Nhà nước đang chi 68.000 tỷ đồng chỉ để ‘nuôi’ tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm
Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chi phí hàng năm cho các tổ chức, hội đoàn không thuộc cơ quan nhà nước,khoảng 14.000 tỷ đồng, nếu tính cả tài sản và các chi phí kinh tế xã hội khác, tổng chi phí cho các tổ chức này có thể lên đến 68.000 tỷ đồng, tương đương 1,7% GDP, chưa kể nguồn lực cán bộ.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, hiện nay trong nước có hàng loạt hội đoàn như: Hội nhà văn, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội người cao tuổi, Hội nhạc sĩ, Hội điện ảnh, Hội kiến trúc sư, Hội luật gia, Liên minh các hợp tác xã việt nam… mà chi phí xã hội cho các hội đoàn này có thể lên tới 68,000 tỷ đồng/năm.
Theo tham luận chung của ông Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Đức Thành (Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) qua nghiên cứu, tổng ngân sách nhà nước chi cho các hội – đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội lên tới khoảng 14.000 tỷ đồng.
Còn nếu tính đủ cả chi phí kinh tế – xã hội, tức là gồm cả đất đai, trụ sở, xe cộ, phương tiện, nhà hàng, khách sạn của hệ thống Hội-Đoàn thể và một số nguồn vốn khác (như kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí nguồn phi chính phủ…) thì hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỷ VND, chiếm 1-1,7% GDP cả nước.
Về nguyên tắc, ngân sách được thu từ thuế và chỉ được chi cho các hoạt động quản lý nhà nước, việc chi cho các hội – đoàn chỉ là hỗ trợ. Theo đó, công việc nào có liên quan đến quản lý nhà nước thì ngân sách có thể chi trả. Còn những công việc nào liên quan đến hoạt động riêng của hội – đoàn nào thì các hội viên của hội – đoàn ấy phải đóng hội phí để cân đối. Nhưng, thời gian qua, hầu như ngân sách phải hỗ trợ ngày càng tăng cho các hội – đoàn, từ chi phí đi lại, trụ sở, kinh phí hoạt động và chi trả cho bộ máy, khiến gánh nặng ngân sách ngày càng lớn.
Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Thực trạng này xuất phát từ việc chúng ta chưa xác định minh bạch vai trò của các hội – đoàn và ranh giới đâu là các hoạt động quản lý nhà nước mà các hội – đoàn tham gia, đâu là hoạt động mang tính nội bộ của các hội – đoàn, để từ đó có căn cứ chi hỗ trợ theo đề nghị của các hội – đoàn. Vì vậy, cần tách bạch vấn đề này, để xác định mức chi hỗ trợ cho những hội – đoàn có các hoạt động tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần quản lý xã hội tốt hơn”.
“Nếu hội – đoàn chỉ là tổ chức nghề nghiệp thuần túy để tổ chức giúp đỡ các hội viên thực hiện phát triển nghề nghiệp, hay để cùng nhau thực hiện tốt một lĩnh vực nào đó mà các hội viên quan tâm thì họ phải tự trang trải bằng phí do hội viên đóng góp.
Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở xem xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội – đoàn cụ thể và tác động của nó đối với lợi ích chung,” Ông Lê Thanh Vân chia sẻ thêm.
Hà My (t/h)