NASA chiêu mộ người bảo vệ Trái đất khỏi sinh vật ngoài hành tinh
NASA đang tuyển dụng “sĩ quan bảo vệ hành tinh” có nhiệm vụ bảo vệ các hành tinh trong vũ trụ khỏi sự xâm nhập của sự sống bên ngoài, với mức lương lên đến 187.000 USD/năm.
Tổ chức này có nhiệm vụ đảm bảo rằng con người sẽ không làm ô nhiễm Mặt trăng, hành tinh và các thiên thể khác trong không gian vũ trụ. Họ cũng có nghĩa vụ phải ngăn chặn các vi sinh vật ngoại lai lây lan trên Trái đất.
Các nhà khoa học thuộc chính phủ Hoa Kỳ đang làm việc chăm chỉ để bảo vệ cộng đồng. Một số người nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và phương pháp điều trị hiệu quả. Một số khác khác đảm bảo về thuốc thang, thực phẩm, phương tiện giao thông, hoặc các sản phẩm tiêu dùng được làm ra theo tiêu chuẩn cao và không gây hại cho bất kỳ ai.
Tuy nhiên, các nhà chỉ huy của NASA vẫn còn một số quan ngại về các hành tinh ngoài Trái đất. Đó là lý do tại sao cơ quan vũ trụ này đang có một công việc mới mang tên “sĩ quan bảo vệ hành tinh”.
Vậy nhiệm vụ của công việc này là gì? Đó là đảm bảo những chiếc phi thuyền không gian xuất phát từ Trái đất không ảnh hưởng tới môi trường hành tinh khác, đồng thời cũng không đưa những sinh vật nguy hiểm từ bất cứ đâu về lại Trái đất.
Mức lương cho công việc này lên tới sáu con số, từ 124.406 – 187.000 USD (tương đương từ gần 3 tỷ đến hơn 4 tỷ VNĐ) một năm, cộng với các lợi ích khác.
Một vị trí quan trọng và hiếm có mang tầm vũ trụ
Trong khi nhiều cơ quan không gian khác tuyển đội ngũ bảo vệ hành tinh, họ thường chỉ đảm nhiệm một nửa hoặc phần nào vai trò của mình.
Trên thực tế, chỉ có hai người trên thế giới đảm nhận vị trí này toàn thời gian: Một ở NASA và một ở Cơ quan hàng không Vũ trụ châu Âu, theo Catharine Conley, sĩ quan bảo vệ hành tinh duy nhất của NASA từ năm 2014.
Vị trí này được tạo ra sau khi Mỹ phê chuẩn Hiệp ước ứng xử về không gian vũ trụ năm 1967, đặc biệt để hỗ trợ điều khoản IX của văn kiện:
“Các quốc gia thành viên của hiệp ước sẽ theo đuổi các nghiên cứu về không gian bao gồm Mặt trăng cùng các thiên thể khác và việc tiến hành thăm dò cần tránh gây ra những ô nhiễm có hại và những thay đổi bất lợi đối với môi trường Trái đất cũng như ngoài Trái Đất. Và khi cần thiết, sẽ áp dụng các biện pháp thích hợp cho những mục đích này”.
Một phần của thỏa thuận quốc tế là bất kỳ sứ mệnh không gian nào cũng phải có dưới 1/10.000 nguy cơ gây nhiễm độc môi trường ngoài Trái đất.
Đó là lý do vì sao sĩ quan bảo vệ hành tinh của NASA thỉnh thoảng hay di chuyển đến các trung tâm không gian trên thế giới và phân tích các robot thám hiểm không gian. Nhân viên này sẽ giúp đảm bảo chúng ta không vô tình làm nhiễm khuẩn một thế giới nguyên sơ mỗi khi tàu thăm dò hạ cánh hoặc bay qua để thu thập hình ảnh.
Ngoài ra, nhân viên này còn phải đảm bảo những mối nguy hiểm đến từ tinh cầu khác không xâm nhiễm Trái đất, đặc biệt là sao Hỏa.
Hành tinh đỏ là mục tiêu thường xuyên của NASA vì nó khá giống với Trái đất. Hành tinh này có thể đã từng được bao phủ trong nước và có đủ điều kiện cho sự sống, đó là lý do tại sao nhiều nhà khoa học đang đẩy mạnh sứ mệnh khám phá sao Hỏa trở lại, dường như họ muốn tìm ra dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh.
Mặc dù mục tiêu chính không phải là để thu thập các vi sinh vật, tồn tại dưới dạng hóa thạch cổ ở bề mặt sao Hỏa, nhưng sự xuất hiện của chúng luôn là nguy cơ gây nhiễm khuẩn các phòng thí nghiệm trên Trái đất.
Một lần nữa, đây là lúc mà Conley và nhóm của cô được mời đến. Họ hỗ trợ thiết lập các thiết bị, quy trình và thủ tục để giảm thiểu các rủi ro.
Không ai từng nói rằng nhiệm vụ bảo vệ Trái đất luôn là sứ mệnh vẻ vang. Conley nói, 1 tuần điển hình của cô chủ yếu liên quan đến rất nhiều email, đọc các nghiên cứu, đề xuất và nhiều tài liệu khác.
Ai là người đủ tiêu chuẩn ứng tuyển
Để làm một công việc ngoài Trái đất như Conley đòi hỏi phải sở hữu một số bằng cấp đặc biệt. Một ứng viên phải có ít nhất một năm kinh nghiệm với tư cách là nhân viên chính phủ cấp cao, cộng với những “kiến thức tiên tiến” về bảo vệ hành tinh và những yêu cầu khác.
Công việc này yêu cầu sự phối hợp đa quốc gia, do việc thăm dò vũ trụ là rất tốn kém, và chi phí thường xuyên được chia sẻ bởi nhiều quốc gia. Do đó, NASA cần một người có kỹ năng ngoại giao để chứng minh các giải pháp hiệu quả cho những cuộc thảo luận đa phương cực kỳ phức tạp.
Có phải chúng ta đã đề cập đến một người có trình độ cao cấp về khoa học vật lý, kỹ thuật, hoặc toán học? “Người bảo vệ Trái đất” cũng nên có những điều đó trong bản hồ sơ xin việc.
Cuối cùng, công việc này đòi hỏi đi kèm với sự bảo mật, và những người không phải là công dân Mỹ sẽ không đủ điều kiện ứng tuyển dựa trên sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Gerald Ford năm 1976.
Ứng viên trúng tuyển sẽ làm công việc bảo vệ hành tinh trong 3-5 năm. Hạn cuối nhận hồ sơ của NASA là ngày 14/8.
Hoàng An biên dịch