Mưu hiểm “2 quả đào giết 3 dũng sĩ” của Tướng quốc nước Tề Yến Anh
Tại chân núi Thái ở Trung Quốc có một ngọn núi nhỏ tên là Lương Phủ. Người ta tin rằng, núi Lương Phủ là nơi hồn phách người chết quay trở về. Xưa kia, Gia Cát Lượng vì tưởng nhớ 3 vị dũng sĩ chết oan mà viết một bài thơ về ngọn núi này.
Cổ khúc “Thái Sơn Lương Phủ ngâm” được chia làm hai khúc “Thái Sơn ngâm” và “Lương Phủ ngâm”, đều là những bài ca mai táng. Khi Gia Cát Lượng đi bộ ra ngoài cổng thành nước Tề, trong lúc buồn bã thương tiếc ba vị dũng sĩ chết oan mà viết ra.
Bài thơ: Lương Phủ ngâm
Bộ xuất Tề thành môn; Dao vọng đãng âm lý.
Lý trung hữu tam phần; Luỹ luỹ chính tương tự.
Vấn thị thuỳ gia trủng; Điền Cương, Cổ Dã Tử.
Lực năng bài Nam sơn; Văn năng tuyệt địa lý.
Nhất triêu bị sàm ngôn; Nhị đào sát tam sĩ.
Thuỳ năng vi thử mưu; Quốc tướng Tề Yến Anh.
Dịch nghĩa
Đi bộ ra ngoài cổng thành nước Tề; Từ xa nhìn về một ngôi làng mơ ảo nơi xa xa.
Ở trong làng có ba ngôi mộ; Giống nhau tựa như xếp chồng lên nhau.
Hỏi là mộ của ai vậy? Là mộ của Điền Cương, Cổ Dã Tử (và Công Tôn Tiếp).
Tài võ của họ có thể lật đổ núi Nam; Tài văn của họ có thể xoay chuyển đất trời.
Nhưng một sớm bị lời sàm ngôn; Hai trái đào đã giết chết ba dũng sĩ.
Ai là người có thể nghĩ ra mưu kế đó? Là tướng quốc nước Tề: Yến Anh.
Đây là bài thơ Lương Phủ ngâm, nằm trong tập thơ “Gia Cát Lượng tập. Lương Phủ”. Mở đầu bài thơ đã chỉ rõ vị trí phần mộ của 3 dũng sĩ: “Tề thành”: chỉ đô thành Lâm Truy của nước Tề; “đãng âm lý”: chỉ một ngôi làng ở phía Đông Nam Lâm Truy.
4 câu thơ bắt đầu từ câu: “Hỏi là mộ của ai vậy?”, đã chỉ ra nhân vật mà nhà Gia Cát Lượng đau buồn thương tiếc, đó là 3 vị dũng sĩ của Tề Cảnh Công: Điền Khai Cương, Cổ Dã Tử và Công Tôn Tiếp, trong thơ chỉ nhắc đến tên 2 người đầu, bởi vì số lượng từ trong thơ luật có hạn.
2 câu thơ miêu tả tài năng của 3 vị dũng sĩ: “Tài võ của họ có thể lật đổ núi Nam”, “Tài văn của họ có thể xoay chuyển đất trời”, cho thấy 3 vị dũng sĩ không chỉ võ nghệ hơn người, mà còn có tài văn chương, có thể nói là văn võ song toàn.
4 câu cuối bài thơ là công bố nguyên nhân 3 vị dũng sĩ bị hại. Trong “Tử xuân thu. Gián hạ” có đoạn: Ba dũng sĩ đắc tội với Tể tướng Yến Anh, cho nên Yến Anh khuyên Tề Cảnh Công trừ bỏ ba người này, cũng hiến một kế sách, chính là đưa cho ba người hai quả đào, bảo bọn họ tự đánh giá công lao mình, ai công lớn thì có thể ăn đào.
Đầu tiên, Công Tôn Tiếp tự báo công đánh hổ của mình, rồi cầm qua một quả đào. Tiếp theo, Điền Khai Cương tự báo công giết địch, rồi cũng cầm một quả đào. Lúc này, Cổ Dã Tử đứng lên nói: “Năm đó ta cùng chúa công vượt sông Hoàng Hà, con ngựa kéo xe của chúa công bị một một con rùa lớn ngậm lôi đi. Ta phải bơi suốt chín dặm, bắt con rùa làm thịt, cứu sống con ngựa. Ta tay trái nắm đuôi ngựa, tay phải cầm đầu rùa, bước lên khỏi mặt nước. Công lao lớn như vậy, vẫn chưa đủ tư cách ăn đào sao? Hai vị hãy bỏ đào ra!”. Nói xong Cổ Dã Tử rút kiếm bước đến.
Công Tôn Tiếp, Điền Khai Cương lúc này vô cùng xấu hổ, bỏ quả đào xuống, nói: “Chúng ta bản lĩnh không bằng ngươi, lại còn cướp quả đào ăn, thật hổ thẹn. Là hảo hán sẽ không mặt mũi nào để sống nữa!”.
Dứt lời, hai người đều tự vẫn chết. Cổ Dã Tử thấy vậy, hối hận nói: “Ta thật có lỗi với hai huynh đệ, sống một mình không đáng là dũng sĩ”. Nói xong rồi cũng tự vẫn. Đây chính là câu chuyện “Nhị đào sát tam sĩ”.
Cuối bài thơ, Gia Cát Lượng chỉ ra kẻ buông lời gièm pha trước quân chủ: “Là tướng quốc nước Tề: Yến Anh”. Yến Anh là hiền tướng của nước Tề, nhưng trong câu chuyện “Nhị đào sát Tam sĩ”, thì có thể thấy thủ đoạn của ông vô cùng thâm hiểm độc ác.
Văn nhân triều Thanh Vương Sĩ Chẩn cho rằng “Thái Sơn là ẩn dụ quân tử, Lương Phủ ẩn dụ tiểu nhân. ‘Lương Phủ Ngâm’ của Gia Cát Lượng có lẽ là có ý này”. Bài thơ này đã nói ra sự thâm hiểm độc ác của Yến Anh, người vẫn luôn được lịch sử tán tụng.
Lê Hiếu biên dịch