Mỹ nhân từng đóng Hồng Lâu Mộng cuối đời nương nhờ cửa Phật: “Lâm Đại Ngọc chính là tôi”

09/02/21, 11:27 Cuộc sống

Trần Hiểu Húc (29/10/1965 – 13/5/2007) là người ở thành thị An Sơn, tỉnh Liêu Ninh. Bà là nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc với vai diễn Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng” phiên bản 1987. Dưới đây là câu chuyện về cuộc đời bà.

Trần Hiểu Húc là nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc với vai diễn Lâm Đại Ngọc. (Ảnh: t/h)

Sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật, cha của bà là một đạo diễn kinh kịch nổi tiếng Trần Cường, còn mẹ là cô giáo dạy múa Vương Nguyên Tịch. Có lẽ vì vậy, mà từ nhỏ bà cũng được thừa hưởng những năng khiếu thiên bẩm về nghệ thuật như múa ballet, thậm chí còn có thể thực hiện được những động tác cực khó. Hiểu Húc cũng đi theo con đường kinh kịch như cha mình.

Vào năm 1984, nhờ vào khí chất đặc biệt, Trần Hiểu Húc được giao đảm nhận vai diễn Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng”. 

Đến năm 1987, sau khi bộ phim được công chiếu, hóa thân của bà vào nhân vật Lâm Đại Ngọc này rất được quần chúng yêu thích đón nhận, từ đó cái tên của Hiểu Húc đã gắn chặt với Lâm Đại Ngọc.

Có một Lâm Đại Ngọc trong Trần Hiểu Húc

Trước khi nhận vai diễn Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, bà từng có một tuổi thơ chịu mọi sự hắt hủi của mọi người xung quanh, khiến tâm hồn bà trở nên mong manh dễ bị tổn thương.

Năm ấy, trong cuộc đại Cách mạng Văn hóa, ông Trần Cường là cha của bà bị bắt vì liệt vào tầng lớp tư sản tự do. Những người hàng xóm xung quanh đều lẫn tránh và không dám giao tiếp với gia đình bà. 

Bà từng hỏi mẹ rằng: “Sao mọi người lại lẩn tránh chúng ta?”. 

Mẹ bà lúc ấy chỉ nhỏ nhẹ đáp: “Đó không phải lỗi của chúng ta. Bố con là người tốt”. 

Trong một lần bà bị đám trẻ trong xóm ném đá vào người. Một cậu bé trong đám đã hét lên: “Biến đi chỗ khác”.

Cũng từ đó, trái tim bà trở nên mong manh hơn, bà nhút nhát, sợ hãi người lạ, thường trốn vào một góc nhà, ngại ngùng khi giao tiếp với mọi người.

Năm cha của bà được trả tự do, ông trở về nhà nhìn thấy con gái như vậy cảm thấy rất đau lòng. Có lần ông bật khóc nói với con gái: “Bố biết con tổn thương, sợ hãi vì chuyện của bố. Bố cũng rất đau lòng và tự dằn vặt bản thân, vì chẳng thể bảo vệ được con…”. 

Bản thân bà cũng thấu hiểu nỗi lòng của cha, nhưng chính bà cũng không biết phải làm sao. Nhiều lần bà thử trò chuyện với những người khác, nhưng cuối cùng vẫn không được như ý: “Con thấy làm vậy thật gượng gạo, con thà ngồi một mình còn hơn bị người khác chú ý… Nhưng nếu bố muốn con nói chuyện với người ta thì con sẽ làm vậy”.

Nghe những tâm sự của con gái, ông chỉ biết xót xa mà nói với vợ: “Người ta thì đau đầu vì con cái không nghe lời, anh thì đau lòng vì con gái quá nghe lời”.

Ngoài đam mê với ballet, bà cũng có niềm đam mê với thơ ca. Năm 14 tuổi, Hiểu Húc đã sáng tác ra một bài thơ có tên: “Tôi là một bông tơ liễu”. Những dòng thơ ấy, như đang nói về nội tâm của chính bà, mong manh như bông tơ liễu, nhưng lại trong sáng đầy mơ mộng.

“Tôi là một bông tơ liễu

Lớn lên trong mùa xuân xinh đẹp

Bị cha mẹ bỏ rơi quá sớm

Nên kết thành tri kỷ với gió xuân.

Tôi là một bông tơ liễu

Đừng hỏi tôi chốn nao là nhà

Mong được gió thổi đến chân trời góc bể

Để báo tin xuân đến từng góc nhỏ của thế gian.

Tôi là một bông tơ liễu

Sinh ra chẳng biết âu lo

Bố tôi là bầu trời rộng lớn

Mẹ tôi là đại địa vô ngần”.

