Lợi ích không ngờ từ 7 loại trà
Trà đã là thức uống nổi tiếng khắp thế giới. Tuy nhiên, chính vì sự nổi tiếng và đa dạng này mà chúng ta cần trang bị thêm thông tin về công dụng để lựa chọn chính xác loại trà phù hợp cho mỗi người.
Trà có tác dụng làm ấm, tăng cường năng lượng, thanh lọc cơ thể và cải thiện sức khỏe. Với hàng ngàn chủng loại, trà là thức uống đa dạng và thay thế tuyệt vời cho cà phê hay các loại sữa bổ sung năng lượng. Nhiều loại trà mang lại lợi ích vượt trội. Vì vậy, chúng ta cần trang bị thêm một chút kiến thức để lựa chọn chính xác loại trà thích hợp trong danh mục trà dày đặc tại các cửa hàng.
Trà có chứa caffeine
Nhiều loại trà đen, trà Maté và trà xanh có chứa caffeine, giúp kích thích hệ thần kinh trung ương và hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu. Cần chú ý tránh các loại trà chứa caffeine vào buổi tối (đặc biệt đối với trường hợp khó ngủ) và ưu tiên chúng cho buổi sáng hay buổi chiều. Khi uống trà chứa caffeine, hãy nhớ uống thêm lượng nước tương đương để tránh mất nước.
Chúng ta có thể uống bao nhiêu trà?
Đối với trà thảo dược chứa ít hoặc không chứa caffeine, bạn có thể uống thoải mái. Hãy cố gắng uống thường xuyên tối đa 3 tách đối với trà đen, hay 5 tách đối với trà xanh và dùng ‘quy tắc ngón tay cái’ để đo lượng trà. Tuy nhiên, mỗi người có khả năng dung nạp caffeine khác nhau, nếu bạn đang cảm thấy bồn chồn, khó ngủ hoặc mất tập trung, bạn có thể xem xét việc thử các loại trà không chứa caffeine.
Thời gian ủ trà bao lâu là hợp lý?
Mỗi loại trà có thời gian ủ khác nhau, nhưng để đạt lợi ích dinh dưỡng tối đa sẽ mất 3 – 6 phút. Lý tưởng nhất là nên làm theo hướng dẫn trên hộp trong lần đầu tiên, hoặc chúng ta có thể hỏi thăm người ở quán trà địa phương. Một vài loại trà ô long mất khoảng 10 phút.
Lợi ích sức khỏe của mỗi loại trà
Ba loại phổ biến nhất là trà xanh, trà đen và trà ô long đều đến từ một loại cây, chỉ có quá trình xử lý sau thu hoạch là khác nhau.
Trà xanh
Trà xanh được làm từ lá chưa lên men và chứa hàm lượng polyphenols cao nhất (một nhóm chất chống oxy hóa mạnh mẽ). Chất chống oxy hóa là những chất chống lại các gốc tự do vốn là hợp chất có hại trong cơ thể có thể biến đổi và gây tổn thương tế bào cùng ADN. Trà xanh là thức uống từ xa xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Trong y học cổ truyền Trung Hoa và Ayurvedic, các thầy thuốc sử dụng trà xanh như một chất kích thích, thuốc lợi tiểu, chữa vết thương và tăng cường hệ miễn dịch. Các công dụng khác của trà xanh bao gồm thúc đẩy trao đổi chất, điều tiết lượng đường trong máu, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện tinh thần.
Trà đen
Trà đen là sản phẩm từ các lá trà được lên men hoàn toàn. Các polyphenols trong trà đen có tác dụng chữa hôi miệng, kháng viêm, giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp, cải thiện tinh thần và thúc đẩy sự trao đổi chất. Ngoài ra, trà đen cũng làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ nhờ giảm lượng LDL (cholesterol ‘xấu’).
Trà ô long
Ô long là loại trà lên men không hoàn toàn sau đó đem hấp và phơi sấy. Do đó, trà ô long có được những đặc tính của trà đen, đồng thời thêm những tính năng của trà xanh. Ô long trà có chứa chất đốt cháy mỡ, nhờ đó giúp ngăn chặn sự thèm ăn và làm tăng quá trình oxy hóa chất béo. Bằng cách uống một tách trà ô long hàng ngày, cùng với việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và chương trình tập luyện thích hợp, bạn tiến bước tốt trong quá trình giảm cân và và cải thiện sức khỏe.
Trà trắng
Trà trắng là loại trà chế biến từ lá trà non còn phủ lông tơ mịn, loại lá được thu hoạch sớm nhất trong các loại trà và được phát hiện có chứa chất chống oxy hóa catechin nhiều hơn trà xanh. Nhờ đó, có tác dụng nhiều hơn trong việc ngăn ngừa tổn thương tế bào, thu hẹp các khối u ung thư và ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Do đặc tính chống vi khuẩn và chống viêm, trà trắng cũng giúp giảm mụn và các kích ứng da khác.
Trà Rooibos
Trà Rooibos hay trà đỏ là một thức uống thuốc thảo dược từ loại cây bụi Aspalathus-linearis được tìm thấy ở Nam Phi. Trà Rooibos cung cấp sắt, canxi, kali, đồng, mangan, kẽm và magiê. Đây cũng là nguồn alpha hydroxy quan trọng. Các alpha hydroxyl acid và kẽm trong trà đỏ rất hữu ích cho các vấn đề về da. Loại trà này có nhiều lợi ích sức khỏe như giảm đau đầu, mất ngủ, đau bụng hay đau dạ dày ở trẻ, tiêu chảy và táo bón.
Trà thảo mộc
Hầu hết các loại thảo mộc bạn nghĩ đến đều có thể ngâm trong nước nóng để pha trà, mỗi loại có lợi ích độc đáo riêng:
– Trà bồ công anh tốt cho gan.
– Trà bạc hà cải thiện tiêu hóa.
– Trà gừng cải thiện các dòng kinh huyết lưu thông trong cơ thể và chống cảm lạnh.
– Black cohosh (rễ rắn đen) giúp giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh.
Hầu hết các loại trà thảo dược là không chứa caffeine.
Trà Maté
Loại trà giàu caffeine quen thuộc tại vùng Nam Mỹ này thực sự tuyệt vời. Trà Maté là loại trà từ loại cây có tên khoa học là Ilex paraguariensis, hay còn gọi là yerba mate, chứa các chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng có lợi khác. Danh sách bao gồm: vitamin A, B1, B2, niacin, B5, C, E; canxi; kẽm; mangan; sắt; selenium; kali; magiê; carotene; axit béo; chlorophyll; flavonol; polyphenol; inositol và amino axit.
Mặc dù có caffeine, trà Maté giúp tỉnh táo nhưng không đem lại tác dụng phụ thường thấy ở các đồ uống chứa caffeine khác. Trà Maté có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp, tiêu hóa chậm, bệnh gan, đau đầu, thấp khớp, tăng cân, cholesterol cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
An Nhiên – Theo Epoch times