Ly biệt 30 năm, Trình Bằng Cử và Hàn Ngọc Nương gương vỡ lại lành
Hàn Ngọc Nương sau khi từ biệt chồng, vẫn một lòng thủ tiết, thấm thoát ba mươi năm trôi qua; Trình Bằng Cử từ sau khi xa cách vợ, trải qua bao nguy hiểm thăng trầm, vẫn giữ khí tiết như ngọc, đôi phu phụ này trong thời kỳ loạn thế vẫn hết lòng tuân thủ tình nghĩa vợ chồng, cuối cùng nhờ tín vật lúc chia xa mà hội ngộ.
Thời loạn lạc, kiếp người trôi nổi, hai số phận khéo lại kết duyên
Những năm cuối thời Nam Tống, quân Nguyên bắt một thư sinh làm tù binh bán cho Trương vạn hộ ở Hưng Nguyên làm gia nô. Trương vạn hộ thấy thư sinh này đọc sách hiểu lý lẽ nên rất xem trọng hắn, bèn đem một nữ nô gả cho hắn. Nữ gia nô tên Hàn Ngọc Nương, cũng là con gái một gia đình quan lại triều Tống, trong thời loạn bị quân Nguyên bắt đem đến phía bắc, bị ép bán mình làm nô lệ.
Thư sinh Trình Bằng Cử và nữ nô Hàn Ngọc Nương nghe lệnh của chủ nhân mà kết hôn, nhưng đối phương là người như thế nào thì cả hai đều không biết. Kết hôn được ba ngày, người vợ bèn nói nhỏ với chồng: “Quan nhân, tôi xem tướng mạo của ngài nho nhã, đọc sách biết lễ nghĩa, không giống thân phận gia nô, tương lai nhất định sẽ có đất dụng võ. Ngài vì sao không nghĩ cách trốn về phía Nam, còn ở lại nơi này làm gì?”
Trình Bằng Cử nghe xong giật mình, anh quan sát người vợ mới cưới của mình, thật sự nhìn không thấu tâm tư của nàng, trong lòng xuất ra một niệm: “Nói không chừng đây là chủ nhà cố ý đưa nàng đến dò xét ta”. Vì một suy nghĩ này, gây ra sự ngăn cách ba mươi năm của đôi vợ chồng.
Một chút nghi ngại trở thành xa cách
Sáng sớm hôm sau, Trình Bằng Cử đem sự việc này nói với chủ nhân Trương vạn hộ, kết quả làm cho tân nương tử Hàn Ngọc Nương bị một trận đòn nhừ tử. Dù biết vậy, Hàn Ngọc Nương cũng không oán hận. Ba ngày sau, nhân lúc nhà cửa yên ắng, nàng lại nuốt nước mắt khích lệ Trình Bằng Cử trốn đi, đừng làm gia nô cả đời. Trình Bằng Cử lại hoài nghi nàng lần nữa, gặp chủ nhân Trương vạn hộ nói thẳng sự việc.
Trương vạn hộ cực kỳ tức giận, dứt khoát đuổi Hàn Ngọc Nương ra khỏi nhà, bán cho một nhà bình thường làm gia nô. Trước khi Hàn Ngọc Nương đi, lúc gặp Trình Bằng Cử vẫn không một câu oán hận, nàng lấy ra một chiếc giày thêu của mình, đổi với một chiếc giày vải của Trình Bằng Cử, khóc và nói với chồng: “Quan nhân, ngài vẫn nên trốn đi, tương lai chúng ta hãy lấy hai tín vật này để nhận nhau”.
Trình Bằng Cử khi đó mới mười tám tuổi, có lẽ là trẻ tuổi chưa hiểu chuyện, ở trong sự nguy hiểm của thời loạn thế, không dễ dàng tin tưởng người khác. Đến lúc này, Trình Bằng Cử mới biết được thê tử của mình hoàn toàn chân tình, do bản thân trách lầm, hại nàng khổ, bèn nói lời ước hẹn sinh tử với thê tử Hàn Ngọc Nương, hẹn gặp nhau tại đất Tống, đến chết không bỏ.
Trình Bằng Cử hối hận không kịp, nước mắt chảy dài, chỉ biết đứng nhìn thê tử bị người khác lôi đi. Sau khi người vợ bị bắt đi, Trình Bằng Cử đau khổ suy nghĩ, cuối cùng quyết định trốn thoát. Anh trèo non lội suối, trải qua bao gian nguy, cuối cùng về được phía Nam đất Tống, về sau làm quan trong triều đại Nam Tống. Dù anh ta đi đến đâu, bên người lúc nào cũng mang theo chiếc giày thêu kia.
