Ngẫm cái sự đời: Thế nào là một anh hùng?

24/06/15, 13:46 Cổ Học Tinh Hoa

“Anh hùng” hai chữ lưu truyền qua bao thế hệ về một mẫu người mẫu mực, để rồi ngày nay “anh hùng” không được tôn trọng và thậm chí đang dần được hiểu theo cách méo mó. Để dễ bàn luận, chúng ta cần hiểu nghĩa căn bản của hai chữ anh hùng.

Anh hùng là gì? Anh hùng là người tài năng xuất chúng, công to, đức cả khiến mọi người đều kính phục. Thế mà giữa xã hội này, mỗi người quan niệm anh hùng theo mỗi cách. Phim ảnh giải trí hiện nay đang nhồi nhét đầy rẫy các hình tượng “siêu anh hùng”, chỉ có các nhân vật sở hữu sức mạnh và khả năng đặc biệt mới xứng được Hollywood cho vào danh sách này. Tuy nhiên có thể bạn còn chưa biết, lịch sử luôn có những nhân vật anh hùng mà không cần khả năng gì đặc biệt.

1/ Anh hùng Lưu Bị

Lưu, Quan,Trương kết bái ở Đào viên.

Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, hành động được Lưu Bị làm nhiều nhất có lẽ là… khóc. Gặp Quan Trương, khóc. Gặp Thủy Kính, khóc. Gặp Gia Cát, khóc. Gặp Lỗ Túc, khóc. Gặp vua Hán, khóc. Gặp đâu khóc đó. Nhiều người cho rằng như vậy là bạc nhược, kém cỏi. Ngược lại, Tào Tháo cười suốt ngày. Tuy nhiên thứ nhất, “khóc” là do La Quán Trung “khóc” hộ; thứ hai, không phải cứ cười mới là anh hùng.

Lưu Bị là một người bán giày dệt chiếu, chẳng biết có phải dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương thật hay không, nhưng dù sao cũng có học hành, lại biết chút võ vẽ chứ không phải không, vậy chắc cũng không phải loại tầm thường. Riêng cái việc nhân lúc thiên hạ đại loạn mà dấy binh khởi nghiệp đã không phải việc của kẻ tầm thường, bảo Lưu Bị không anh hùng là không phải.

Lưu Bị khởi nghiệp tới hơn năm mươi tuổi mà chẳng đánh thắng nổi trận nào, bỏ chạy sang Đông Ngô cầu viện, sau đó nhờ Chu Du chỉ huy thắng lợi chiến dịch Xích Bích lịch sử lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, mà Lưu Bị cũng có chút đất đai, lại có thời gian chỉnh đốn quân đội vì không bị Tào Tháo đuổi nữa. Nghe chừng thì thảm bại, nhưng nếu không phải Lưu Bị mà là Viên Thiệu, Viên Thuật chẳng hạn, thì liệu có chịu nổi cú sốc đó không? Một người đến năm mươi tuổi vẫn trắng tay, mà kiên trì không từ bỏ, nói người đó không phải anh hùng thì thật lạ.

Lưu Bị được thiên hạ tôn làm anh hùng, chứ không phải ai đặt ra. Tào Tháo khi gặp Lưu Bị uống rượu luận anh hùng, từng nói rằng (lúc đó Lưu Bị thân cô thế cô, tướng chỉ có Quan Trương, quân không có mống nào): “Anh hùng thiên hạ ngày nay, chỉ có Tháo và sứ quân mà thôi”. Lưu Bị giật mình đánh rơi cả đũa, không phải vì sợ, mà vì quá bất ngờ. Vốn đã giấu mình kỹ thế, hàng ngày chỉ trồng rau cắt cỏ, mà Tào Tháo vẫn nhận ra “chân tướng”, làm sao không giật mình được.

2/ Tống Giang

Tống Giang, anh là ai? Vốn làm một chức áp ti quèn, rồi lỡ tay giết Diêm Tích Kiều mà bỏ nhà chạy trốn, rồi làm thơ phản bị bắt, kết án tử hình, suýt thì mất đầu, may nhờ bọn Tiều Cái, Lí Quì đến cứu. Chẳng ngờ cuối cùng là “lạc thảo” (làm cướp). Sau khi Tiều Cái mất, nhờ quan hệ tốt mà được đôn lên làm đầu lĩnh.

