Nhân loại đang phải đối mặt với cuộc Đại Tuyệt Chủng do chính mình gây ra
Lịch sử Trái đất đã trải qua 5 cuộc Đại Tuyệt chủng, theo tính toán của các nhà khoa học Mỹ, cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 đã thực sự bắt đầu và chúng ta đang đối mặt với giai đoạn đầu của biến cố đó.
Đầu tiên, tính đa dạng của sinh vật đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Có khoảng 41% các loài động vật lưỡng cư đang ở mức báo động. Cùng với đó, 26% những loài động vật có vú và 13% loài vật không xương sống cũng không thoát khỏi mối đe dọa này.
Một số loài được đặt trong tình trạng cực kỳ nguy cấp hiện nay là các loài linh trưởng như khỉ mũi hếch, tê giác đen, khỉ đột phương Tây và báo Amur.
Theo các nhà nghiên cứu, những cuộc Đại Tuyệt chủng trước đây có thể bị thúc đẩy bởi yếu tố tự nhiên hay vũ trụ nhưng cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này là kết quả hành động của con người.
Cụ thể, chính việc khai thác quá mức như săn bắn, đánh cá là nguyên nhân chính trong việc làm suy giảm các loài động vật này. Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp và đô thị hóa cũng góp phần phá hủy môi trường sống và giảm số lượng các loài động vật.
Số lượng khí thải CO2 gia tăng không những làm Trái đất và đại dương ấm lên mà còn axit hóa đại dương. Ước tính có khoảng 10% số lượng san hô trên Trái đất đang dần biến mất và không thể phục hồi. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, 60% san hô trên Trái đất sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2050.
Theo một thống kê mới đây thì có từ 2 – 50 triệu loài động thực vật và nấm đang tồn tại. Thế nhưng mỗi năm lại có từ 500 – 36.000 loài biến mất vì lý do môi trường, săn bắn…
Với tốc độ biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng mạnh mẽ thì chỉ trong vài trăm năm nữa 75% các loài động vật sẽ bị tuyệt chủng. Nếu tốc độ này được giảm thấp hơn một chút thì thời gian xảy ra cuộc Đại Tuyệt chủng có thể kéo dài 1.000 năm.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu như chúng ta không thực sự nghiêm túc và đưa ra những biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt, thì rất có thể cuộc Đại Tuyệt chủng lần thứ 6 sẽ xảy ra vào năm 2200.
Theo Genk