Nga bị cấm vận trong tuần này
Lệnh cấm vận kinh tế mới áp đặt lên Nga sẽ có hiệu lực vào Thứ Sáu (12/9) sau khi đã được chính phủ các quốc gia EU thông qua.
Hôm nay (12/9) lệnh cấm vận mới của EU đối với Nga sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Đại sứ các nước thành viên EU đã phê chuẩn trên nguyên tắc lệnh trừng phạt mới này thứ Sáu tuần trước, nhưng việc thi hành đã bị hoãn lại vì một số tranh cãi liên quan đến thời điểm áp dụng vào lúc này hay cần thêm thời gian để lệnh ngừng bắn ở Ukraine được tuân thủ
Tại buổi họp ở Brussels, đại sứ các nước thành viên EU nhất trí, đợt cấm vận mới nên có hiệu lực vào ngày thứ Sáu, thời điểm thông tin được đăng trên Tạp chí chính thức của EU.
“Các vị đại sứ có quyền xét lại quyết định của họ vào bất kì thời điểm nào căn cứ theo tình hình thực tế, dựa trên quan điểm chung của các cơ quan có thẩm quyền”, một nhà ngoại giao EU cho biết.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho hay, các quan chức EU sẽ tiến hành xem xét diễn biến của kế hoạch hòa bình ở Ukraine trước thời điểm cuối tháng 9, và nếu Nga hợp tác thì một phần hoặc toàn bộ lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ.
Ông cho biết, nếu kế hoạch hòa bình được đảm bảo về lâu dài, thì các quan chức có thể đệ trình lên cấp lãnh đạo EU “đề xuất để sửa đổi, đình chỉ hoặc bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần gói cấm vận đã có hiệu lực”.
Động thái này cho thấy phía EU đang kêu gọi sự hợp tác của Nga. Trong khi đó, việc áp đặt ngay lập tức các biện pháp mới đã phản ánh sự nóng vội từ phía một số vị lãnh đạo không vị nể thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine diễn ra chưa đến 1 tuần, và cho thấy mối quan ngại của một số quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước phụ thuộc nhiều vào mối giao thương với Nga, không muốn bị Nga trả đũa.
Bước đột phá diễn ra ngay sau cuộc điện đàm hôm thứ Năm giữa ông Van Rompuy, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi, theo phát ngôn viên của Cameron.
“Họ thảo luận để bàn cách trừng phạt Nga về hành động vừa qua ở Ukraine và thỏa thuận tiếp tục thực thi gói trừng phạt đã được nhất trí vào tuần trước”, ông cho biết.
“Nếu nước Nga thành tâm đảo ngược tiến trình hiện tại thì dĩ nhiên EU và các nước khác sẽ xem xét lại lệnh cấm vận, nhưng không may là hiện nay có rất ít bằng chứng cho thấy điều này. Đó cũng là lý do tại sao EU phải thực thi lệnh trừng phạt trên”.
Moscow sẽ triển khai các biện pháp tương tự để đáp lại lệnh trừng phạt mới này, Cơ quan Báo chí Nga dẫn lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao tuyên bố.
Sự đáp trả này có thể bao gồm cấm nhập khẩu xe hơi đã qua sử dụng và hàng hóa tiêu dùng khác, hãng thông tấn RIA trích lời cố vấn kinh tế của điện Kremlin Andrei Belousov. Ông cho biết thêm: “Tôi hy vọng hai bên sẽ có các bước đi thông hiểu nhau hơn để Nga không phải áp dụng những biện pháp này”.
Xung đột tại Ukraine đã dấy lên cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất cho mối quan hệ Đông – Tây kể từ sau chiến tranh lạnh, làm tăng thêm những quan ngại về khả năng phá vỡ đường cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Tập đoàn nhập khẩu khí đốt quốc doanh của Ba Lan PGNiG hôm thứ Năm cho biết, Gazprom của Nga đã cung cấp cho nước này ít hơn 45% lượng khí đốt so với yêu cầu. Phát ngôn viên của Gazprom cho biết, đường dẫn khi đốt đến Ba Lan không có thay đổi gì từ tuần trước.
Phát ngôn viên của Ủy Ban châu Âu cho biết, EU đang tìm hiểu chi tiết và nguyên nhân của sự gián đoạn này. Các quan chức Ukraine, Nga và EU sẽ gặp nhau tại Berlin vào ngày 20/9 để thảo luận về việc cung cấp khí đốt, người này nói thêm.
Ukraine là quốc gia nhập khoảng một nửa khí đốt từ Nga, trong khi việc cung cấp khí đốt từ Nga đáp ứng được ⅓ nhu cầu của thị trường EU, với 40% khí đốt đều đi qua Ukraine.
Lệnh trừng phạt mới của EU theo dự kiến sẽ tác động đến các nhà sản xuất và hãng phân phối dầu mỏ quốc doanh của Nga như Rosneft, Transneft và Gazprom Neft. Theo đó, các tập đoàn này sẽ không được phép tăng vốn hoặc huy động vốn từ thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của EU không bao gồm lĩnh vực khí đốt, đặc biệt là đối với tập đoàn nhà nước Gazprom, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nguồn cung ứng chủ yếu của châu Âu.
Tập đoàn sản xuất xe tăng chiến đấu Uralvagonzavod, công ty hàng không vũ trụ Oboronprom và tập đoàn sản xuất máy bay United Aircraft Corporation – UAC dự kiến cũng sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới này, theo tin từ Reuters.
Theo đó, lệnh trừng phạt của EU sẽ giới hạn việc huy động vốn của các công ty tại châu Âu thông qua “các công cụ tài chính với kì hạn thanh toán vượt quá 30 ngày”.
24 cá nhân nữa sẽ được thêm vào danh sách những người không được phép đi đến các quốc gia thuộc khối EU cũng như đóng băng tài sản của họ tại các quốc gia này.
Trong khi Đức thúc giục việc thực thi lệnh trừng phạt này, thì một số quốc gia thành viên EU khác lại muốn trì hoãn vì lệnh ngừng bắn tại Ukraine đã được tuân thủ trong vài ngày qua.
Các nhà ngoại giao EU cho biết, các nước EU có liên hệ mật thiết với Nga như Ý, Áo và Phần Lan đều không sẵn lòng với việc thực thi lệnh trừng phạt mới này.
Bà Merkel cho biết, lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu kế hoạch hòa bình ở Ukraine có những dấu hiệu tiến triển khả quan.
Nga có thể không chỉ chịu cấm vận từ EU. Trong một thông cáo mới đây của mình, Tổng thống Barack Obama cũng khẳng định, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt sâu và rộng hơn trong các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng đối với những hành động của Nga mà Mỹ cho là “bất hợp pháp”.
Ông Obama đã kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin làm việc với Ukraine và các đối tác quốc tế khác để đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột mà không đặt ra những điều kiện vô lý.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Ukraine cho biết Nga đã rút phần lớn lực lượng khỏi nước này, thắp lên hy vọng về hòa bình sau cuộc xung đột kéo dài năm tháng, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, sĩ quan quân đội NATO cho biết, vẫn có khoảng 1.000 binh lính Nga đồn trú bên trong Ukraine và 20.000 quân đóng tại biên giới hai nước.
Đồng Rúp đã rớt xuống mức thấp kỉ lục so với đồng đô la Mỹ trước lệnh cấm vận mới.
Hàn Mai, [email protected]
Theo Reuters