Nhân quả báo ứng: Nợ nghiệp cuối cùng phải trả sau 27 năm
Quen biết, gặp nhau giữa người với người đều bắt nguồn từ một chữ “duyên”. Nói đến duyên thì không thể tách khỏi nhân quả báo ứng và luân hồi. Với câu chuyện xưa dưới đây, mong rằng chúng ta có thể có được chút gợi ý, thiện đãi hết thảy những gì chúng ta gặp phải.
Giữa những năm Trinh Quán đời nhà Đường, có một người tên là Lý Sinh, nhà ở phía bắc sông Hoàng Hà. Lý Sinh từ nhỏ đã rất khỏe mạnh, hành hiệp trượng nghĩa, nhưng lại thường chơi cùng với một số thanh niên không mấy đàng hoàng. Vậy nên, đến hơn 20 tuổi mới thay đổi hành vi, bắt đầu chuyên cần đọc sách. Những bài thơ ca mà ông sáng tác, mọi người đều hết lời khen ngợi. Về sau Lý Sinh đã đến Thâm Châu làm chức quan tham quân lục sự. Lý Sinh là người lịch lãm, dáng vẻ đường đường, hơn nữa rất ưa thích đàm luận, là người thanh liêm và tài giỏi.
Thời bấy giờ Vương Vũ Tuấn cai trị Thành Đức, cậy công lao to lớn mà xúc phạm mọi người không cần biết đến pháp lệnh. Thái thú các chi quận sợ hãi mà không dám đắc tội với ông ta. Vũ Tuấn đã từng cử con trai ông ta là Sĩ Chân đi dò xét thuộc bộ. Sĩ Chân đến Thâm Châu, thái thú Thâm Châu chuẩn bị tiệc rượu thịnh soạn, hơn nữa còn bố trí ca múa ở nơi y ở, sắp xếp yến tiệc chiêu đãi Sĩ Chân. Bởi thái thú sợ hãi Vũ Tuấn, vậy nên lễ tiết hầu hạ Sĩ Chân cũng vô cùng cẩn thận. Thái thú lại sợ có người khi uống say xúc phạm Sĩ Chân, bởi vậy, ông không cho mời bất cứ một người khách hay quan lại nào đến.
Sĩ Chân vô cùng thích thú, cho rằng những quận đô khác đều không thể sánh được. Rượu uống đến đêm khuya, Sĩ Chân bèn nói: “Ta rất lấy làm hài lòng khi đi sứ đến quận các ông lại được chiêu đãi tốt như vậy. Ta muốn đêm nay thỏa sức vui vẻ, không thể không có khách quý, mong rằng ông có thể cho mời họ đến đây”.
Thái thú nói: “Quận nhỏ hoang vu, không có người nổi tiếng, lại sợ khó sánh nổi với uy phong của đại sứ, vậy nên không dám để cho những người khách khác có mặt trong tiệc rượu. Chỉ có một vị tham quân lục sự họ Lý, có thể bảo ông ấy bầu bạn tiếp chuyện, cùng người đàm luận nói cười”. Sĩ Chân nói: “Hãy cho mời ông ấy đến đây”. Thế là vị thái thú cho mời Lý Sinh đến.
Lý Sinh bước lên khấu đầu, Sĩ Chân nhìn thấy ông, mặt liền biến sắc, vô cùng tức giận. Một lúc sau, Sĩ Chân liền bảo Lý Sinh ngồi xuống, lúc này thái độ của Lý Sinh càng thêm cung kính, nhưng Sĩ Chân lại càng lúc càng thêm không vui. Ông trừng mắt nhìn Lý Sinh, vén tay áo lên, đưa cổ tay ra, không còn vui vẻ như lúc nãy nữa.
