Một ngày nào đó Trái Đất có thể sẽ khô cằn như sao Hỏa
Nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard – Anjali Tripathi đã cảnh báo hiện tượng đáng sợ mang tên thất thoát khí quyển đang đe dọa biến Trái Đất thành bản sao khô cằn của sao Hỏa trong tương lai, tờ Sun hôm 21/12 đưa tin.
Trong bài phỏng vấn trực tuyến trên trang TED, Tripathi cho biết, mỗi phút có hơn 180 kg khí hydro và gần 3 kg khí heli bốc hơi từ khí quyển Trái Đất vào vũ trụ.
Điều này có thể gây ra thay đổi lớn trong thành phần khí quyển hành tinh của chúng ta, khiến sự sống không thể tồn tại, đặc biệt là trong tương lai bề mặt Trái Đất sẽ trở nên khô cằn và đỏ quạch như trên sao Hỏa.
Giới nghiên cứu cho rằng, sao Hỏa trước đây cũng có hệ thống khí hậu tương tự như Trái Đất, có thể trở thành ngôi nhà cho các dạng sống hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nó trải qua quá trình thất thoát khí quyển mạnh mẽ, trong đó khí hydro biến mất trong vũ trụ và khí oxy còn sót lại biến hành tinh thành màu đỏ thông qua phản ứng oxy hóa với kim loại trên mặt đất.
Quá trình tương tự đang xảy ra trên Trái Đất và chắc chắn tốc độ thất thoát khí quyển sẽ nhanh hơn trong tương lai khi Mặt Trời trở nên lớn hơn và sáng hơn sau hàng tỷ năm nữa.
“Những gì chúng ta có thể trông đợi hay ít nhất chuẩn bị đón nhận là trong tương lai, Trái Đất trông sẽ giống sao Hỏa hơn. Hydro tách ra từ nước sẽ bốc hơi vào vũ trụ nhanh hơn, để lại một hành tinh khô cằn với sắc đỏ“, Tripathi nói.
Theo VnExpress