Nhưng bà nào biết rằng, nội tâm mong manh mơ mộng ấy của bà, lại gần như tương đồng với Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng. Và cũng không ngờ rằng, chính bà sau này sẽ đảm nhiệm vai diễn nặng ký đó, trở thành một tượng đài về Lâm Đại Ngọc, mà cho tới nay chưa từng có ai vượt qua được.

“Tôi chính là Lâm Đại Ngọc”

Còn nhớ lần đầu Trần Hiểu Húc biết thông tin có đoàn phim đang tuyển diễn viên cho phim Hồng Lâu Mộng trên toàn quốc. Năm ấy bà đã 20 tuổi, ngay lập tức bà cảm nhận được vai diễn ấy rất phù hợp với mình, và cũng được cha động viên nên đi casting thử.

Trần Hiểu Húc từng rất nhiều lần đọc qua tác phẩm này, nên bà có sự am hiểu khá nhiều về nhân vật. Ba từng khẳng định với đoàn phim rằng, bà có thể thuộc từng câu chữ của tác giả Tào Tuyết Cần.

Với kinh nghiệm của một đạo diễn sân khấu, trước khi con gái đi thử vai, ông Trần Cường từng khuyên con: “Con mặc đồ hàng ngày, không cần phải trang điểm quá nhiều. Trang điểm kỹ sẽ che mất vẻ đẹp mà con vốn có”.

Bà đã làm theo lời của cha, và quả thật, đạo diễn Vương Phù Lâm đã hoàn toàn bị chinh phục khi nhìn thấy vẻ mộc mạc của Hiểu Húc, cùng những hiểu biết của bà đối với Hồng Lâu Mộng. 

Đạo diễn Vương Phù Lâm đã hoàn toàn bị chinh phục khi nhìn thấy vẻ mộc mạc của Hiểu Húc. (Ảnh qua wangxiaojing047)

Tuy nhiên, để được nhận vào vai chính, bà cùng những diễn viên khác phải trải qua một khóa đào tạo trong 3 tháng. Sau đó đạo diễn mới xác định ai sẽ được chọn.

Trong khoảng thời gian đó, mặc dù bà rất vui vì mình có cơ hội được tiến gần hơn với vai diễn, nhưng đồng thời cũng thấy cô độc giữa tập thể. Bà không thể tìm được sự hòa nhập với mọi người xung quanh, và thường chỉ thui thủi một mình.

Sau đó, Hiểu Húc đã viết một lá thư gửi về cho cha mẹ, nói rằng: “Tết Trung Thu, các cô gái ăn vận đẹp đẽ, ca hát nhảy múa chúc mừng lẫn nhau. Còn con trốn ở một góc, cảm thấy sự đơn độc lạnh lẽo… Con nhớ bố mẹ…”. 

Đọc thư con gái, ông Trần Cường xót xa trong lòng. Vì không nằm ngoài suy nghĩ của ông, đứa con gái mong manh dễ tổn thương và rất e sợ người lạ. Ông thoáng thấy ân hận vì đã khích lệ con gái tham gia bộ phim, bởi là một người cha, ông chỉ muốn bảo vệ con gái tránh khỏi những tổn thương.

Gần hết 3 tháng đào tạo, đạo diễn yêu cầu các diễn viên tự đăng ký vai diễn mình mong muốn. Và dĩ nhiên bà rất mong được vào vai Lâm Đại Ngọc, đồng thời lúc đó cũng có rất nhiều diễn viên nữ muốn vào vai này như bà.

Khi đó, có người chê bà rằng, trông bà dáng vẻ gầy ốm, chỉ hợp vào vai a hoàn chứ không thể đóng tiểu thư được. Nghe vậy bà cảm giác rất buồn và lo lắng, nên viết thư cho cha để xin lời khuyên nhủ. 

Người cha thương con, ông đã gọi điện cho Hiểu Húc và khuyên: “Con tới Bắc Kinh là để có được vai Lâm Đại Ngọc. Nếu không được đóng vai đó thì con từ bỏ cũng được, để tránh phải diễn với tâm lý không thoải mái, sau này lên phim khán giả cũng thấy gượng gạo”.

Đạo diễn Vương Phù Lâm khi đó cũng từng hỏi Hiểu Húc rằng: “Nếu không đóng Đại Ngọc, cháu chọn một vai khác thì thế nào?”. 

Hiểu Húc bấy giờ kiên quyết nói: “Cháu chính là Lâm Đại Ngọc, nếu cháu đóng vai khác, khán giả sẽ nói Lâm Đại Ngọc sao lại đi diễn nhân vật khác”

Câu trả lời này khiến Vương Phù Lâm cảm thấy khá bất ngờ, vì một cô gái nhỏ nhắn và nhút nhát như vậy, nhưng khi nói về vai diễn, lại có thể trả lời một cách dứt khoát và đầy tự tin đến thế. Vậy là cuối cùng vai diễn nặng ký ấy cũng thuộc về bà.

