Vietnam Airlines nhận “chạy bằng” giá 25.000 USD cho chứng chỉ bay?
Một số phi công của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới đây, thông qua một đại biểu quốc hội, đã lên tiếng tố cáo về nhiều tiêu cực trong đào tạo, chứng nhận phi công, trong đó có việc họ phải chi hàng chục nghìn đôla Mỹ để được công nhận bằng lái hoặc chuyển loại.
Hàng loạt cơ quan truyền thông ở Việt Nam trong mấy ngày gần đây cũng đưa tin về trường hợp trên. Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh đối ngoại của Quốc hội đã gửi thư đến Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể, đề nghị làm rõ cáo buộc của các phi công về hiện tượng “chạy bằng” ở Vietnam Airlines.
Ông Cương cho rằng, tại VNA có nhiều bất cập trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn, chuyển loại phi công. Thậm chí, có hiện tượng ra giá 20.000-25.000 USD cho một lần phỏng vấn. Cụ thể, phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350, hoặc B787, phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng…
Cũng theo ông Cương qua lời kể các phi công từ năm 2013, khi Vietnam Airlines thực hiện chính sách “xã hội hóa” đào tạo phi công, việc tuyển chọn “chỉ mang tính hình thức”, gần như bất kỳ ai đủ tiền đóng học là có thể đi học.
Ngoài tiêu cực tuyển sinh, đại biểu Cương cũng nhấn mạnh thực trạng các trường dạy bay nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Một số trường học viên phi công kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay.
“Khi giáo viên đánh trượt học viên sẽ có điện thoại hoặc chỉ đạo từ cấp trên để nhân nhượng. Vì vậy thực trạng mặt bằng chất lượng bị giảm sút nhiều, nguy cơ xảy ra mất an toàn rất cao”, đại biểu Cương trao đổi.
Do quá trình học cơ bản sơ sài như vậy, nên trong các chặng đào tạo tiếp theo để lái máy bay Airbus A321 tại các trường nghiêm túc ở các nước phương tây, các học viên Việt Nam “thường xuyên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra”, theo thư của ông Cương cho biết.
Ông còn cho biết thêm các học viên “liên tục bộc lộ những điểm yếu” trong quá trình đào tạo, và “đa số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 3 điểm”, là mức chấp nhận được trong thang điểm có mức tối đa là 5.
Đánh giá tổng quát, vị đại biểu khẳng định đó là những vấn đề “không nhỏ”, có nguy cơ “uy hiếp an toàn bay”.
Bức thư trên của ông Cương không nêu đích danh ai là những người nhận tiền. Song theo các bài báo, đa số các phi công cho biết họ “nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền”.
“Đa số các phi công thuộc diện phỏng vấn đều nhận được cuộc gọi điện đề cập việc nộp tiền. Sự việc này không thể do một cá nhân làm mà phải có tổ chức” văn bản này viết.
Sau khi văn bản được gửi đi, hiện tại Trung tâm Điều hành Bay của Vietnam Airlines vẫn chưa có phát ngôn nào cho sự việc này. “Chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ GTVT về những tố cáo tiêu cực trong đào tạo phi công của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”, Ông Cương cho hay.
Phỏng vấn một giáo viên bay và kiểm tra viên của Vietnam Airlines, ông Nguyễn Nam Liên, khi được hỏi về tính xác thực của các bài báo sử dụng thông tin trong thư của ông Cương, ông Liên nói:
“Tôi không liên quan đến vấn đề tuyển dụng của Vietnam Airlines. Tôi chỉ huấn luyện các phi công ở giai đoạn đầu. Tôi là người trong hệ thống, và tôi là người có tiếng nói có trách nhiệm. Vì vậy, xin phép không trả lời cho đến khi được lãnh đạo cho phép. Lúc này thật sự là mọi việc mới xảy ra, thành ra cũng chưa ai được chỉ định để phát ngôn”.
Cơ trưởng Boeing 787 Nguyễn Nam Liên hiện cũng là Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng ban Huấn luyện của Trường Phi công Bay Việt.
Tin tức về việc “chạy bằng” và đào tạo “dỏm” làm người dân tăng thêm nỗi lo ngại về trình độ của phi công Việt Nam, trong bối cảnh vừa xảy ra hai vụ máy bay đáp hụt phi đạo khiến hành khách một phen hú vía.
Cụ thể hôm 28/7, một phi cơ Airbus 321 đã hạ cánh lệch vị trí quy định tại phi trường Nội Bài. Chuyến bay này khởi hành lúc 19 giờ 50 từ Huế đi Hà Nội. Sau khi hạ cánh lệch vị trí, phi cơ tiếp tục lăn vào sân đỗ bình thường. Chuyến bay hạ cánh an toàn, đúng giờ vào 21 giờ. Toàn bộ hành khách đã được đưa vào nhà ga theo đúng quy trình phục vụ.
Trước đó, dư luận còn sửng sốt khi biết tin một phi cơ Vietnam Airlines chở hơn 200 hành khách bay từ Sài Gòn “hạ cánh nhầm phi đạo đang xây dựng” tại phi trường Cam Ranh hôm 29/4.
Các hành khách đi trên chuyến bay này sau đó kể lại với báo chí rằng “phi cơ đột ngột thắng gấp trước khi tông sập hàng rào” và khi họ ra khỏi phi cơ thì thấy phi đạo đầy mảng bê tông, thùng sơn và rác rến.
Các bài báo về tiêu cực trong đào tạo hoặc công nhận chuyển loại phi công tại Vietnam Airlines đã gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội Facebook.
Nhiều người đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam phải mạnh tay chống các tiêu cực này để bảo đảm là an toàn cho “bao mạng người trên máy bay” được đưa lên hàng đầu, đồng thời làm “trong sạch môi trường” trong công tác đào tạo hay quy trình thăng cấp phi công của Vietnam Airlines.
Bạch Nhật (t/h)