Làn da sạch mụn, không cần mỹ phẩm nhờ vắc-xin điều trị tận gốc
Đây có lẽ sẽ là tin vui mới nhất đối với hội chị em phụ nữ vì sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ có thể hy vọng vào làn da sạch mụn, không cần kem nền hay kem che khuyết điểm khi loại vắc-xin mới xử lý tận gốc các loại mụn trứng cá, đã được nghiên cứu tại Mỹ.
Mỗi năm, có hơn 50 triệu người Mỹ đi chữa các bệnh liên quan đến mụn. Con số này cao hơn cả dân số của nước Úc hay Canada. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, tỷ lệ này mụn trứng cá ở phụ nữ trưởng thành tăng lên hàng năm.
Theo Joshua Zeichner, chuyên gia về mụn trứng cá và là giám đốc viện nghiên cứu về mỹ phẩm và lâm sàng về da liễu thuộc bệnh viện Mount Sinai ở New York: “Hầu như rất ít người nắm rõ nguyên nhân gây mụn. Đa số nôm na hiểu rằng, tiềm ẩn dưới làn da chúng ta có chứa các loại vi khuẩn và chúng phá vỡ lớp biểu bì nổi lên thành mụn”.
Thực tế là việc không biết nguyên nhân chính xác của mụn trứng cá giải thích tại sao không có cách chữa tận gốc cho tình trạng mụn phổ biến như hiện nay, đặc biệt là với những người bị mụn trứng cá mãn tính.
Để giải quyết tình trạng này, bên trong phòng thí nghiệm tại Đại học California, San Diego, một nhóm các nhà khoa học đang làm việc để tìm ra phương pháp bỏ mụn trứng cá. Nhưng việc phát triển loại vắc xin ngừa mụn trứng cá vấp phải một vấn đề khá đặc biệt.
Giải thích về cơ chế xuất hiện mụn trên NewScientist, trưởng nhóm nghiên cứu Chun-Ming Huang cho biết, nhân mụn phát triển khi các tuyến bã dưới da bị tắc hoặc bịt kín. Do lượng oxy bên trong các lỗ chân lông giảm sút nên một số loại vi khuẩn tốt cũng trở nên “nổi loạn” . Chúng bắt đầu tiêu diệt các tế bào da để có thể xâm nhập vào máu. Hệ miễn dịch phản ứng lại bằng hiện tượng viêm tấy, “điều động” các tế bào bạch cầu và chất sát khuẩn đến “hiện trường” để chiến đấu với vi khuẩn. Kết quả cuối cùng là một nốt mụn xuất hiện trên da.
Thủ phạm chính trong nhóm vi khuẩn biến chất là Propionibacterium acnes (P.acnes) và các phương pháp trị mụn hiện hành đều tập trung tiêu diệt loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huang chỉ ra rằng mụn có thể chuyển thành bệnh kinh niên và việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể gây kháng thuốc, nhờn thuốc. Chưa hết, các hoạt chất diệt khuẩn trong kháng sinh còn tiêu diệt cả vi khuẩn lành tính và hủy hoại làn da.
“Hiện chúng tôi đã tìm ra một kháng thể đối với một loại protein độc hại có trong vi khuẩn P. acnes – protein này vốn luôn bám vào da gây viêm và từ đó dẫn đến mụn trứng cá” – ông phấn khởi trả lời. Điều đó đồng nghĩa với việc vắc-xin có thể ngăn chặn các tác động tiêu cực, gây mụn trứng cá của vi khuẩn P. acnes mà không hủy đi vi khuẩn này.
Cho đến nay, dự án đã áp dụng phương pháp sinh thiết da trên các mẫu mà các nhà nghiên cứu thu thập được từ bệnh nhân mụn trứng cá. Huang nói:
“Và sẽ sớm thôi, chúng ta sẽ có thể hy vọng vào làn da sạch mụn, không cần kem nền hay kem che khuyết điểm”.
TinhHoa tổng hợp