Nhạc Phi tinh trung báo quốc, vì sao cuối cùng lại nhận phải kết cục bi thảm?
Thiện ác báo ứng là đạo lý của vũ trụ, đó là đặc tính duy hộ sự hài hòa và thành trụ của vũ trụ. Nhạc Phi tận trung báo quốc, đúng ra phải được phúc báo, nhưng kết cục lại nhận lấy cái chết bi thảm, lẽ nào lại không có nguyên do. Hai câu chuyện sau đây sẽ nói cho con người hiểu rõ căn nguyên.
Nghiệp chướng nơi thượng giới, phải lấy sinh mệnh mà hoàn trả
Theo “Thuyết Nhạc toàn truyện”, Nhạc Phi chính là Kim Sí Điểu nơi Phật quốc. Về vai vế thì ông là cậu của Phật Tổ, nhưng do gây tội hại chết Nữ Thổ Bức, nên phải hạ giới hoàn trả nợ nghiệp. Đồng thời linh hồn Nữ Thổ Bức cũng theo đó chuyển sinh làm con gái họ Vương, về sau làm vợ Tần Cối chờ ngày báo hận.
Kim Sí Điểu trong lúc hạ giới, còn hại chết “Đoàn Ngư Tinh”, vốn là 1 con cua tinh dưới sông Hoàng Hà, khiến cho cua tinh ôm hận, về sau chuyển sinh làm Vạn Sĩ Hoa, mưu hại Nhạc Phi trong ngục để báo thù.
Kim Sí Điểu vốn mang bản tính ngang tàng, trong truyện Tây Du Ký cũng có miêu tả rằng đó là một con đại bàng khổng lồ với pháp thuật cao cường, chỉ cần 2 lần vỗ cánh là đã bắt gọn Tôn Ngộ Không đang đằng vân.
Với bản tính ương ngạnh lại lắm mưu kế, Kim Sí Điểu là kẻ chủ mưu bắt Đường Tăng, lại còn công khai đấu với cả Phật Tổ, toan cướp luôn chùa Lôi Âm của Đức Phật. Với khí phách như vậy, Kim Sí Điểu không tránh khỏi tạo nhiều nghiệp chướng, đến lúc hạ phàm phải chịu nhiều đau khổ để trả nợ nghiệp. Điều đó đã được phản ánh rất rõ nét qua số phận bi thảm của Nhạc Phi.
Năm 1140, quân Kim hủy hiệp ước cầu hòa và tiến đánh Nam Tống. Nhạc Phi gấp rút chuẩn bị binh lực đánh sang nhà Kim. Đội quân của ông đã chiến đấu với quân Kim 126 trận và toàn thắng, quân Kim phải xưng tôn ông là “Toàn thắng đại tướng quân”. Việc lấy lại giang sơn cho nhà Tống là việc dễ dàng trong lòng bàn tay, nhưng rốt cuộc lại bị Tần Cối hãm hại, giả thánh chỉ truyền liên tiếp 7 đạo kim bài bắt ông thu quân. Tần Cối sau đó còn vu cáo tội làm phản để bức Nhạc Phi vào tội chết.
Nhạc Phi cả đời tận trung, nhưng cuối cùng lại nhận phải kết cục thật bi thảm. Điều này khiến cho người đời sau không khỏi phẫn nộ bất bình, vừa tiếc cho Nhạc Phi, lại căm phẫn gian thần như Tần Cối.
Tuy nhiên, con người trong mê không hiểu việc nhân quả, dễ bị giả tướng thực tại làm cho mờ mắt. Việc làm của Nhạc Phi tuy là để lại tiếng thơm muôn đời, nhưng triều đình Nam Tống khí số đã tận, nên việc của Nhạc Phi là hoàn toàn trái với thiên ý. Tuy là mãnh tướng bảo vệ triều đình, nhưng thực ra triều đình Nam Tống đến đời Triệu Cấu phải nhường lại cho Bắc Tống là vì có nguyên do của nó.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận lập nên nhà Tống, trong 16 năm trị vì đã tạo nên thời thế thái bình thịnh trị. Em trai ông là Triệu Quang Nghĩa, mang dã tâm chiếm đoạt vương quyền đã hạ độc đương kim hoàng đế, sau đó còn liên tục truy sát hậu duệ của anh trai mình nhằm củng cố quyền lực.
