Nguy cơ Pháp tiếp bước Anh rời khỏi EU đang gia tăng
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây cho biết nguy cơ Pháp tiếp bước Anh rời khỏi EU sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới “đang gia tăng”, khiến Liên minh châu Âu (EU) lại đứng trước mối đe dọa tan rã.
Lời cảnh báo của Moody’s dựa trên thực tế trong các cuộc thăm dò gần đây, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), người chủ trương đưa nước Pháp rời EU, liên tục dẫn đầu trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Pháp. Bà Marine Le Pen từng nhiều lần tuyên bố nếu đắc cử Tổng thống, bà sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc Pháp rời bỏ “con tàu đang đắm” EU.
Tại Pháp chỉ có 40% ủng hộ ở lại EU. Ngoài Đức, Pháp là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào động lực phát triển của châu Âu. Tuy nhiên, nước này cũng phải đối mặt với vô số vấn đề gồm nền kinh tế yếu kém, đe dọa khủng bố cao. Nguyên nhân của hiện trạng này được đổ cho EU hoặc các điều kiện mà các thành viên khác đặt ra.
Đó chính là lý do mà nhiều người Pháp cho rằng một cuộc trưng cầu với kết quả Pháp rút khỏi EU được coi là cách giúp nước này thoát khỏi tình hình hiện nay. Một cuộc thăm dò của Đại học Edinburgh cho thấy, 53% người Pháp ủng hộ việc tổ chức trưng cầu đi hay ở EU.
Nắm được tâm lý này, ứng cử viên tổng thống của phe cực hữu Marine Le Pen tuyên bố: “Chúng ta đã tham gia EU, khối Schengen. Việc Anh rời khỏi EU chứng tỏ rằng Liên minh châu Âu EU đang thực sự chia rẽ, các vết nứt đang ở khắp nơi”. Bà này cho rằng, Pháp có hơn 1.000 lý do để rút khỏi EU.
Hôm 4/2, bà Marine Le Pen đã công bố chương trình tranh cử tổng thống bao gồm 144 điểm, trong đó nêu ý định đưa nước Pháp ra khỏi Bộ chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khôi phục biên giới quốc gia và rời bỏ khu vực đi lại tự do Schengen. Với tuyên bố “đặt nước Pháp lên trên hết”, ngăn chặn tình trạng nhập cư tràn lan, không ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu hóa và mạnh tay với khủng bố, bà Marine Le Pen hiện được mệnh danh là “Donald Trump của nước Pháp”.
Mặc dù thời gian gần đây, bà Marine Le Pen đã bị nhà lãnh đạo của phong trào “Tiến bước!” – cựu Bộ trưởng Kinh tế E. Macron bám đuổi sát nút, nhưng khả năng bà lọt vào vòng 2 bầu cử tổng thống là rất cao.
Bầu cử Tổng thống Pháp sẽ được chia làm 2 vòng: vòng 1 vào ngày 23/4, sau đó 2 ứng viên dẫn đầu vòng 1 sẽ bước vào vòng 2, diễn ra vào ngày 7/5 tới. Nếu bà Marine Le Pen trở thành Tổng thống thì kịch bản nước Pháp rời khỏi EU (còn gọi là Frexit, hoặc Fraurevoir) có nguy cơ trở thành hiện thực hơn bao giờ hết.
Mới đây nhất, ông György Schöpflin, một thành viên trong Quốc hội châu Âu cũng nhận xét: “Nếu bạn đang tìm kiếm một quốc gia sắp rời khỏi EU, bạn hãy nhìn vào nước Pháp”.
Việc Anh tiến hành bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU (Brexit) hồi tháng 6/2016 đã tạo ra làn sóng chấn động khắp châu Âu. Giờ đây, chẳng ai dám chắc chắn rằng sẽ không có thêm các thành viên khác của EU rời khỏi mái nhà chung.
Pháp là nền kinh tế lớn thứ 3 của EU và thứ 6 của thế giới. Vì thế, việc nước Pháp sẽ đi theo chiều hướng nào là điều không thể bỏ qua. EU sẽ khó mà tồn tại được nữa, khi có tới 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất khối (gồm Anh, Pháp và Đức) đều không còn là thành viên.
Theo Bizlive