Lý Tịnh cả đời không thể làm Thừa tướng, nguyên nhân lại liên quan đến một vị Thần tiên
Triều nhà Đường có Lý Tịnh, trên chiến trường bách chiến bách thắng, trí dũng song toàn. Cuối cùng vẫn không lên được chức vị thừa tướng. Trong sách xưa có ghi chép lại nguyên nhân sự việc này.
1. Đi săn trên núi, vào nhầm Long Cung
Đường vệ Quốc công Lý Tịnh đi săn ở Linh Sơn, buổi tối trú lại trên núi. Một ngày nọ, bỗng nhiên ông trông thấy một bầy hươu liền đuổi theo. Cho đến lúc trời tối, ông vẫn tiếp tục truy đuổi, không bao lâu sau thì trời tối mù mịt, ông bị mất phương hướng, nhìn lại không thấy đường về nữa.
Ông đi trong thất vọng, buồn bã. Bỗng nhiên trông thấy xa xa có ngọn đèn dầu, ông liền vội vàng phi ngựa đi qua. Đến nơi đúng là một hộ nhà giàu, tường nhà cao và dốc.
Gõ cửa cả buổi mới có một người đi ra hỏi ông có việc gì. Lý Tịnh nói bị lạc đường, muốn ở tạm một đêm. Người nọ nói: “Lang quân của ta đi ra ngoài rồi, chỉ có Thái phu nhân ở nhà, muốn ngủ lại qua đêm ta nghĩ là không được”.
Lý Tịnh nói: “Xin hỏi thử giúp tôi”. Người nọ liền vào trong nhà, sau đó đi ra và nói: “Phu nhân lúc đầu không đồng ý, nhưng vì trời tối, ngươi còn bị lạc đường, không thể không giữ ngươi lại”.
Vì vậy mời Lý Tịnh tiến vào phòng khách. Một lát sau, một vị tỳ nữ đi ra nói: “Phu nhân đã tới”. Ông nhìn vị phu nhân kia, độ chừng hơn năm mươi tuổi, y phục sang trọng, thần khí thanh nhã, trông như nhà có học.
Lý Tịnh bước lên bái kiến. Phu nhân đáp lễ nói: “Hai đứa con trai đều không ở nhà, lẽ ra không nên để ông ngủ lại, nhưng lúc này trời đã tối, lại không biết đường về, nếu ở đây không giữ ông, thì ông có thể đi đâu được? Nhưng nhà ở vùng núi hoang, lúc con ta trở về, có lẽ là nửa đêm, có thể hét lớn tiếng, ông cũng đừng sợ”.
Sau đó mời ông ăn cơm. Thức ăn đều rất ngon, nhưng hơn phân nửa là cá. Cơm nước xong xuôi, phu nhân vào nhà, hai tỳ nữ đem đệm chăn đưa tới. Những vật này đều có mùi thơm, đẹp lộng lẫy xa hoa. Hai tỳ nữ chuẩn bị giường xong thì rời khỏi.
2. Đưa rồng đi làm mưa, gây ra nạn nước lớn
Lý Tịnh suy nghĩ về phía bên ngoài núi, đêm xuống sao lại ồn ào như vậy? Càng nghĩ càng sợ, không dám ngủ, ngồi ngay ngắn tại chỗ mà lắng nghe động tĩnh bên ngoài. Gần nửa đêm, nghe thấy tiếng đập cửa rất vội, lại nghe một người nói: “Thiên phù đến, báo đại lang quân nên đi làm mưa. Núi này chung quanh bảy trăm dặm, canh năm trời mưa vừa, không được chậm trễ, không được bỏ lỡ”.
Người tiếp nhận vào thiên phủ trình báo. Sau đó nghe phu nhân nói: “Hai đứa con trai đều chưa về tới, thiên phù đến rồi, tuyệt đối không thể chối từ. Nếu không làm đúng thời hạn sẽ bị trách phạt. Dù cho bây giờ đi báo, cũng chậm trễ mất rồi. Nô bộc lại không thể đảm đương công việc này, nên làm sao bây giờ?”.
Một tiểu tỳ nữ nói: “Vị khách của chúng ta trông không phải người bình thường, sao không nhờ ông ấy?”. Phu nhân rất vui, tự mình đến gõ cửa nói: “Ngài tỉnh dậy chưa? Xin ra ngoài này một chút”.
Lý Tịnh đồng ý, từ bậc thềm đi xuống. Phu nhân nói với ông: “Đây không phải chỗ người thường, mà là Long Cung. Con trai lớn của ta đi Đông Hải tham dự một hôn lễ, con trai nhỏ lại đi tiễn em gái rồi. Ngay lúc này nhận được thiên phù, đúng lúc cần làm mưa. Nếu lúc này đi báo hai con trai ta, cũng phải đi xa cả vạn dặm. Giờ này không kịp nữa rồi, nhờ người khác cũng khó, nên muốn làm phiền ông một chút, như thế có được không?”.