Việc làm này khiến cho con cháu ông ta phải liên tục chịu ác báo cho đến đời Triệu Cấu, và nó chỉ chấm dứt khi Triệu Cấu trả lại ngôi vị cho con cháu Tống Thái Tổ. Đây chính là cách để hóa giải mối oán duyên, cũng là thiên ý. Vậy nên, Nhạc Phi dù tận trung báo quốc, hết lòng phụng sự Nam Tống nhưng cũng không thể thay đổi được, thậm chí vì làm trái thiên ý mà rước họa vào thân.
Rốt cuộc, oán nghiệp do Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa gây ra lớn đến mức nào mà di họa đến bao đời con cháu?
Tống Thái Tông dùng mưu giành binh quyền, liên tiếp gây oán nghiệp
Năm 976, Triệu Quang Nghĩa tự lập làm hoàng đế, đầu tiên dùng ân huệ để ổn định dân chúng, sau khi ngồi yên hoàng vị, liền liên tiếp hạ độc thủ. Năm 979 Triệu Đức Chiêu chết, năm 981 Triệu Đức Phương chết, năm 984 Triệu Đình Mỹ chết, đều là do Triệu Quang Nghĩa dùng cùng một loại độc dược hạ độc, sau đó giết người bị mua chuộc hạ độc để diệt khẩu. Trong sách sử có ghi chép về nguyên nhân cái chết, tất cả đều căn cứ theo sử liệu mà triều đình của Triệu Quang Nghĩa bấy giờ đã sửa đổi, nên thông tin là ngụy tạo.
Lý Dục vốn là Hậu Chủ triều Nam Đường do yếu thế nên xưng thần với triều Tống, ông có vợ là mỹ nữ nổi tiếng Tiểu Chu Hậu. Triệu Quang Nghĩa vì muốn chiếm đoạt nên sai người ám sát Lý Dục. Để sự việc không bị bại lộ, Triệu Quang Nghĩa nhọc lòng tuyển chọn một cao thủ tuyệt đỉnh, dùng một cây cương châm nhỏ đâm từ huyệt bách hội trên đỉnh đầu vào đại não, không lưu lại bất kể vết tích gì. Tiểu Chu Hậu cũng lầm tưởng là chồng bị đột tử, không có vết thương, không có triệu chứng trúng độc. Bà ta được Thái Tông nạp vào hậu cung, nhưng vẫn nhớ đến người chồng cũ, khinh bỉ Thái Tông, chẳng lâu sau thì u uất mà chết.
Còn nói về Tống hoàng hậu (Hiếu Chương Hoàng hậu), vị hoàng hậu tại vị lúc Tống Thái Tổ băng hà, bà có hai người con cũng đã chết một cách bí ẩn. Tống hoàng hậu đoán là do Thái Tông làm, vô cùng phẫn nộ, trong lời lẽ biểu lộ ra sự thật về Thái Tổ bị hãm hại, cung nữ thái giám làm giám thị ở xung quanh không ngừng báo lên trên. Tống hoàng hậu vì vậy bị giam lỏng đến chết, nhưng không được phát tang, cũng không được hợp táng cùng Thái Tổ, quần thần không được viếng, chôn cất một cách tùy tiện. Quan quân nghị luận không ngớt; để thị uy, Tống Thái Tông lấy hàn lâm học sỹ Vương Vũ Xưng ra khai đao, lấy tội phỉ báng mà giáng chức xuống Trừ Châu.
Làm ác đến cùng, ác báo sáu đời tuyệt tử tuyệt tôn
Con trưởng mà Tống Thái Tông yêu quý nhất là Triệu Nguyên Tá. Nguyên Tá và thúc thúc là Triệu Đình Mỹ có mối quan hệ tốt, thúc thúc với tội “mưu phản” bị giáng chức và lưu đày cho đến lúc chết, Nguyên Tá vì thương tình thay thúc thúc mà cầu xin tha thứ. Tống Thái Tông nổi cơn thịnh nộ, mắng lớn Triệu Nguyên Tá không ngừng, giận quá mất khôn cuối cùng lại nói ra rằng chính mình là bàn tay đen đạo diễn ở đằng sau: “Là ta bảo họ làm đó! Ngươi còn cầu xin cái gì?!”. Triệu Nguyên Tá nhất thời không ngờ tới, vì quá kích động mà sau này phát điên.
