Trung Quốc sẽ phải sợ những vũ khí này nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân
Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân INF ký kết với Nga lại có liên quan đến Trung Quốc. Vì giờ đây, các giới hạn ràng buộc về vũ khí của Mỹ được nới lỏng trong hoàn cảnh nước này đang “cảm thấy khó ở” với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào rạng sáng 21/10 xác nhận, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga, với lý do Moskva vi phạm thỏa thuận và Trung Quốc đang phát triển kho tên lửa đầy tham vọng.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Mỹ lại liên kết Trung Quốc với Hiệp ước hạt nhân INF? Lý giải về vấn đề này, học giả Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ đã xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược lớn của nước này: “Xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế và an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc là địch thủ. Bằng cách sử dụng thông điệp chống Trung Quốc làm cái cớ, Mỹ đang cố gắng từ bỏ tất cả các giới hạn liên quan đến việc kiểm soát an ninh và cuộc chạy đua vũ trang”.
Cùng chung quan điểm này, Fu Mengzi, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại (Bắc Kinh) nhận định, việc Tổng thống Donald Trump công bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước hạt nhân INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc.
Nếu ông Trump thật sự rút khỏi Hiệp ước hạt nhân INF thì Sứ giả chiến tranh Tomahawk phiên bản phóng từ đất liền, tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II có thể là những vũ khí mà Mỹ có thể hồi sinh ngay nếu rút khỏi Hiệp ước hạt nhân INF.
Tên lửa hành trình BGM-109G Tomahawk
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Sau khi tuyên bố này trở thành hiện thực, tên lửa hành trình BGM-109G Tomahawk phiên bản phóng trên đất liền có thể là vũ khí đầu tiên được Mỹ hồi sinh.
Tomahawk là tên lửa hành trình tấn công mặt đất chủ lực của quân đội Mỹ, nên việc đưa phiên bản phóng từ mặt đất trở lại hoạt động là vấn đề cực kỳ đơn giản. Xe chuyên chở, bệ phóng có thể sản xuất trở lại trong thời gian ngắn với chi phí phải chăng.
Nếu Mỹ thực sự rút khỏi INF và đưa phiên bản BGM-109G trở lại hoạt động, Washington sẽ có trong tay vũ khí có khả năng răn đe rất lớn. Tomahawk với tầm bắn hơn 2.000 km có thể tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương, giúp thay đổi cán cân quyền lực ở bất kỳ nơi nào nó được triển khai.
Tên lửa đạn đạo tầm trung di động Pershing II
Pershing II là loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 2 giai đoạn, tầm bắn khoảng 1.700 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Điểm mạnh của nó nằm ở công nghệ dẫn hướng rất tinh vi.
Đây là một lựa chọn hợp lý khác nếu Mỹ rút khỏi INF. Nó cũng bị loại bỏ sau khi INF có hiệu lực. Pershing II từng là tên lửa đạn đạo đáng sợ của quân đội Mỹ.
Gabriel Collins thuộc Viện Hàng hải Trung Quốc, Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, từng đề xuất hồi sinh tên lửa Pershing II sử dụng trên tàu chiến để đối phó chiến lược 2A/2D của Trung Quốc.
Nhà phân tích Collins lập luận, tên lửa Pershing II được chế tạo vào đầu những năm 1980 nên công nghệ của nó không quá lạc hậu so với hiện tại, chỉ cần cập nhật công nghệ dẫn hướng mới sẽ có ngay một vũ khí đáng gờm.
Bên cạnh đó, việc hồi sinh Pershing II sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với phát triển tên lửa mới, thời gian đưa vào sử dụng nhanh hơn, giúp Mỹ lấp đầy khoảng trống về vũ khí siêu thanh trước khi hoàn thành việc phát triển tên lửa mới.