Mỹ nghi ngờ Trung Quốc bí mật thử hạt nhân
Bộ ngoại giao Mỹ cho biết, Trung Quốc có thể đã bí mật thử hạt nhân cấp thấp tại một cơ sở dưới lòng đất, theo thông tin từ Reuters.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Mỹ lo ngại việc Trung Quốc có thể vi phạm lệnh cấm thử hạt nhân theo tiêu chuẩn “zero yield” (thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền) sau khi nghi ngờ sự gia tăng các hoạt động tại khu thử hạt nhân Lop Nur của Trung Quốc trong suốt năm 2019 và việc Bắc Kinh “sử dụng một số các phòng kiểm soát nổ đặc biệt”.
Mặc dù báo cáo của Bộ Ngoại giao không đưa ra bằng chứng cụ thể nào cho thấy Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử hạt nhân cấp thấp, nhưng đã nêu ra những động thái từ phía Trung Quốc gây nên những lo ngại về việc nước này không tuân thủ lệnh cấm thử nghiệm hạt nhân.
Báo cáo tiếp tục trích dẫn những lo ngại thêm về việc Trung Quốc có thể vi phạm Công ước Vũ khí sinh học (BWC) bằng cách tham gia vào “các hoạt động sinh học với khả năng được ứng dụng sử dụng kép”. Báo cáo lưu ý rằng, Hoa Kỳ không có đủ thông tin để xác định liệu Trung Quốc có giải trừ chương trình chiến tranh sinh học (BW) đã được đánh giá hay không, theo yêu cầu của Điều II trong công ước, do sự thiếu công khai và minh bạch.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump dự định mở các cuộc đàm phán vũ khí hạt nhân với Bắc Kinh với hy vọng đàm phán một thỏa thuận mới với cả Nga và tất cả các vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận mới sẽ thay thế Hiệp ước NEW START năm 2010 giữa Washington và Moscow sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hiện chưa đưa ra bình luận, song báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể sẽ khiến quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn.
Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện 1996 (CTBT) cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân cho mục đích cả quân sự và dân sự, trong mọi môi trường, nhưng cho phép các hoạt động đảm bảo sự an toàn của loại vũ khí này.
Một người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện cho biết với Thời báo phố Wall rằng, họ không phát hiện bất cứ gián đoạn nào về truyền dữ liệu từ 5 trạm cảm biến của Trung Quốc kể từ cuối tháng 8/2019 sau một thời gian gián đoạn bắt đầu từ năm 2018.
Ba trong 5 số quốc gia hạt nhân gồm Nga, Pháp, Anh đã ký và phê chuẩn CTBT, song hiệp ước này vẫn cần thêm 44 nước khác phê chuẩn để trở thành luật quốc tế. Mỹ và Trung Quốc là 2 trong số 8 nước ký vào hiệp ước nhưng chưa phê chuẩn, theo tin từ Tuổi Trẻ.
Trung Quốc, nước ước tính sở hữu khoảng 300 vũ khí hạt nhân, nhiều lần bác bỏ đề xuất của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc thảo luận một hiệp ước hạt nhân 3 bên giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh nói rằng, lực lượng hạt nhân của họ chỉ mang ý nghĩa phòng vệ, không gây đe dọa với bất cứ bên nào.
Khải Hoàn (t/h)