Lộ gần 1000 tài liệu nội bộ cho thấy Google kiểm duyệt, can thiệp bầu cử
Một kỹ sư từng làm việc tại Google mới đây đã tiết lộ gần 1.000 tài liệu nội bộ cho thấy đây không phải là một tổ chức có tính trung lập và làm việc khách quan như những gì họ vẫn nói. Trên thực tế, Google đã thể hiện sự thiên vị chính trị thông qua các sản phẩm dịch vụ của mình.
Tháng 7/2019, Zach Vorhies đã cung cấp các tài liệu nêu trên cho Project Veritas, tổ chức báo chí cánh hữu điều tra phi lợi nhuận của Hoa Kỳ. Anh đã trả lời những câu hỏi của đơn vị này với phần mặt được làm mờ và giọng nói đã qua chỉnh sửa.
Ngoài ra, anh cũng gửi các tài liệu đó cho Phòng chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cơ quan đang điều tra Google về việc cạnh tranh không lành mạnh.
“Tôi nghĩ rằng hệ thống bầu cử của chúng ta sẽ bị xâm phạm mãi mãi bởi cái công ty từng nói với công chúng Hoa Kỳ rằng họ sẽ không làm điều gì xấu xa,” Vorhies chia sẻ với Project Veritas trong một video được công bố vào ngày 14/8 vừa qua.
Vorhies cho biết anh từng làm việc cho Google trong 8 năm với mức thu nhập 260.000 USD/ năm (tính cả giá trị cổ phiếu Google mà anh sở hữu).
“Tôi có đủ loại động cơ để làm việc tại công ty này và nhận được mức thu nhập cao. Tuy nhiên, tôi sẽ cảm thấy tội lỗi bởi biết rằng: Google có thể thực hiện thành công kế hoạch của họ, là bởi tôi đã không lên tiếng vào thời khắc then chốt, bởi tôi ích kỷ,”Vorhies chia sẻ.
Video Zach Vorhies tiết lộ Google đã nhúng tay vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ:
Khi quay trở lại làm việc, Google đã viết thư yêu cầu Vorhies giao lại chiếc laptop của mình và ngừng việc gửi đi các “dữ liệu không được tiết lộ của Google.” Lo lắng cho sự an toàn của bản thân, anh đã đăng lên Twitter rằng nếu có chuyện gì xảy ra với mình, tất cả những tài liệu mà anh đang nắm giữ sẽ được công bố rộng rãi.
Vorhies cho biết, Google sau đó đã cho anh thực hiện một cuộc “kiểm tra sức khỏe”. Cảnh sát San Francisco đã nhận được một cuộc gọi thông báo rằng Vorhies có thể bị mắc bệnh tâm thần. Một nhóm cảnh sát đã đợi Vorhies ở bên ngoài nhà và còng tay anh lại. “Đây là cách mà Google sử dụng nhằm đe dọa nhân viên của mình, những người mà họ cho là kẻ đi ngược lợi ích của công ty,” Vorhies cho hay.
Sau đó, anh quyết định rằng nếu công khai vụ việc thì sẽ an toàn hơn cho bản thân mình.
Vorhies gọi Google là một “cỗ máy chính trị” – tổ chức sẵn sàng chống lại và không cho phép bất cứ ai như Tổng thống Donald Trump tái đắc cử. Anh cho biết sự việc này diễn ra từ năm 2016 và khiến cho nhiều nhân viên của Google cảm thấy lo lắng.
Trong số các tài liệu mà Vorhies cung cấp cho Project Veritas, có một “danh sách đen” các trang tin (website) đã bị Google hạn chế xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm với tỷ lệ chặn người dùng cao.
Tài liệu cũng cho thấy Google đánh giá các tin tức bằng nhiều biện pháp thủ công cũng như tự động để xác định cái gì là “đúng”, cái gì là “tin tức giả”, “tin gây nhiễu” để sắp xếp kết quả tìm kiếm – nhất là trên Google News.
Theo bà Nadine Strossen, giáo sư luật và cựu chủ tịch của Công đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ, Google, cũng như các tập đoàn công nghệ lớn khác, đều nghiêm cấm các nội dung mà họ coi là “phát ngôn thù hận” – một khái niệm chung chung, không rõ ràng và không đủ sức thuyết phục để thực hiện việc cấm đoán. Những người ủng hộ cánh tả có thể cho rằng đây là phát ngôn mang tính thù hận, nhưng những người cánh hữu lại không nghĩ vậy, theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017.
Các tài liệu mà Vorhies cung cấp trước đó, cùng với cuộc trả lời với Project Veritas, cho thấy Google đã tự tạo ra khái niệm về “sự công bằng” (fairness), qua đó thao túng suy nghĩ của người dùng theo khuynh hướng chính trị cánh tả thông qua các sản phẩm dịch vụ của mình.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Google là tổ chức ủng hộ cho cánh tả.
Robert Epstein, nhà tâm lý học nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Hoa Kỳ, đã dành nhiều năm để nghiên cứu ảnh hưởng to lớn của Google đối với người dùng và điều tra các thao tác trực tuyến, giám sát, kiểm duyệt thông tin. Ông cho biết công ty này có thể định hướng suy nghĩ của những cử tri dễ dao động thông qua những kết quả tìm kiếm được xếp hạng cao.
Epstein cho rằng điều này đã khiến 2,6 triệu người bầu cho cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Bà Hillary Clinton (đối thủ của ông Trump tại thời điểm bầu cử tổng thống năm 2016). Epstein cảnh báo rằng, trong năm 2020, nếu các công ty như Google và Facebook đồng thời ủng hộ cho một ứng viên nào đó, họ sẽ có đủ khả năng để “thao túng” và thay đổi kết quả phiếu bầu khiến 15 triệu cử tri bầu cho người đó. Chưa có một tổng thống tiền nhiệm nào đạt được số chênh lệch phiếu bầu so với đối thủ cao hơn 15 triệu.
Nguồn tin cho biết Ông Trump hiện đang soạn thảo mệnh lệnh hành pháp nhằm giải quyết vấn đề thiên vị chính trị trong hoạt động kiểm duyệt của các công ty truyền thông.
Theo trithucvn