Người da đen và người châu Á tại Anh dễ thiệt mạng vì COVID-19 nhất
Theo một nghiên cứu chính thức công bố ngày 2/6, người da đen và người châu Á tại Anh có khả năng tử vong cao hơn tới 50% nếu bị lây nhiễm COVID-19. Kết quả này đã gây sức ép lên chính phủ, nhằm hoạch định lại phương án bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao bị lây nhiễm này.
Tuy báo cáo từ Public Health England (cơ quan điều hành của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội tại Anh) đã củng cố những nghiên cứu trước đó khẳng định: Nhóm dân tộc thiểu số dễ gặp rủi ro hơn khi nhiễm COVID-19, nhưng lại không đưa ra khuyến cáo cụ thể từ chính phủ cho nhóm người này.
Bộ trưởng Y tế – Matt Hancock cho hay, Bộ trưởng Bộ bình đẳng – Kemi Badenoch sẽ xem xét vấn đề này cụ thể hơn.
“Chúng tôi sẽ hành động sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ báo cáo”, ông Hancock nói.
Các bác sĩ, chính trị gia và cầu thủ bóng đá là một trong số những người bày tỏ quan ngại về tỷ lệ tử vong cao hơn một cách không lý giải được ở nhóm các dân tộc thiểu số. Báo cáo khẳng định những người Bangladesh có nguy cơ tử vong vì COVID-19 gần gấp đôi những người Anh da trắng.
Cơ quan Public Health England cho biết, những người đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, hoặc các quốc gia châu Á, những người thuộc vùng Caribbean, hoặc các dân tộc da đen khác, có nguy cơ tử vong cao hơn từ 10 đến 50% so với những người thuộc nhóm người Anh da trắng.
Những phát hiện này có sự tương đồng với một nghiên cứu trước đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) được công bố vào tháng 5. Hiện Đảng Lao động đối lập đã kêu gọi hành động nhanh chóng.
Nhà lập pháp – David Lammy chia sẻ: “Nhiều gia đình đang sống trong lo sợ. Chúng ta không thể trì hoãn thêm được nữa. Chính phủ buộc phải hành động cấp bách để bảo vệ nhóm người thuộc diện nguy cơ cao này”.
Tuy nhiên, giám đốc xét nghiệm Anh – John Newton lại khẳng định: Dù báo cáo vào hôm 2/6 chỉ ra mức độ rủi ro cao cho nhóm người thiểu số, nhưng mức độ rủi ro này không phụ thuộc vào yếu tố chủng tộc, mà liên quan tới tính chất công việc của họ.
Hiện dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành tại nhiều quốc gia và khu vực, tính đến hiện tại trên thế giới có hơn 6,4 triệu ca nhiễm bệnh, gần 400,000 người chết. Nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng trầm trọng, người dân mất việc làm và nhất là tính mạng vẫn đang bị đe dọa.
Việt Anh (theo Epoch Times)