Mỹ thông qua luật cho phép do thám công dân sau dòng tweet khó hiểu của ông Trump
Hôm 11/1, sau dòng tweet gây nhầm lẫn của Tổng thống Donald Trump, Hạ viện Mỹ đã thông qua luật cải tổ chương trình do thám cho phép các cơ quan tình báo thu thập các email, tin nhắn, hình ảnh… của người dân nước này mà không cần lệnh cho phép của tòa.
Đạo luật được thông qua với tỉ lệ 256 phiếu thuận, 164 phiếu chống. Trong đó, số người phản đối thuộc cả hai phe, với 45/164 phiếu phản đối là của các đảng viên Cộng Hòa.
Theo Reuters, dự luật được Hạ viện thông qua sẽ mở rộng chương trình gián điệp của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong 6 năm với những thay đổi nhỏ. Dự luật vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Trump để chính thức trở thành luật.
Cụ thể, đạo luật “do thám” sửa đổi cho phép các cơ quan tình báo Mỹ nghiên cứu các thông tin của người Mỹ nếu họ liên lạc với các đối tượng bị theo dõi là người nước ngoài sống ở nước ngoài.
Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật này sau một năm tranh cãi. Thượng viện sẽ bỏ phiếu cho dự luật này trước thời điểm hết hạn vào ngày 19/1. Dự đoán đạo luật sẽ tiếp tục được thông qua trước khi đến bàn ông Trump.
Vài giờ trước khi Hạ viện thông qua đạo luật sửa đổi này, ông Trump đã đưa ra những thông điệp lẫn lộn thể quan điểm riêng của ông về dự luật này.
Trong dòng tweet ban đầu, ông Trump nói rằng mục 702 đã bị chính quyền Obama lạm dụng để “theo dõi với dụng ý xấu” các hoạt động của chiến dịch tranh cử của ông dù không đưa ra bằng chứng nào cho thấy chiến dịch vận động của ông bị nghe lén.
Tuy nhiên, hơn một giờ sau, ông lại viết trên Twitter rằng, “cuộc bỏ phiếu hôm nay là về việc giám sát những kẻ xấu nước ngoài. Chúng ta cần nó!“.
Cơ quan an ninh quốc gia cho biết, việc làm mới mục 702 của Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài là cần thiết và cảnh báo rằng họ sẽ không thể phát hiện các âm mưu khủng bố nếu không có điều luật này. Luật này được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2008 sau vụ khủng bố 11/9, sau đó đã được cấp phép theo Mục 702 của Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA).
Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền và các chính trị gia có khuynh hướng tự do của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa lại nhìn nhận việc tiếp tục thông qua đạo luật là một thất bại trong nỗ lực của họ nhằm tăng cường quyền riêng tư cho người dân.
Năm 2013, cựu nhân viên Edward Snowden từng tiết lộ rằng NSA đang sử dụng đạo luật này để thu thập lượng lớn dữ liệu từ người Mỹ.
Một số đảng viên bảo thủ hoặc có khuynh hướng tự do mong muốn đạo luật được sửa đổi để yêu cầu trát của tòa trước khi NSA hoặc các cơ quan tình báo khác có thể xem xét thông tin liên lạc của một người Mỹ có dữ liệu được thu thập.
Nhà Trắng, các cơ quan tình báo Mỹ và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Nghị viện cho biết, họ thấy chương trình giám sát là cần thiết và cần ít hoặc không cần sửa đổi.
Tú Văn (t/h)