Nghiên cứu mới: “Vết bớt” tương ứng với vết thương từ kiếp trước
Tiến sĩ Jim Tucker tại Đại học Virginia đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về đầu thai để từ đó chấp nhận sự tồn tại của luân hồi, nhưng những vết bớt tương ứng với những vết thương từ tiền kiếp (trong kiếp trước) vẫn khiến ông bối rối.
Có thể nào vết chàm là do ấn tượng tinh thần từ kiếp trước để lại? (Shutterstock*)
Trong cuốn sách “Luân hồi: Các trường hợp bất thường của những đứa trẻ nhớ lại tiền kiếp”, ông viết: “Tôi không hiểu làm thế nào mà một vết thương trên cơ thể này lại có thể tạo nên vết bớt ở một cơ thể khác dù rằng bạn chấp nhận ý tưởng nó liên quan tới kiếp sống trước đây”.
Người thầy của tiến sĩ Tuker và cũng là bậc tiền bối trong các nghiên cứu luân hồi, tiến sĩ Ian Stevenson đã xác minh nhiều trường hợp như vậy. Một số trẻ em trong khoảng 2.000 trường hợp đầu thai ông nghiên cứu đã nhớ lại cuộc sống trước đây của chúng một cách chi tiết, thậm chí còn có thể mô tả được thân thể trước đây của mình. Thông qua kiểm tra hồ sơ khám nghiệm tử thi hoặc nói chuyện với gia đình của người quá cố, Stevenson phát hiện rằng trẻ em thường có vết bớt tương ứng với vết thương trên thân thể được cho là có trong kiếp trước của chúng với độ chính xác đến kinh ngạc.
Điển hình như trường hợp của cậu bé Patrick ở miền Trung Tây Hoa Kỳ mà Stevenson và Tucker cùng thực hiện nghiên cứu. Patrick có ba vết bớt dường như tương ứng với ba vết thương trên người của anh trai Kevin đã qua đời của cậu. Kevin mất vì căn bệnh ung thư từ nhỏ trước khi Patrick ra đời.
Trong thời gian điều trị, một mắt của Kevin trở nên bầm tím và bị mù. Patrick thì có một lớp mờ đục màu trắng che phủ mắt trái và về cơ bản là con mắt đó của cậu bị mù. Kevin có một khối u trong tai phải. Patrick có một cục bướu nhỏ bẩm sinh ở tai phải. Cổ bên phải Kevin có một đường truyền tĩnh mạch trung tâm. Patrick cũng có vết ở cổ bên phải. Hơn nữa, Kevin đi khập khiễng và Patrick cũng vậy. Patrick dường như nhớ được những điều mà cậu chưa làm bao giờ, như việc đã sống trong căn hộ cũ của gia đình, điều mà Kevin đã từng làm. Cậu cũng gọi một người họ hàng đã qua đời với cái tên “Billy hải tặc”, người đã bị sát hại và mẹ của cậu thậm chí không biết là có cái tên đó. Những gì cậu nói về Billy hóa ra là có thật. Billy được cho là đã nói chuyện với Patrick trong khoảng thời gian giữa hai kiếp sống.
Làm thế nào mà một vết bớt có thể chuyển từ đời này sang đời khác?
Tiến sĩ Tucker cho biết, ngay cả khi một người công nhận rằng hiện tượng tái sinh là có tồn tại nhưng dường như khó có thể hiểu được bằng cách nào hay tại sao vết bớt lại xuất hiện trên cơ thể mới.
Trong cuốn sách “Luân hồi và Sinh học” (Reincarnation and Biology) của mình, tiến sĩ Stevenson đã đưa ra dẫn chứng về một thanh niên đã nhớ lại một cách sống động về trải nghiệm chấn thương trong kiếp sống trước. Hai cánh tay của anh đã bị buộc ra sau trong suốt trải nghiệm đó, và khi nhớ lại, hai bàn tay của anh dần hiện lên những vệt trông giống như vết dây thừng.