Thái thú rất sợ hãi, không biết được là vì sao. Lại nhìn Lý Sinh, thấy trên mặt đã sợ đến toát cả mồ hôi hột, ngay cả rượu cũng đều không thể bưng lên uống được. Mọi người đều vô cùng lo lắng sợ hãi. Một lúc sau, Sĩ Chân lệnh cho thuộc hạ bên cạnh bắt trói Lý Sinh lại tống vào trong ngục. Thuộc hạ ngay tức khắc kéo tay áo của Lý Sinh, mau chóng áp giải vào trong ngục. Một lúc sau Sĩ Chân lại vui vẻ uống rượu giống như ban đầu, đợi đến trời sáng tiệc rượu mới kết thúc.
Thái thú vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, liền âm thầm sai người vào trong nhà ngục hỏi thăm Lý Sinh: “Thái độ của ông vô cùng cung kính, hơn nữa cũng chưa kịp nói gì. Bản thân ông hẳn là biết đã đắc tội gì với quân vương”.
Lý Sinh khóc lóc đau đớn một hồi lâu mới nói rằng:
“Thường nghe nhà Phật nói rằng có báo ứng ngay tại kiếp này, bây giờ tôi đã hiểu được ý nghĩa của câu nói này rồi. Lúc còn nhỏ gia cảnh nhà tôi rất nghèo khổ, vốn không có nguồn sống, vì vậy thích giao du cùng với những người giảng nghĩa khí. Thường hay đến những nhà giàu có lân cận cướp đoạt một số của cải, cưỡi ngựa mang theo cung tên chạy vút nhanh.
Một ngày kia gặp được một người trẻ tuổi dắt theo một con lừa tốt. Trên lưng con lừa có thồ hai cái túi lớn, tôi muốn cướp tiền tài của y, nhìn thấy xung quanh đều là vách núi, lúc này trời cũng đã gần tối, thế là tôi đã dùng hết sức lực đẩy y xuống vách núi, cưỡi con lừa của y mau chóng trở về một quán trọ. Tôi mở cái túi đó ra, có được hơn một trăm cuộn tơ lụa đẹp đẽ. Từ đó trong nhà dần dần trở nên khá giả. Sau đó tôi đã bẻ gãy cung tên, đóng cửa ở nhà chuyên cần đọc sách, cuối cùng đã làm quan cho đến như bây giờ.
Chuyện này đến nay đã 27 năm rồi. Tối qua quân hầu bảo tôi uống rượu với vương công. Sau khi đi vào, tôi vừa nhìn thấy tướng mạo của vương công, chính là người trẻ tuổi đã bị tôi giết chết năm xưa. Sau khi tôi khấu đầu với y, trong lòng tôi rất là hổ thẹn cũng rất cẩn thận e dè. Bản thân đã biết cái chết là không thể tránh khỏi. Bây giờ tôi đành phải đưa cổ ra chờ chém đầu, còn có gì đáng để nói nữa đây?”.
Một lúc sau, Sĩ Chân tỉnh rượu, liền vội vàng lệnh cho thuộc hạ mang đầu của Lý Sinh đến, thuộc hạ lập tức đi vào ngục chặt đầu của Lý Sinh.
Không lâu, Sĩ Chân lại uống rượu cùng với thái thú ở trong trai xá của quận. Khi rượu uống đến say mèm, thái thú thấy y rất vui vẻ, liền đứng dậy hỏi: “Dám hỏi một chút rằng Lý Sinh đã phạm phải tội gì? Mong rằng có thể có được người chỉ giáo để làm điều răn về sau”.
Sĩ Chân cười nói: “Lý Sinh cũng không có tội gì, chỉ là tôi vừa nhìn thấy ông ta thì vô cùng tức giận, liền nghĩ cách muốn giết ông ta, bây giờ đã giết ông ta rồi. Tôi cũng không biết rốt cuộc là tại sao, ông không cần phải hỏi thêm nữa”.
Đợi đến khi tiệc rượu kết thúc, thái thú liền bí mật hỏi thăm tuổi của Sĩ Chân, xác thực là 27 tuổi. Sĩ Chân chính là người mà Lý Sinh giết chết hồi trẻ, đã chào đời ở nhà họ Vương. Thái thú thở dài không thôi, sau đó dùng tiền của mình an táng cho Lý Sinh.
(Trích từ “Tuyên Thất chí”)
Tiểu Thiện, dịch từ minghui.org