Mỹ chuẩn bị phương án đối phó với nguy cơ siêu bão Mặt Trời
Nhận thấy một trận siêu bão Mặt Trời có thể đe dọa đến sự an toàn của lưới điện, gây ra thiệt hại lên đến 2.000 tỉ USD cho toàn cầu, Nhà Trắng vừa qua đã có những hành động cụ thể nhằm chuẩn bị phương án đối phó sự tàn phá khủng khiếp của thảm họa này.
Ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia (Mỹ) chính thức công bố bản kế hoạch chiến lược, chuẩn bị cho một sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong không gian với nguy cơ phá hủy các vệ tinh, tàu vũ trụ cũng như những hệ thống viễn thông quan trọng. Nhiều yếu tố trong các hệ thống điện phụ thuộc vào nhau, và đó là một công thức cho thảm họa hàng loạt.
Canh bạc 2.000 tỷ USD
Cứ mỗi giây, mặt trời bắn ra vô số hạt hạ nguyên tử tích điện vào không gian với vận tốc lên đến 1,6 triệu km/h, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc hơn là gió mặt trời. Gió mặt trời thường yếu và bị từ trường của Trái Đất làm lệch hướng. Tuy nhiên, nếu gió mặt trời tấn công mãnh liệt và liên tục, nó có thể dễ dàng xâm nhập vào trong từ trường của chúng ta, tàn phá hệ thống điện và đưa con người trở về thời Trung Cổ, tất cả điều này chỉ diễn ra trong một vài giờ.
Năm 1989, Canada từng “được” nếm trải cảm giác này khi một cơn bão mặt trời mạnh mẽ đủ để dẫn đến sư sụp đổ của hệ thống điện ở Québec, khiến hàng triệu người sống trong tình cảnh mất điện ít nhất 9 tiếng đồng hồ. Nếu cơn bão ngày đó mạnh hơn, nhiều thứ sẽ bị xóa sổ chứ không riêng gì hệ thống truyền tải điện của Québec. Mặc dù kịch bản tội tệ như thế chưa từng lặp lại nhưng từ năm 2008 các chuyên gia đã ước tính rằng một sự đột biến năng lượng mặt trời có thể gây ra mức thiệt hại hơn 2 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Con số này gấp 10 lần so với chi phí của bất kỳ thảm họa tự nhiên nào được ghi nhận trong lịch sử. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), trong thập kỷ tới, có đến 12% khả năng Địa cầu của chúng ta sẽ phải hứng chịu thảm họa này.
Một lời cảnh báo sẽ được đưa ra trước thảm họa khoảng 12 – 15 giờ
Mặc dù hoàn toàn bị động trước những ảnh hưởng của bão mặt trời, tuy nhiên, chúng ta vẫn có việc để làm nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Bước đầu tiên là phải dự đoán được khi “thảm họa” sắp ập đến. Hiện Trung tâm Dự báo thời tiết vũ trụ (SWPC) thuộc Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) đang thực hiện giám sát mặt trời 24/7 cho những mục đích cụ thể. “Bạn có thể nghĩ rằng mặt trời đại loại giống như một ngọn núi lửa“, Thomas Berger – giám đốc trung tâm cho biết. “Thật khó để dự đoán chính xác khi nào nó sẽ bùng nổ, nhưng bạn có thể thấy các dấu hiệu“.
Khi một ngọn lửa bùng phát, NOAA có thể cung cấp cho các cơ quan thích hợp, chẳng hạn như các hãng hàng không, nhà điều hành vệ tinh nhân tạo và những công ty năng lượng,…một cảnh báo trước thảm họa khoảng 12-15 giờ, Berger nói. “Con số đó không nhiều như những gì chúng tôi muốn, và có lẽ sẽ tốt hơn nếu có thêm thời gian, tuy nhiên đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm được tại thời điểm hiện tại“, ông chia sẻ. Ngoài ra, Thomas Berger cho rằng, các nhà nghiên cứu tại NASA chắc chắn sẽ cải thiện được hệ thống cảnh báo trong tương lai.
Theo ông Berger, ngoài việc phải nhận thức được bão mặt trời xảy ra khi nào, chúng ta cũng cần phải dự đoán mức độ dữ dội của nó nhằm đưa ra những ứng phó phù hợp nhất có thể.
Chúng ta chỉ có 15 – 60 phút để hành động
NOAA dùng “phao sóng thần”, nằm tại điểm L1 giữa Trái Đất và Mặt Trời, cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, để xác định cường độ bão. Cái “phao” này thực chất là một vệ tinh mang tên Advanced Composition Explorer (ACE), được NASA đưa vào quỹ đạo ngày 12/12/1997, với mục đích ban đầu là dự báo bão Mặt trời.
Khi một cơn bão đi qua ACE, nó sẽ cung cấp cho NOAA những thông tin chính xác và cụ thể hơn về những gì đang thực sự diễn ra. “ACE chuyển tiếp thông tin về với tốc độ ánh sáng, vì thế chúng tôi có khoảng từ 15 đến 60 phút trước khi cơn bão ập đến Trái đất, sau khi nó ‘hạ gục’ vệ tinh này“, Berger nói.
Tính đến nay, ACE đã 17 tuổi và nó sẽ sớm được thay thế bởi vệ tinh Deep Space Climate Observatory (DSCOVR), phục vụ như một hệ thống cảnh báo chính của Mỹ đối với các cơn bão mặt trời.
Các biện pháp
Trong báo cáo của mình, Nhà Trắng kêu gọi hơn 20 ban, ngành và các dịch vụ quốc gia nhằm thực hiện một số tiêu chuẩn đề ra trong 1 hoặc 2 năm tới: “Phải tạo ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, phát triển đánh giá tính dễ tổn thương, thành lập các điểm quyết định và ngưỡng hành động, hiểu biết các nguy cơ, phát triển các biện pháp giảm thiểu hiệu quả hơn và đẩy mạnh kế hoạch phục hồi“.
Vì bão Mặt trời không chỉ ảnh hưởng đến Mỹ, tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải hợp lực để đưa ra những biện pháp tốt nhất để bảo vệ cho nền văn minh nhân loại. Được biết, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hiện đang làm việc với các nhà khoa học tại 14 quốc gia thuộc EU và nội dung chính mà họ thảo luận là về việc phát triển mạng lưới cảnh báo.
“Sự phát triển của các dịch vụ dự báo thời tiết không gian ở châu Âu ngày càng thành công và hứa hẹn những cơ hội thương mại mà chính chúng tôi cũng không thể lường được chỉ một vài năm trước“, Juha-Pekka Luntama – Chuyên gia khí tượng không gian của ESA cho biết.
Tờ Business Insider cho rằng tất cả những nỗ lực này thật sự là một tin tuyệt vời vì Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.
Theo Tinh Tế