Tiến sĩ Stevenson cho biết, nếu suy nghĩ của một người có thể tạo nên dấu vết trên cơ thể của người đó thì những ký ức về một cuộc sống trong quá khứ có thể để lại dấu vết trên cơ thể hiện tại. Nhiều vết bớt dường như liên quan đến những trải nghiệm đau thương trong kiếp sống trước và mờ dần khi những ký ức trở nên phai nhạt. Thường thì trẻ em dường như có thể nhớ lại những kiếp sống trước nhưng ký ức trở nên mờ nhạt hơn khi chúng lớn lên.
Nhà thần kinh học Joe Dispenza, người được nói đến trong bộ phim tài liệu “Chúng ta biết những tín tức gì?” (What the Bleep Do We Know!?) cũng nói rằng suy nghĩ của một người có thể tác động lên cơ thể của người đó.
Chẳng hạn, trong một thí nghiệm đã được thực hiện, những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu dùng một ngón tay liên tục kéo thiết bị lò xo trong vòng một giờ mỗi ngày trong bốn tuần. Sau đó, ngón tay dùng để kéo trở nên mạnh hơn 30%. Một nhóm khác được yêu cầu tưởng tượng thực hiện yêu cầu này trong cùng một lượng thời gian. Mặc dù không được rèn luyện, các ngón tay của họ cũng tăng 22% sức mạnh.
Một số căn bệnh hay một số triệu chứng cũng được phát hiện xuất phát từ tinh thần. Tác giả chuyên viết về sức khỏe và động viên tinh thần bệnh nhân, Trisha Torrey đã viết trong một bài báo trên About.com rằng: “Bệnh tinh thần còn được gọi là bệnh tâm lý, được dùng để mô tả về những bệnh nhân có triệu chứng bệnh nhưng nguồn gốc gây bệnh dường như lại nằm ở tinh thần”.
Tiến sĩ Tucker đã viết: “Nếu tinh thần tiếp tục tồn tại sau khi chết và sống trong một bào thai đang phát triển, vậy thì tôi có thể hiểu ý niệm có thể tác động như thế nào lên bào thai. Không phải là vết thương trên cơ thể trước đây tạo ra các vết chàm hay dị tật bẩm sinh mà là những ký ức về vết thương trong tinh thần của người đó đã tạo ra chúng”.
Xác suất để 2 người có cùng vết bớt một chỗ là bao nhiêu?
Theo tính toán của tiến sĩ Stevenson, xác suất hai người có cùng vết bớt tương ứng với hai vết thương trên hai người khác nhau là 1/25.600.
Tiến sĩ Tucker tóm tắt logic như sau: “[TS Stevenson] bắt đầu với vùng da của nam giới trưởng thành trung bình cao 1,6m. Sau đó, ông tưởng tượng rằng nếu khu vực này là hình vuông và trải trên một mặt phẳng, kích thước sẽ là khoảng 127cm x 127cm. Vì ông coi cái bớt và vết thương tương ứng với nhau nên nếu chúng đồng thời ở cùng một vị trí và trong cùng một khu vực có diện tích 10cm2, ông tính toán xem có bao nhiêu hình vuông trùng với diện tích 10cm2 trong vùng da người này, con số ông tính toán ra là 160. Do đó xác suất mà một vết bớt trùng với một vết thương là 1/160. Xác suất mà hai vết bớt trùng với hai vết thương là 1/160 x 1/160 hay 1/25.600″.
Một số người chỉ trích các tính toán của tiến sĩ Stevenson, vì vậy ông và tiến sĩ Tucker đã nhờ đến sự giúp đỡ của hai nhà thống kê khi nghiên cứu trường hợp của Patrick.
Hai nhà thống kê học tỏ ra quan tâm nhưng lại từ chối lời đề nghị. Một trong hai người nói rằng, các tính toán sẽ làm đơn giản hóa tình huống phức tạp. Tuy nhiên, nhà thống kê cho biết: Các cụm từ như “rất khó xảy ra” và “cực kỳ hiếm” có thể dùng để mô tả trường hợp này.
Xem thêm:
>>> Dấu ấn thần bí xuất hiện trên cơ thể người
Theo Đại Kỷ Nguyên