Tống Giang, võ kém cả Lưu Bị, mưu mẹo không thể so với Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, nhưng tại sao lại được các hảo hán ủng hộ đến vậy? Lí do đơn giản là: Tống Giang là anh hùng.

Thứ nhất, Tống Giang là người có tấm lòng rộng lượng, thời còn làm áp ti, dù lương nhà nước ba cọc ba đồng nhưng vẫn dốc gia sản giúp đỡ người khác, dù đi làm quan nhưng quan hệ với giới giang hồ đâm chém cũng rất tốt.

Thứ hai, Tống Giang dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn có phong thái lãnh đạo. Dù là trên đường đi lưu đày, nhưng đám Trương Hoành, Trương Thuận, Mục Xuân, Mục Hoằng, Quách Thịnh, Lã Phương… cứ nhìn thấy Tống Giang là bái rạp gọi bằng bác xưng em hết. Sức hiệu triệu của Tống Giang là cực lớn, lớn hơn Tiều Cái rất nhiều. Kể ra, những người lên Lương Sơn theo Tiều Cái chỉ có ba anh em họ Nguyễn, Công Tôn Thắng, Ngô Dụng, Bạch Thắng; sau này Lâm Xung giết Vương Luân đưa Tiều Cái lên làm đầu lĩnh nữa. Số còn lại, tất tần tật đều lên Lương Sơn vì nghe nói có Tống Giang trên đó.

Thứ ba, có gan. Đầu tiên tất nhiên là có gan làm phản. Thứ nữa là có gan đánh trận. Nói thì đơn giản, nhưng thực sự rất là không đơn giản. Có người nói Tống Giang đâu phải đánh đấm gì, chỉ ra trước trận hò hét, nhưng thử nghĩ một tay quan văn mà trận nào cũng hăng hái bôn ba, võ không bằng Lâm Xung, mưu kém xa Ngô Dụng, mà nói một câu ai cũng phải nghe, thử xem có mấy người làm được?

3/ Chỉ có anh hùng mới hiểu nhau

Người ta có câu “anh hùng tương tích”, tức là anh hùng thì hiểu lòng nhau, quý mến nhau. Lưu Bị võ kém Quan Trương, mưu thua Gia Cát. Tống Giang võ kém Lâm Xung, mưu thua Ngô Dụng. Vậy tại sao những người giỏi võ, giỏi mưu hơn lại cam chịu ở dưới trướng họ? Bởi vì anh hùng không phải chỉ là biết võ biết mưu. Anh hùng là ở cốt cách, khí phách, ý chí. Những võ tướng tài giỏi, những hảo hán Lương Sơn đâu có đời nào lại chịu nghe một kẻ nhu nhược chỉ huy? Đừng nói toàn là những tay hảo hán, mà ngay cả người bình thường, gặp kẻ nhu nhược đớn hèn chỉ huy, phỏng có ai chịu tuân theo mệnh lệnh?

Cốt cách anh hùng đấy, nói thì trừu tượng, nhưng nó cũng có những biểu hiện rất cụ thể mà cả ở Lưu Bị và Tống Giang đều thấy rõ, đó là không ngại khó, không ngại khổ, không sợ nguy hiểm; gặp nghịch cảnh vẫn hiên ngang, gặp cường địch vẫn bình thản. Đó là những tính cách mà tất cả đàn ông trên đời đều phải học tập.

4/ Định kiến

Có nhiều người ghét Tống Giang vì lí do là nhận chiêu an của triều đình. Vậy ta thử phân tích xem nếu không chiêu an thì sẽ ra sao.

Nếu không chịu nhận chiêu an thì Lương Sơn vẫn còn, nhưng còn đến bao giờ và còn để làm gì? Nếu muốn làm việc lớn hơn như thay đổi triều đại, thì Lương Sơn phải liên kết với các thế lực khác, mạnh nhất có lẽ là Phương Lạp. Tuy nhiên, điều đó không đơn giản, Phương Lạp là kẻ kiêu hùng, không phải mấy tay hảo hán nhỏ lẻ trên giang hồ. Hơn nữa, cho dù giải quyết xong các nhóm khác cũng chưa chắc đã lập được triều đình riêng. Quân Lương Sơn chỉ mạnh khi ở Lương Sơn, lợi dụng địa hình địa vật để phòng thủ tấn công. Còn ra khỏi Lương Sơn thì chưa biết sẽ ra sao.

