Tiền vệ Arsenal bị “xóa sổ” sau tweet chống lại Trung Quốc
Đây có thể không phải nguyên nhân duy nhất. Nhưng chắc chắn rằng nếu như không có những bình luận ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, lên án sự đàn áp của Trung Quốc cùng sự im lặng của cộng đồng Hồi giáo, Mesut Ozil vẫn là một trong những trụ cột của Arsenal trên sân cỏ.
Sau khi bị loại khỏi danh sách tham dự Europa League, một lần nữa Mesut Ozil bị HLV Mikel Arteta xóa tên khỏi đấu trường Premier League mùa này. Lần cuối cùng mà tiền vệ này ra sân trong màu áo Arsenal đã là vào hôm 7/3 trong trận gặp West Ham. Cựu sao Real Madrid vẫn được tập luyện cùng đội một nhưng không thể góp mặt trong bất kỳ trận đấu nào của Pháo thủ cho đến hết năm 2020.
Đây có phải là dấu chấm hết cho Ozil?
Vào tháng 12 năm ngoái, Mesut Özil hẳn đã biết rõ những rủi ro mà mình phải đối mặt khi anh quyết định đưa ra một lời tố cáo công khai, gây chấn động nhắm vào chính phủ Trung Quốc về cái cách họ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số phần lớn theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, và sự im lặng “đồng lõa” của cộng đồng quốc tế.
Ozil hẳn phải biết rằng chỉ một tuần trước đó, phản ứng giận dữ của Trung Quốc đối với một tweet của Daryl Morey – tổng giám đốc của đội bóng rổ Houston Rockets tại NBA ủng hộ Hồng Kông, đã khiến giới bóng rổ nhà nghề Mỹ khiếp sợ, và sau đó là quỳ phục trước nắm đấm thép của ĐCSTQ.
Bạn bè và các cố vấn đã cảnh báo tiền vệ của Arsenal, rằng hành động này sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Anh chắc chắn sẽ bị “cạch mặt” ở thị trường Trung Quốc. Sáu triệu follower của ngôi sao người Đức trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất tại đất nước này, sẽ “bốc hơi”. FanClub của anh ở đó – với khoảng 50.000 thành viên chính thức – cũng sẽ quay lưng với anh. Özil sẽ không bao giờ có thể chơi bóng ở Trung Quốc. Thậm chí, anh cũng có thể sẽ bị “tránh như tránh tà” bởi mọi câu lạc bộ có chủ sở hữu là người Trung Quốc, hoặc có những nhà tài trợ muốn “làm ăn” tại thị trường này.
Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy, thậm chí là tồi tệ hơn. Một số người có thể cho rằng nguyên nhân nằm ở phong độ có phần sa sút của Ozil, hay mâu thuẫn giữa Ozil và CLB từ vụ từ chối cắt giảm lương, hay là việc Ozil làm Pháo thủ “bẽ mặt” vì Gunnersaurus,… Nhưng đó đều chỉ là những “chuyện nhỏ” so với mức lương khủng 445.000 USD/ tuần của Ozil.
Một số người thậm chí phản đối việc Ozil lên tiếng vì nhân quyền, cho rằng là một cầu thủ chuyên nghiệp thì không nên tham gia chính trị. Báo VnExpress thậm chí còn viết: “Chỉ trích Trung Quốc, Ozil trực tiếp làm ảnh hưởng đến lợi ích tài chính của Arsenal. Là cầu thủ trụ cột, có ảnh hưởng lớn và được đãi ngộ tốt nhất, lẽ ra Ozil nên bảo vệ lợi ích của nơi đang trả lương cho anh, thay vì khiến nó bị tổn hại rồi nghi vấn lòng thành”.
Chúng ta biết rằng, cầu thủ chuyên nghiệp cũng vậy, ngôi sao điện ảnh cũng vậy, quan trọng hơn hết những thứ đó – thì chúng ta trước hết là một con người. Vì “đại nghĩa” và làm chính trị là hai việc khác nhau.
Việc lên tiếng của Ozil cho người Duy Ngô Nhĩ cũng tương tự như việc học viên Pháp Luân Công lên tiếng vì nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Những cái đó không phải là làm chính trị, đó đơn giản là việc nghĩa phải làm. Cũng như Ozil đã nói rằng “đồng tình với bức hại chính là bức hại”, đó thật sự là trách nhiệm của chúng ta.
Từ Thức(t/h)