“Tôi nghĩ mình được chọn vào vai Lâm Đại Ngọc không phải bởi tôi xinh đẹp hay diễn xuất tốt mà vì tính cách và khí chất của tôi giống với nhân vật này”, bà chia sẻ.

“Tính cách và khí chất của tôi giống với nhân vật này. (Ảnh qua Eva)

Quả thật mỗi khi nhập vai, bà hoàn toàn trở thành một Lâm Đại Ngọc bước ra từ câu chuyện. Tào Tuyết Cần từng mô tả Lâm Đại Ngọc rằng: “Đôi lông mày điểm màu khói lạt, dường như cau mà lại không cau; đôi con mắt chứa chan tình tứ, dáng như vui mà lại không vui. Má hơi lúm, có vẻ âu sầu. Người hơi mệt, trông càng tha thướt. Lệ rớm rưng rưng, hơi ra nhè nhẹ. Vẻ thư nhàn, hoa rọi mặt hồ; dáng đi đứng, liễu nghiêng trước gió. Tim đọ Tỉ Can hơn trăm khiếu, bệnh so Tây Tử trội vài phân”.

Chính xác vẻ ngoài của Hiểu Húc cũng tương tự như vậy. Bà đẹp mong manh cổ kính như thiếu nữ trong tranh vẽ, ánh mắt đượm buồn long lanh giọt sầu, pha chút ngây thơ mà lại hiếu kỳ. Nhất là những khoảnh khắc bà hờn dỗi khi thấy Bảo Ngọc thân thiết với người con gái khác, ánh mắt ấy lại ánh lên chút đố kỵ, nhưng vẫn giữ sự kiêu hãnh cho riêng mình.

Hiểu Húc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng. (Ảnh qua Sohu)

Hiểu Húc từ nhỏ đến lớn cũng lắm bệnh tật, nên dáng người gầy gò, mỗi bước đi thướt tha yếu ớt chẳng khác nào cây liễu nghiêng trước gió. Càng làm bà giống với Lâm Đại Ngọc hơn. Thậm chí bà từng nói rằng, bà diễn mà như không diễn.

Bà cũng từng thổ lộ rằng: “Tôi thích Lâm Đại Ngọc có lẽ vì tôi và cô ấy có những nét tính cách tương đồng. Tôi thích sự trong sáng, không màng thế tục của cô ấy”.

Mãi đến hàng chục năm sau khi nhắc đến tác phẩm Hồng Lâu Mộng, người đời vẫn phải thốt lên một câu rằng: “Trong mắt ngàn người có ngàn bản Hồng Lâu Mộng, nhưng trong mắt ngàn người lại chỉ có một Lâm Đại Ngọc – Trần Hiểu Húc”.

Mà cũng từ vai diễn Lâm Đại Ngọc khắc quá sâu trong ký ức của nhiều người, mà trên con đường nghệ thuật, bà không còn vai diễn nào khác có thể vượt qua được vai ấy. 

“Lâm Đại Ngọc đã xây một ngọn núi không thể vượt qua trên con đường diễn xuất của tôi. Dù trong mắt người đời tôi là diễn viên, nhưng lại chẳng có đạo diễn mời tôi diễn vai diễn khác. Cái tên Trần Hiểu Húc đã bị che lấp bởi Lâm Đại Ngọc. Suốt 3 năm sau đó, tôi không có công ăn việc làm. Lưu lạc ở Bắc Kinh, nhiều lần gặp cảnh uất ức”, Hiểu Húc chia sẻ.

Nương nhờ cửa Phật

Nếu trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, nàng Lâm Đại Ngọc đau khổ vì tình cho đến lúc mất, thì Trần Hiểu Húc ngoài đời cũng lận đận về tình duyên.

Thời trẻ, bà từng có một mối tình đẹp với diễn viên Tất Ngạn Quân, trong thời gian bà còn đóng Hồng Lâu Mộng, ông thường xuyên đến thăm và quan tâm chăm sóc cho bà. Sau đó hai người đã đăng ký kết hôn ngay khi Hồng Lâu Mộng vừa hoàn thành.

Thời trẻ, bà từng có một mối tình đẹp với diễn viên Tất Ngạn Quân. (Ảnh qua Sina)

Tuy nhiên do tính tình Hiểu Húc khi ấy quá trẻ con, nên đã khiến mối quan hệ của cả hai dần đi vào ngõ cụt. Cuối cùng thì họ chia tay.

Mãi đến sau này khi nhắc đến người chồng cũ, bà vẫn nhận lỗi ấy là của mình: “Tính cách của tôi giống Lâm Đại Ngọc, tuổi trẻ đó, không bao dung, ương bướng lắm”.