Trải qua hơn ba mươi năm, anh vẫn ngày đêm nhớ nhung thê tử, trong tâm vô cùng cảm kích tấm lòng của nàng, vẫn chung thủy và không tái giá.
Khi Tống triều mất đi giang sơn, triều Nguyên thống nhất Trung Nguyên, Trình Bằng Cử trở thành quan Thiểm Tây, tham gia việc chính sự. Anh ta vừa đến Thiểm Tây, liền phái thân tín của mình mang theo chiếc giày thêu kia, đến vùng Hưng Nguyên chỗ chia tay năm đó để thăm dò thông tin về người vợ Hàn Ngọc Nương.
Rốt cục, thân tín của anh đã tìm được gia đình trước kia từng mua Hàn Ngọc Nương làm gia nô. Nhưng không gặp được Hàn Ngọc Nương.
Gia đình kia nói: “Hơn ba mươi năm trước, sau khi nàng ấy đến nhà của ta, làm việc rất chịu khó, đến tối khuya vẫn không thay y phục nằm ngủ, mỗi đêm kéo tơ dệt vải, thường làm suốt đêm đến khi trời sáng, ngày thường chưa bao giờ nói cười với đàn ông khác, nghiêm túc đến mức ai cũng đừng nghĩ tới việc xâm phạm.
Vợ của ta coi nàng như con gái của mình, nên hết quan tâm chăm sóc. Đến nhà của ta được nửa năm, nàng đem chỗ vải vóc dệt mỗi ngày đến cho ta, xin làm vật trao đổi với tiền thế thân của mình, mong được thả để đi làm ni cô. Vợ của ta thương tiếc nàng, lấy ra một ít bạc rồi tiễn nàng đến một am ni cô ở thành Nam”.
Thân tín của Trình Bằng Cử đuổi theo tới thành Nam, quả nhiên tìm được am ni cô kia, trong am có một ni cô trụ trì. Thân tín của Bằng Cử sơ suất làm rơi chiếc giày thêu kia xuống mặt đất ngay trước mặt vị ni cô. Vị ni cô kia vừa thấy, giật mình, kích động hỏi giày thêu từ đâu mà có?
Thân tín của Trình Bằng Cử trả lời: “Chiếc giày này là của chủ nhân tôi, ông phái tôi đem theo chiếc giày thêu đi tìm kiếm phu nhân của ông ấy”. Ngay lập tức, vị ni cô kia lấy từ trong túi ra một chiếc giày thêu khác, tương xứng với chiếc giày này, quả nhiên là một đôi.
Thân tín của Trình Bằng Cử vừa xem, biết rõ nàng là phu nhân, vội vàng cúi lạy, thỉnh nàng cùng về phủ. Không ngờ vị ni cô đỏ mắt, cự tuyệt: “Giày đã kết đôi lại rồi, tâm nguyện hơn ba mươi năm của ta cuối cùng cũng chấm dứt. Ngài trở về gặp Trình tướng công và phu nhân của ngài ấy ta, thay ta thăm hỏi”. Dứt lời, vị ni cô quay người trở về phòng, đóng cửa lại.
Thân tín của Trình Bằng Cử đứng ngoài cửa phòng liên tục khuyên bảo, nói cho nàng biết Trình đại nhân vì đợi nàng, ba mười mấy năm qua một lòng không tái giá. Mặc cho hắn nói toạc môi, trong phòng vẫn im ắng.
Trình Bằng Cử nghe thân tín về bẩm báo xong, xót thương và xúc động, liền phái người đem công văn đi thông báo trưởng quan của Hưng Nguyên, xin ông ấy ra mặt giùm, chuẩn bị lễ nghi long trọng đi nghênh đón thê tử của mình hoàn tục; đồng thời, Trình Bằng Cử ủy thác thân tín của mình là phụ tá Lý Khắc Phục nhanh chóng tới Hưng Nguyên, hộ tống cỗ xe của thê tử về Trường An.
Thế là, cặp đôi trong thời loạn thế hết lòng tuân thủ tình nghĩa vợ chồng, sau biệt ly hơn ba mươi năm, cuối cùng gương vỡ lại lành.
Trích “Xuyết Canh Lục” của Đào Tông Nghi
Natalie (dịch)