Cho dù có lập được triều đình đi nữa, thì rồi triều đình đó sẽ ra sao? Dù nói gì thì nói, Lương Sơn Bạc vẫn là “đầu trộm đuôi cướp”, tập hợp dân giang hồ tứ chiến, không chịu bị ràng buộc vào quan tước, ghét đám quan quân như ghét rắn rết. Tự nhiên bây giờ bắt họ làm quan, họ có làm không?

Lương Sơn oai hùng nhưng thực ra là không có chỗ dung thân. Nếu không nhận chiêu an, họ mãi mãi là phường thảo khấu, chiếm giữ một Lương Sơn bé tí, cả đời không có lối thoát. Vì vậy, nhận chiêu an không phải việc gì sai lầm, mà là Tống Giang suy nghĩ trên cơ sở có tương lai cho anh em.

Sai lầm của Tống Giang là có, nhưng không phải ở việc chiêu an. Sai lầm là sau khi chiêu an xong không biết phải làm gì. Ông đi đánh Phương Lạp thì không hề gì, nhưng thói đời hết chim thì cất cung, hết thỏ thì giết chó săn, Tống Giang không hiểu cái đạo lí đó (vì làm quan bé quá nên ít trải nghiệm). Đáng ra ông đứng giữa Phương Lạp và triều đình thì ông phải rất có lợi, bên nào mạnh hơn thì ông ngả theo bên đó mà đòi tiền bên kia. Đừng nói chuyện “chính nghĩa” gì ở đây, vì Tống Giang cũng lừa nhiều người lên Lương Sơn lắm rồi. “Chính nghĩa” là đảm bảo cho anh em một con đường sống. Tống Giang trong lúc nông nổi đã không làm được. Âu cũng là cái vận hạn của Lương Sơn.

Còn nước Thục, mất nước một phần do Lưu Bị thua trận, nhưng ai chẳng có lúc thua trận. Tào Tháo thua trận Xích Bích chẳng nặng nề hơn Lưu Bị thua trận Di Lăng. Vấn đề ở chỗ, Tào Tháo lúc đó còn khỏe mạnh, còn có cơ hội sửa sai, còn Lưu Bị đã già yếu, thua trận xong chẳng bao lâu thì qua đời. Nói khí số nhà Hán hết là vậy. Không cần phải đổ lỗi hết cho Lưu Bị.

Nói tóm lại, anh hùng trong thiên hạ thành hay bại đều do phần số đã định.

5/ Kết luận

Xưa nay chớ đem thành bại luận anh hùng, kẻ dám nghĩ dám làm, không ngại gian khó, hiểm nguy, ý chí kiên định, hết thảy đều là anh hùng. Tích anh hùng xưa nay đều nhiều, đều để lại cho hậu thế nhiều bài học cả, nhớ mà ghi lấy đặng tự răn mình. Còn chuyện công danh thành bại, tựa hồ mây khói qua trước mắt, tan biến lúc nào chẳng hay, không cần bận lòng làm chi.

“Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung”.

Bruce Phan, theo Mặc Nhiên Đường

Ad will display in 09 seconds

Huyền bí xá lợi Phật

Ad will display in 09 seconds

Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

Ad will display in 09 seconds

Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Bao Công bất bình vì cậu bé lương thiện lại bị Trời đánh chết, ẩn tình gì phía sau?

Ad will display in 09 seconds

Nước mắt con người nhiều hơn 4 đại dương

Ad will display in 09 seconds

Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

Ad will display in 09 seconds

Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

Ad will display in 09 seconds

Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

  • Huyền bí xá lợi Phật

    Huyền bí xá lợi Phật

  • Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

    Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

  • Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

    Cậu bé thiên tài 12 tuổi muốn chứng minh “Thiên Chúa thật sự tồn tại”

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Bao Công bất bình vì cậu bé lương thiện lại bị Trời đánh chết, ẩn tình gì phía sau?

    Bao Công bất bình vì cậu bé lương thiện lại bị Trời đánh chết, ẩn tình gì phía sau?

  • Nước mắt con người nhiều hơn 4 đại dương

    Nước mắt con người nhiều hơn 4 đại dương

  • Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

    Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

  • Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

    Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

  • Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

    Khiêm nhường là một loại cảnh giới, một loại tu dưỡng

x