Lần đầu tiên quan sát được cực quang bên ngoài hệ Mặt Trời
Các nhà thiên văn học đã lần đầu tiên quan sát và ghi nhận được cực quang ở bên ngoài hệ Mặt Trời. Phát hiện được công bố trên tờ tạp chí Nature số ra ngày 29/7.
Cực quang là hiện tượng quang học có đặc trưng là những dải sáng nhiều hình thù khác nhau nhưng chuyển động và thay đổi liên tục, trông như những dải lụa trên bầu trời. Chúng được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh.
Thường thì các cực quang xuất hiện khi hành tinh có một tầng khí quyển dày và từ quyển, như Trái Đất, Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh. Trong Hệ Mặt Trời chỉ có 2 hành tinh không có từ quyển là Sao Kim và Sao Hỏa, do đó chúng không có cực quang.
Mới đây, nhóm nhà khoa học từ Viện công nghệ California (Mỹ) đã ghi nhận được hiện tượng cực quang bên ngoài hệ Mặt Trời khi đang tiến hành quan sát một sao lùn nâu, kí hiệu LSR J1835, thuộc chòm sao Thiên Cầm có vị trí cách Trái Đất 18,5 năm ánh sáng.
Nhờ các thiết bị thiên văn như kính viễn vọng vô tuyến Very Large Array ở New Mexico, kính viễn vọng Hale tại California và kính viễn vọng của đài thiên văn Keka tại Hawaii, nhóm quan sát đã ghi nhận được hiện tượng phát quang cực từ một thiên thể được xếp hạng giữa sao và sao lùn nâu trong thang bậc thiên văn.
Sao lùn nâu là tên gọi của các “vì sao chưa hoàn thiện,” chúng lớn hơn hành tinh, song trọng lượng còn quá nhỏ để phát ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân như tại Mặt Trời và các vì sao khác. Trong nhiều năm qua, các nhà thiên văn đã cân nhắc xếp sao lùn nâu vào nhóm những ngôi sao hay hành tinh. Nghiên cứu này bước đầu nhận thấy rằng sao lùn nâu gần gũi với các hành tinh hơn.
Theo Khoa học