Nguồn gốc cây lúa trong truyện thần thoại
Viêm Đế, còn được biết đến là Thần Nông, một ông vua huyền thoại trong thần thoại Trung Hoa. Người ta tin rằng ông sống cách đây 5.000 năm và đã dạy người cổ đại cách làm ruộng.
Viêm Đế – Vị Thần làm nghề nông
Người ta nói rằng mẹ ông đã đến thăm vùng Hữu Oa và sinh ông ra sau khi nhận linh hồn của một con rồng. Viêm Đế được sinh ra trong hình dạng thân người và đầu của một con bò. Ông đã biết nói chỉ 3 ngày sau khi sinh, biết bò vào lúc 5 tháng, mọc răng vào lúc 7 tháng, và biết làm nông vào lúc 3 tuổi.
Ông đã nhìn thấy dân số đang phát triển và biết rằng họ không thể nào sống chỉ dựa vào thực vật và thú hoang. Sau khi bắt cá và săn bắn, ông nghĩ rằng con người cần phải phát triển nông nghiệp.
Ông đã sáng chế ra dụng cụ để trồng trọt, chẳng hạn như thuổng, xẻng, rìu, và cuốc. Ông đã dạy người ta cày cấy và trồng năm loại ngũ cốc, đó là: lúa, kê, vừng, lúa mì, và các loại đậu.
Ông ủng hộ phát triển chợ búa và khuyến khích người dân trao đổi mua bán để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Đó là lúc khởi đầu của giao thương. Ông cũng đã tạo ra 5 loại nhạc cụ có dây để chơi nhạc và nâng cao đời sống văn hóa của con người.
Một đóng góp khác của Viêm Đế là việc nếm vị thảo dược để con người có thể có thuốc. Ông đã đi đến nhiều núi cao và thu nhặt đủ các loại thực vật. Ông đã nghiền mỗi thứ ra để xem xét đặc tính của nó: xem thử nó độc hay lành, nóng hay lạnh, v.v.
Để biết được bản chất của mỗi loại dược thảo, Viêm Đế đã nếm thử từng thứ một. Một lần, ông đã nếm phải 7 loại chất độc trong một ngày. May thay, truyền thuyết nói rằng Thần Nông có một cơ thể trong suốt và vì vậy có thể nhìn thấy sự ảnh hưởng của các loại thực vật và dược thảo khác nhau. Vì thế, ông đã có thể thấy bộ phận nào bị tác động và liền chọn ngay một liều thuốc chống chọi lại.
Ông đã chữa bệnh cho dân chúng bằng cách sử dụng thảo dược, tùy theo đặc tính của chúng. Ông đã sáng chế ra thuốc Trung Y và đã chữa lành bệnh cho rất nhiều người.
Viêm Đế dạy dân trồng lúa
Năm đó, Viêm Đế Thần Nông trèo đèo lội suối, chịu muôn vàn khổ cực để đến thung lũng Gia Hòa. Ông tới nơi này là vì tìm kiếm một loài thực vật mà người tiền sử dựa vào nó để sinh tồn.
Viêm Đế vì muốn tìm kiếm đồ ăn cho nhân loại, muốn cải biến phương thức sinh tồn của con người, đây là sự việc kinh thiên động địa, nên tất nhiên đã có thần linh tương trợ. Lúc ấy đúng vào mùa hè thời tiết nóng bức, Viêm Đế đã tìm được một dòng suối nằm bên cạnh một cái động ở vách núi đá. Ông uống nước suối xong liền ngả mình vào một gốc cây nằm ngủ.
Trong giấc mộng ông đã được thần tiên chỉ điểm. Sau khi tỉnh lại, ông đã tìm được cây có hạt mà con người có thể ăn được tại khu vực động lân cận. Năm đó, nơi mà Viêm Đế phát hiện cây lúa, chính là tại chân núi Cửu Lão Phong.
Viêm Đế đã trồng hạt này xuống ruộng nước tại Cửu Lão Phong, sau một năm đã thu hoạch được một gánh hạt vàng rực rỡ, rồi ông đem hạt thóc phân phát cho người dân địa phương, hướng dẫn cho họ cách gieo trồng như thế nào.
Năm thứ hai, thu hoạch được hơn mười gánh; năm thứ ba thu hoạch được nhiều hơn nữa… cứ như thế, một truyền mười, mười truyền trăm, trời Nam đất Bắc mọi người đều đua nhau gieo hạt này. Càng về sau càng thu hoạch được nhiều, mọi người ăn không hết liền xây kho tích trữ. Đây chính là câu chuyện Viêm Đế dạy con người trồng trọt tại Gia Hòa.
Mọi người vì tưởng nhớ công ơn khai sáng văn hóa nông canh thần truyền của Viêm Đế, nên đã tôn sùng ông là Thần Nông; đặt tên cho động mà Viêm Đế ngủ là Bính Huyệt (“Bính” trong Ngũ hành thuộc “Hỏa”, đồng nghĩa với từ “Viêm”). Đặt tên thôn trang trồng lúa đó là Hòa Thương Bảo, chính là thị trấn Gia Hòa ngày nay.
Năm đó, vì trợ giúp Thần Nông dẫn nước về tưới ruộng, Đông Hải Thủy Vương đã tới đây, đánh thắng tê giác quái thường xuyên hành ác ở vùng này, khơi thông sông Nguyệt, khiến cho nước sông Nguyệt từ động đá ào ào chảy về con suối ở phía đồng ruộng.
Mọi người vì tưởng nhở công tương trợ của Hải Vương, đã xây ngôi miếu ở bên cạnh huyệt động lấy tên là Thủy Nguyên (nghĩa là nguồn nước). Từ đó nước trong động liên tục chảy ra, quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ.
Lê Hiếu biên dịch