Lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận 3 năm liên tiếp nắng nóng kỷ lục
Lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận được ba năm 2014, 2015, 2016 là những năm liên tiếp phá kỷ lục nóng nhất trong lịch sử.
Kỷ lục 12 tháng nóng nhất liên tiếp trong lịch sử của Trái Đất đã được ghi nhận từ tháng Năm năm 2015 tới tháng 6 vừa qua của năm 2016.
Năm 2014 và 2015 đều thiết lập kỷ lục những năm nóng nhất kể từ trong vòng 150 năm qua và năm 2016 lại phá kỷ lục một lần nữa, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận ba năm nóng kỷ lục liên tiếp.
Các kỷ lục nóng liên tiếp trước đây đều diễn ra trong đợt El Nino rất mạnh và khiến nước biển ở tất cả các đại dương trên toàn cầu đều bị ấm lên. Để so sánh, năm 1997 – 1998 đã ghi nhận một đợt El Nino khủng khiếp, và tương tự như hiện nay, tại thời điểm đó đã ghi nhận kỷ lục nhiệt độ nóng nhất liên tục trong vòng 12 tháng kể từ tháng 10 năm 1997 đến hết tháng 8 năm 1998. Như vậy, kỷ lục nóng nhất của ba năm liên tiếp lần này đã phá kỷ lục nóng trong đợt El Nino gần đây nhất vào năm 1997 – 1998.
Hiện nay nhiệt độ toàn cầu bị tăng lên khoảng 0.3 độ C so với năm 1997 – 1998 (tức là chỉ trong vòng 18 năm), mức tăng nhiệt độ này thực sự rất lớn bởi vì Trái Đất chỉ tăng lên 1 độ C kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp bắt đầu từ những năm giữa thế kỷ 19 cho tới năm 1997.
Trái Đất nóng lên một cách quá nhanh chóng với một tốc độ nhanh hơn khoảng từ 20 đến 50 lần so với tốc độ nóng lên toàn cầu một cách tự nhiên trước kia. Trước hiện tượng này, các nhà khoa học không thể không lên tiếng về mối hiểm họa toàn cầu này và đặt câu hỏi cho những nỗ lực thật sự của các quốc gia trong cam kết chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Mặc dù 195 quốc gia đã cam kết cùng chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu bằng cách cắt giảm các công nghệ có hại cho môi trường, phát triển công nghệ xanh nhưng quá trình thực hiện lại không dễ dàng như cam kết. Trong các nước lớn và phát thải nhiều khí nhà kính, dường như chỉ có Canada, Trung Quốc và Ấn Độ đang thực hiện các chính sách năng lượng và môi trường như đã cam kết, các nước như Anh và Australia vẫn đang giậm chân tại chỗ. Còn nước Mỹ đang đứng giữa hai dòng nước khi cuộc bầu cử sắp diễn ra nhưng chưa biết đảng thắng thế sẽ thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính vì mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà chính phủ của tổng thống Barack Obama đã đề ra hay không.
Theo tiasang