Lý Tịnh nói: “Ta là người phàm, không biết cưỡi mây, làm mưa như thế nào, phu nhân có thể dạy cho ta, ta nghe dặn dò mà làm theo là được”. Phu nhân nói: “Nếu như ông làm theo lời ta, không có chuyện không làm được”.
Thế là phu nhân sai người mang khí cụ làm mưa tới, thì ra vật làm mưa chính là một cái bình nhỏ. Chiếc bình nhỏ này được thắt lên phía trước yên ngựa. Phu nhân dặn dò: “Ông cưỡi ngựa, không được ghìm chặt dây cương, cứ để nó đi thoải mái. Lúc ngựa chạy, trên mặt đất phát ra tiếng động thì ông lấy từ trong bình ra một giọt nước, nhỏ lên bờm ngựa, nhất định không được nhỏ nhiều hơn”.
Thế là Lý Tịnh lên ngựa mà đi, ngựa càng chạy càng cao, một lúc đã lên tới trên tầng mây. Lúc này, gió giật như tên bay, sét ầm ầm ở dưới chân, ông cùng với ngựa vượt lên, bắt đầu nhỏ nước. Sau đó thấy tia chớp lớn, mây đen tách ra, ông nhìn thấy ngôi làng nhỏ trên núi nơi ông tá túc.
Ông nghĩ: “Ta làm phiền cái thôn này nhiều quá, nhận được ân đức của họ chưa có cách nào báo đáp, hiện nay trời rất lâu chưa có một giọt mưa, mạ sắp khô hạn hết, nay mưa ở trong tay ta, không lẽ tiếc mà không cho sao?”. Nghĩ một giọt chả thấm vào đâu, thế là nhỏ liền hai mươi giọt, chẳng mấy chốc đã xong.
3. Long tộc chịu phạt, tặng tiểu nô
Ông cưỡi ngựa trở về, nhìn thấy phu nhân khóc ở trong sảnh. Phu nhân nói: “Ông làm sao mà sai đến mức độ này? Đã nói rõ chỉ nhỏ một giọt, vì sao ông tự ý nhỏ một lúc hai mươi giọt chứ? Mỗi giọt nước nhỏ xuống, trên mặt đất mưa cao một thước (0.33m) đấy! Cái thôn đó nửa đêm, đột nhiên mưa cao hai trượng, đâu còn người nào sống được? Ta đã bị trách phạt tám mươi roi rồi!”.
Nhìn lại thấy sau lưng phu nhân toàn là vết máu. Con trai bà cũng ngồi cạnh đó. Làm sao bây giờ? Lý Tịnh vừa hổ thẹn vừa sợ hãi, không biết làm thế nào cho phải. Phu nhân nói: “Ông là người phàm, không hiểu được biến hóa mây mưa, thật sự không thể trách cứ. Chỉ sợ Long Vương đến làm ông sợ, ông nên lập tức rời khỏi đây đi. Nhưng đã làm phiền ông mà không có gì báo đáp, trên núi không có gì khác, chỉ có tặng ông hai tiểu nô hầu hạ. Ông muốn dẫn cả hai cô, hay dẫn một cô cũng được, tùy ông chọn!”.
Thế là phu nhân gọi hai tiểu nô bước ra. Một cô từ hành lang phía Đông bước ra, dung mạo hoà nhã dễ gần; một cô từ hành lang phía Tây bước tới, mặt giận hầm hầm, trợn mắt đứng đó.
Lý Tịnh nghĩ trong lòng: “Ta là một người đi săn, không sợ chuyện đấu đá. Giờ chỉ dẫn một cô, nếu chọn cô hòa nhã, người ta sẽ cho rằng ta nhát gan”. Thế là ông nói: “Nếu lãnh cả hai cô thì ta không dám, phu nhân đã đem tặng thì ta xin cô mặt giận dữ kia”.
Phu nhân cười nói: “Đó là chọn lựa của ông rồi nhé”. Thế là phu nhân thở dài và cáo biệt. Cô tiểu nô kia cũng đi theo ông. Ra khỏi cửa được vài bước, quay đầu lại nhìn căn nhà đã biến mất, vừa quay đầu hỏi tiểu nô thì cũng không thấy tiểu nô đâu cả, ông đành phải một mình tìm đường mà về. Đến lúc bình minh, nhìn qua ngôi làng nhỏ kia, chỉ thấy toàn là nước. Cây lớn cũng chỉ còn thấy ngọn, không một bóng người.
Về sau, Lý Tịnh trở thành quan lớn, chỉ huy quân đội đã bình định được cường đạo, lập được đại công. Nhưng trước sau ông không đạt đến vị trí thừa tướng. E rằng nguyên do là ông không lĩnh cô tiểu nô kia? Người ta nói: “Quan Đông xuất tương (thừa tướng: quan văn), quan Tây xuất tướng (quan võ)”, không lẽ hai tiểu nô một người từ hướng Đông và một người từ hướng Tây bước ra ám chỉ tướng (quan võ) và tương (quan văn)? Nếu như lĩnh cả hai tiểu nô đi, vậy vừa làm tướng và thừa tướng rồi.
(Trích “Tục Huyền Quái Lục”)
Natalie (dịch)