Con thứ là Triệu Nguyên Hy cũng bị đầu độc chết. Nguyên do là Tống Thái Tông sau khi con trưởng là Nguyên Tá bị điên, thì sủng ái con thứ. Sau này trong lúc cao hứng còn kín đáo nói ra bí mật rằng ông là dùng độc dược để hại chết Thái Tổ, nói cho Nguyên Hy cách dùng loại độc dược mãn tính kia, truyền thụ độc kế cho con trai.
Không ngờ rằng, Triệu Nguyên Hy trong một lần say rượu, lại đem bí mật kinh thiên này nói hết cho ái thiếp Trương thị của mình. Sau này Trương thị vì muốn tương lai làm hoàng hậu, liền dùng cùng một loại độc dược để hạ độc tình địch là Vương phi, nghĩ rằng bản thân có thể hạ độc Vương phi một cách “Thần không biết, quỷ không hay”, nào ngờ Triệu Nguyên Hy lại uống nhầm phải rượu độc.
Vụ việc bị điều tra, Trương thị thành thật khai báo, Thái Tông nổi giận, không những giết chết Trương thị, còn tước bỏ luôn phong hiệu “thái tử” vừa mới phong cho Nguyên Hy, hạ cấp nghi lễ an táng thành giản tiện. Điều này khiến cho những người đương thời hết sức khó hiểu.
Người con thứ ba của Tống Thái Tông là Chân Tông, các con của ông này cũng lần lượt chết sớm, chỉ còn người con duy nhất chính là Nhân Tông sau này; Nhân Tông hưởng thụ thái bình thịnh thế, nhưng lại tuyệt hậu; con cháu của chi phái Thái Tông tức vị, tức Anh Tông, năm 36 tuổi bệnh chết; Thần Tông tức vị, năm 37 tuổi bệnh chết; Triết Tông 24 tuổi bệnh chết, tuyệt hậu; Huy Tông ngu dốt làm loạn nước và Khâm Tông cùng hoàng tộc bị bắt đến nước Kim chịu nhục, đa số công chúa, vương phi bị ép làm kỹ nữ của nước Kim, chỉ có Triệu Cấu chạy thoát, đây chính là “nỗi nhục Tĩnh Khang” nổi tiếng trong lịch sử.
Mẫu thân, thê thiếp, con cái của Triệu Cấu ở nước Kim chịu nhục thế nào, Triệu Cấu vẫn không màng đến hận nước thù nhà, cứ một mực khuất tất cắt đất cầu hòa, tôn Đại Kim làm chính thống của Hoa hạ, tự mình yên phận ở Giang Nam làm “hoàng thượng” do nước Kim sắc phong, còn xúi giục Tần Cối giết oan Nhạc Phi.
Triệu Cấu tuyệt hậu, được bá mẫu là Mạnh thái hậu cảnh cáo trong “giấc mộng lạ”, không dám tìm dòng dõi sót lại của Thái Tông nữa, mà tìm hậu duệ của Thái Tổ làm hoàng tử, đem hoàng vị lại cho hậu duệ của Thái Tổ, kết thúc đế vị của gia tộc Triệu Quang Nghĩa trong sự sỉ nhục.
Giấc mộng lạ về Mạnh thái hậu là gì? Theo chỉ điểm của cao nhân, trong mộng bà thấy Thái Tổ, còn có hai người con của Thái Tổ là Đức Chiêu, Đức Phương, tam đệ của Thái Tổ là Đình Mỹ, và Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, những người bị trúng độc mà toàn thân đầy vết máu, họ nói ra sự thật bị Thái Tông hại chết, nguyên nhân con cháu của Thái Tông phải chịu ác báo, thiên lý không dung. Mạnh thái hậu sợ quá, lập tức nói với Tống Cao Tông Triệu Cấu. Triệu Cấu cũng khiếp sợ lắm, vội vàng làm theo lời của thái hậu, chọn con cháu của Thái Tổ làm người kế thừa.
Thế mới thấy:
Việc triều đình Nam Tống chịu nhục và mất đi quyền lực, đều là có căn nguyên đời trước, theo lẽ công bằng của vũ trụ mà phải chịu nghiệp chướng này. Nhạc Phi bất quá cũng chỉ có thể duy trì triều đình nhà Nam Tống không bị diệt mất để sau đó nhường lại cho con cháu của Thái Tổ, duy trì hết 16 đời. Nhưng Nhạc Phi vì làm trái thiên ý mà cuối cùng uổng công, vừa không đạt được nguyện vọng lại chịu chết bi thảm, đây cũng là trả lại món nợ năm xưa trên thiên giới.
Tinh Hoa tổng hợp