Sau này khi đã trưởng thành hơn, bà bắt đầu mối duyên với người thứ hai là Hách Đồng. Cả hai đã thành lập công ty và cùng nhau kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo. Không lâu sau bà trở thành một nữ doanh nhân thành đạt.

Sau này khi đã trưởng thành hơn, bà bắt đầu mối duyên với người thứ hai là Hách Đồng. (Ảnh qua Sina)

Trần Hiểu Húc và Hách Đồng kết hôn năm 1991, bà đã từng mang bầu nhưng sau đó không may bị sảy thai.

Năm 2006, mặc dù con gái đã lớn, nhưng cha của bà vẫn rất quan tâm và hay để ý đến con gái. Ông nhận thấy có nhiều biểu hiện bất thường ở con, như việc bà thường xuyên cảm thấy đau tức ngực, cơ thể yếu ớt, xanh xao mệt mỏi. Nhiều lần ông khuyên con gái đi bệnh viện khám nhưng Hiểu Húc không đồng ý.

Mãi sau này bệnh tình ngày càng trở nặng, bà mới chịu nghe lời, nhưng bác sĩ chẩn đoán, bà đã bị ung thư vú giai đoạn cuối rồi.

Hiểu Húc hoàn toàn sốc với thông tin mình nghe được, nhưng bà quyết định từ chối phẫu thuật dù ai có khuyên thế nào. Bà trở về nhà, lo thu vén mọi thứ trong nhà ổn định. Một năm sau, bà để lại công việc kinh doanh cho chồng quản lý, còn mình xuất gia tu hành tại chùa Long Tự, Trường Xuân, lấy pháp hiệu Diệu Chân.

Cuối đời Hiểu Húc xuất gia tu hành tại chùa Long Tự, Trường Xuân, lấy pháp hiệu Diệu Chân. (Ảnh qua PLO)

Nhớ về Hiểu Húc, biên kịch Chu Lĩnh từng kể: “Năm ấy, Hiểu Húc gọi điện thoại cho tôi, nói rằng cô ấy chuẩn bị quy y cửa phật. Tôi khuyên Hiểu Húc ở nhà tu hành cũng được mà, chỉ cần có tâm là được rồi. Hiểu Húc nghe vậy bỗng òa khóc. Cô ấy nói em bị ung thư vú rồi, đã đến giai đoạn cuối. Tháng 5 năm 2006 em đã đi kiểm tra, giờ đã hết hi vọng”.

Trong những ngày cuối đời, bà mỗi ngày đều nghe kinh Phật, tìm sự an lạc trong tâm hồn thông qua việc tu hành. Sau đó vài tháng, Hiểu Húc qua đời. Còn chồng của bà sau khi vợ mất cũng đã xuất gia đi tu.

Ngẫm lại cả đời của Hiểu Húc dù là vui buồn hay sướng khổ, cũng chỉ là kết thúc trong kiếp này. 

Từng có một người đã khai mở thiên mục nhìn thấy được những đời trước của bà. Theo lời kể, trong các kiếp của Trần Hiểu Húc, thì có hai đời của bà là đàn ông, ba đời là phụ nữ. Có kiếp bà từng làm rất nhiều việc tốt, cứu giúp người đời, cũng có kiếp bà từng làm tổn hại người khác. Vòng đi quẩn lại đều là để trả mối duyên nghiệp tự mình tạo ra.

Kiếp này mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cả cuộc đời bà sống đều chan hòa, tin vào Phật pháp, dẫu cuối đời chết vì bệnh, nhưng âu cũng là để trả xong món nợ, cho bà một sự giải thoát, để kiếp sau có một cuộc sống khác tốt hơn.

Chúc Di (t/h)

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Vệ tinh bí ẩn 13.000 năm tuổi đang theo dõi Trái Đất?

Ad will display in 09 seconds

Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

Ad will display in 09 seconds

Nhận 3 món quà của Bồ Tát: Người giàu có, kẻ thành ăn xin

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nhiều khi buồn thăm thẳm không giải thích được?

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Bill Gates không tiêm Vắc-xin cho con mình?

Ad will display in 09 seconds

Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Vệ tinh bí ẩn 13.000 năm tuổi đang theo dõi Trái Đất?

    Vệ tinh bí ẩn 13.000 năm tuổi đang theo dõi Trái Đất?

  • Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

    Lời dạy của quỷ thần: Người đọc sách tốt, thân phủ hào quang

  • Nhận 3 món quà của Bồ Tát: Người giàu có, kẻ thành ăn xin

    Nhận 3 món quà của Bồ Tát: Người giàu có, kẻ thành ăn xin

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Vì sao nhiều khi buồn thăm thẳm không giải thích được?

    Vì sao nhiều khi buồn thăm thẳm không giải thích được?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Vì sao Bill Gates không tiêm Vắc-xin cho con mình?

    Vì sao Bill Gates không tiêm Vắc-xin cho con mình?

  • Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

    Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

x