Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc ‘bắt nạt’ láng giềng ở Biển Đông
Trước thông tin Trung Quốc đang cản trở các hoạt động dầu khí của các quốc gia trên Biển Đông, Mỹ đã kêu gọi nước này chấm dứt hoàn toàn các động thái đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.
Trong thông cáo phát đi hôm 20/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã nhắc lại nhận định của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu năm 2019 rằng Trung Quốc đã “ngăn các nước ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trị giá hơn 2.5 nghìn tỉ USD thông qua bắt nạt đe dọa”.
Những hành động của Trung Quốc đang đe dọa đến nền hòa bình và an ninh khu vực. Đặc biệt là việc nước này can thiệp vào hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam.
“Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định các yêu sách Biển Đông bất hợp pháp, bao gồm cả việc sử dụng dân quân hàng hải để dọa dẫm, ép buộc và đe dọa các quốc gia khác, phá hoại hòa bình và an ninh của khu vực”, theo tuyên bố của Hoa Kỳ.
Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Hoa Kỳ kiên quyết phản đối sự ép buộc và hăm dọa bởi bất kỳ bên yêu sách nào để nhằm khẳng định các yêu sách lãnh thổ và hàng hải. Trung Quốc nên ngừng các hành vi bắt nạt và kiềm chế, không tham gia vào loại hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”.
Video: Không quân TQ tuyên bố ‘sẵn sàng cho chiến tranh’ ở Biển Đông (Nguồn: BBC)
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19/7 cũng đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định hòa bình ở khu vực.
Đồng thời cho rằng việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế nên Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo
Những hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian qua ngày càng gia tăng, khi Đá Chữ Thập, một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (Việt Nam) bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng thành đảo nhân tạo phi pháp, biến nơi đây thành căn cứ quân sự.
Thì tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/7, người phát ngôn Cảnh Sảng lại phát biểu rằng “hy vọng Việt Nam tôn trọng chủ quyền trên biển Đông”.
Theo dõi tình hình Biển Đông suốt nhiều năm qua, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều có chung nhận định là Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ âm mưu chiếm trọn Biển Đông xuyên suốt của mình bằng nhiều cách. Chiến lược đó càng kéo dài càng gây ra những hệ lụy nguy hiểm đối với an ninh khu vực.
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Vũ Thanh Ca (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ – Tổng cục Biển và Hải đảo VN) nhận định: “Cái mà Trung Quốc thèm muốn không chỉ là các đảo đá mà là toàn bộ Biển Đông. Mục đích chính của Trung Quốc khi chiếm các đảo đá là làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền và tạo bàn đạp để khống chế Biển Đông”.
Trung Quốc ‘vi phạm rõ ràng đối với điều 56 của UNCLOS’
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ cũng khẳng định, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo đã đi vào khu vực nhiều dầu khí gần Bãi Tư Chính (thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ở quần đảo Trường Sa hiện thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, “Trung Quốc vẫn tranh chấp vì hai lý do, một là Trung Quốc cho rằng nó nằm trong ‘đường 9 đoạn’ và hai là Trung Quốc sẽ tuyên bố nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tất nhiên, cả hai đều không phải là yêu sách hợp pháp, nhưng Trung Quốc bác bỏ cách giải thích của cộng đồng quốc tế về luật hàng hải. Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với điều 56 của UNCLOS”, ông Poling nhấn mạnh.
Điều 56 của UNCLOS quy định về quyền chủ quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế.
Trả lời phỏng viên vào ngày 20/7, ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ cũng nhận xét rằng Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp, trái với Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) và phán quyết mà Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) đã đưa ra năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Vũ Tuấn (t/h)