
Mới đây, Tân Hoa xã đã có bài viết khoe “tân tứ đại phát minh” của Trung Quốc, nhưng bị cư dân mạng chế nhạo và bóc mẽ rằng không thứ nào trong số chúng “made in China”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi những sản phẩm này là “tân tứ đại phát minh”, dù không sản phẩm nào thực sự bắt nguồn từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong một bài viết được đăng tải vào ngày 12/8, Tân Hoa xã so sánh nước Trung Hoa cổ đại phát minh ra la bàn, thuốc súng, giấy và kỹ thuật in ấn (hay còn được gọi là “tứ đại phát minh” ) với nước Trung Quốc hiện đại. Bài viết nói Trung Quốc ngày nay có thể “tự hào” về “4 phát minh lớn mới”: đường sắt cao tốc, thanh toán điện tử, ứng dụng chia sẻ xe đạp và mua sắm trên mạng.
Danh sách này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu Con đường Tơ lụa thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh tiến hành hồi đầu năm nay.
Viện này yêu cầu các lưu học sinh đến từ 20 nước nằm dọc theo Con đường Tơ lụa cổ đại chọn ra top “4 phát minh mới” của Trung Quốc mà họ muốn đưa về đất nước mình.
“Trong số này, đường sắt cao tốc và mua sắm trên mạng không phải xuất phát từ Trung Quốc nhưng chúng ta đã đưa những phát minh này lên mức độ hàng đầu thế giới bằng sự thông minh và sáng tạo của chúng ta, biến chúng trở thành những tấm danh thiếp của Trung Quốc“, Tân Hoa xã nói.
Tuy nhiên theo tờ South China Morning Post (Hong Kong), không thứ nào trong 4 phát minh được nêu trên là sáng tạo của người Trung Quốc.
Trong khi đó tờ Shanghaiist nhận định, mặc dù Trung Quốc có thể đi đầu trong việc áp dụng những phát minh này vào đời sống nhưng việc nhận đó là sáng tạo của riêng mình có vẻ như hơi tham lam.
Tuyến đường sắt cao tốc hiện đại đầu tiên thế giới là tuyến Tokaido Shinkansen, bắt đầu vận hành tại Nhật Bản vào năm 1964. Tương tự, Mỹ bắt đầu thử nghiệm các hệ thống thanh toán điện tử từ thập niên 1990 và mua sắm trực tuyến cũng trở nên phổ biến từ rất lâu trước khi gã khổng lồ Alibaba phát triển.
Trong khi đó, dịch vụ chia sẻ xe đạp đã ra đời tại châu Âu từ những năm 1960 nhưng không được thành công như mong đợi, còn Trung Quốc chỉ là quốc gia thực hiện thành công dịch vụ xe đạp chia sẻ.
Còn việc mua sắm trên mạng manh nha khi Michael Aldrich, một người Anh, kết nối tivi với máy tính bằng đường dây điện thoại để bán tạp hóa online vào năm 1979.
Không chỉ Tân Hoa xã, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng chia sẻ và tỏ ra tự hào về “tân tứ đại phát minh” này trên Twitter của mình để rồi bị cư dân mạng chế nhạo.
“Trung Quốc thậm chí có biết ý nghĩa của từ ‘phát minh’ là gì không? Tất cả đều là sao chép từ Nhật, Mỹ và những nơi khác trên thế giới“, một người dùng Twitter bình luận.
“Hiểu biết của các bạn về lịch sử thế giới là một cái bao rỗng đến kinh ngạc đấy“, một người khác nói.
Những người dùng mạng xã hội khác cũng đặt câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề đang gây quan ngại trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Đối với tôi, có vẻ như các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang cho phần còn lại của thế giới biết về sự thiếu hiểu biết về quyền sỡ hữu trí tuệ“, một người dùng Weibo bình luận.
“Ông Trump vừa ký một bản ghi nhớ về việc điều tra những kẻ ăn cắp sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Và CCTV có vẻ khá hợp tác nếu nhìn từ phía Mỹ đấy nhỉ?“, một người nói.
Trước phản ứng không mong đợi này từ phía dư luận, CCTV phải xóa bài tweet này, dù vậy nó vẫn được lưu giữ trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.
TinhHoa tổng hợp