Người tu luyện thời cổ đại dùng thần thông để vượt sông như thế nào?
Những ghi chép trong lịch sử đã chứng minh được rằng người tu luyện có thần thông và công năng siêu thường. Ví như truyền thuyết “vượt sông bằng cây lau” trong Phật giáo, hay câu chuyện người tu đạo triều Bắc Tề vẽ đất ra lửa và câu chuyện rẽ nước qua sông.
Đạt Ma vượt sông bằng cây lau
Bồ Đề Đạt Ma là ông tổ của phái Thiền tông trong Phật giáo Trung Quốc, được tôn là “ông tổ Đạt Ma”.
Thời Lương Vũ Đế (464 – 549) (Nam Triều), Bồ Đề Đạt Ma từ nước Thiên Trúc vượt biển đến Trung Quốc. Đến Nam Hải được Huyện lệnh Quảng Châu là Tiêu Ngang đón tiếp và tâu lên vua, Võ Đế sai sứ giả đến đón. Đến ngày một tháng mười năm sau thì đến Nam Kinh.
Theo ghi chép trong «Bích nham lục»: “Đạt Ma nhìn từ xa thấy vùng đất này có căn tính của Phật liền quyết định vượt biển đến truyền tâm ấn khai mở; bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”.
Đạt Ma nghe nói Lương Vũ Đế tin Phật pháp liền đến Kim Lăng giảng pháp. Nhưng Lương Vũ Đế không hiểu gì về Phật pháp nên không thể lĩnh ngộ được những lời của Đạt Ma, thế là Đạt Ma liền rời Giang Nam. Sau đó Đạt Ma lại băng qua Trường Giang lên phương Bắc giảng Phật pháp, ông đứng trên cây lau vượt qua sông Trường Giang, vì thế mà có điển tích “vượt sông bằng cây lau” (nhất vĩ độ giang). Hiện nay ở Thiếu Lâm Tự có bức điêu khắc bằng đá về điển tích này.
Khi băng qua sông, Đạt Ma đến kinh đô Lạc Dương của Bắc Ngụy, sau đó lên Thiếu Lâm Tự trên núi Tung Sơn và sống suốt 9 năm trong hang đá tu luyện khổ cực.
Bồ Đề Đạt Ma vượt sông bằng một cây lau. (Ảnh: Internet)
Rẽ nước vượt sông
Theo ghi chép trong «Bắc Tề thư», vào thời Nam – Bắc triều ở Bắc Tề có người tu đạo gọi là Do Ngô Đạo Vinh, thích Đạo pháp từ nhỏ, đã đi đến núi Trường Bạch cùng một người đồng chí hướng và ẩn cư tu đạo trong núi, thông hiểu đạo pháp.
Do Ngô Đạo Vinh nghe nói có người Tấn Dương am hiểu đạo pháp liền đến thăm hỏi. Người này đang làm thuê ở nhà một người khác và không ai quen biết anh ta, vì thế Do Ngô Đạo Vinh mất nhiều công sức mới tìm được. Người kia thấy Do Ngô Đạo Vinh một lòng cầu đạo nên đã truyền thụ cho anh ta.
Người Tấn Dương kia nói với Do Ngô Đạo Vinh: “Ta là tiên Hằng Nhạc ở trên trời, vì phạm tội nhỏ nên bị đày xuống thế gian. Đến nay cũng hết kỳ hạn án phạt nên phải trở lại thiên đình. Anh tiễn ta đến Sông Phần nhé”.
Khi đến Sông Phần thì gặp lúc nước dâng cao làm cây cầu bị gẫy, tiên Hằng Nhạc liền dùng pháp thuật rẽ nước ra và đi qua đáy sông. Cảnh tượng này chỉ có mình Do Ngô Đạo Vinh được trông thấy, còn những người xung quanh không thể trông thấy, ai cũng nói: “Nước chảy xiết như thế mà người này cũng bơi qua được”. Mọi người ai cũng sửng sốt.
Do Ngô Đạo Vinh trở lại núi Lang Nha ẩn cư tu đạo, chỉ ăn tùng tử và phục linh, tìm bí quyết trường sinh. Không lâu sau, Bắc Tề Văn Tuyên Đế đến Tấn Dương và vào núi Liêu Dương chơi thì gặp mãnh thú.
Đang lúc hoảng hốt định bỏ chạy thì Do Ngô Đạo Vinh dùng cây gậy vạch thành cái hố lửa khiến con mãnh thú hoảng sợ bỏ chạy. Sau khi Bắc Tề bị diệt vong, Do Ngô Đạo Vinh theo ý trời quy thuận Bắc Chu, sống cho đến năm đầu triều nhà Tùy (581 – 618).
Theo Daikynguyenvn