Làm người, cần phải ghi nhớ bài học “nước đổ khó hốt”
Người xưa có câu: “Nước đổ khó hốt, gương vỡ khó lành”. Mỗi lời nói ra, mỗi sự việc đã ngã ngũ, cũng giống như bát nước hắt đi, thật khó lòng thu hồi về được nữa…
Trong “Hán thư – liệt truyện đệ tam thập tứ” có một câu chuyện kể rằng:
Chu Mãi Thần tự là Tử Ông, người Hội Kê đất Ngô. Ông yêu thích đọc sách, không giỏi kinh doanh, bởi vì gia cảnh bần cùng, ông thường xuyên phải đốn củi kiếm sống.
Một lần, Chu Mãi Thần vác một bó củi khô, vừa đi vừa đọc thơ văn. Thê tử của ông lưng cũng vác một bó củi, đi theo phía sau, mấy lần ngăn cản không muốn ông đọc thơ trên đường, nhưng mà ông ngược lại càng cao giọng đọc. Vợ ông cho đó là việc nhục nhã nên đòi ly hôn.
Chu Mãi Thần cười nói: “Ta đến 50 tuổi hẳn sẽ phú quý, hiện tại đã hơn 40 tuổi rồi. Nàng theo ta chịu nhiều khổ cực như vậy, đến khi đó nhất định ta sẽ báo đáp nàng”.
Vợ của ông oán hận nói: “Người giống như ông vậy, tôi chỉ sợ cuối cùng sẽ chết đói trên đất trong rãnh, làm sao có thể phú quý chứ?”
Thời gian sau đó, Chu Mãi Thần thật sự giữ không được vợ, đành phải để nàng ta tái giá.
Về sau, Chu Mãi Thần một thân một mình lưng vác củi, ở trên đường vừa đi vừa đọc thơ. Có một lần ông đi qua một nghĩa địa, vừa hay nhìn thấy vợ mình cùng với chồng mới của nàng đang viếng mộ ở chỗ đó, thân mặc áo gấm, có vẻ rất giàu sang. Hai vợ chồng họ thấy Chu Mãi Thần vừa đói vừa rét, bèn đưa chút thức ăn cho ông.
Thời gian trôi qua, Chu Mãi Thần tiếp tục ra sức học hành thi cử, cuối cùng đã đỗ đạt, được nhậm chức Thái Thú Hội Kê. Quan viên ở địa phương đó nghe nói tân Thái Thú sắp tới nhậm chức, liền tổ chức cho dân chúng quét dọn đường sá sạch sẽ để tiếp đón. Quan lại cả huyện đều tới nghênh đón, có tới cả trăm cỗ xe.
Chu Mãi Thần trở về đất Ngô, bỗng nhìn thấy người vợ trước của mình cùng chồng giờ đây đã trở nên nghèo khổ, cũng đang quét dọn trên đường. Ông bèn dừng lại, ân cần mời hai người họ ngồi lên phía sau xe, cùng đi về dinh Thái thú. Sau đó, Chu Mãi Thần sắp xếp cho vợ chồng họ chỗ ở ổn định trong hoa viên, hàng ngày tiếp đón thức ăn nước uống rất chu đáo, lấy đó làm việc báo đáp ân nghĩa xưa.
Không ngờ, người vợ này ở chưa được một tháng, trong lòng cảm thấy hối hận và xấu hổ, cuối cùng không chịu nổi đã phải tự tử. Chu Mãi Thần đành buồn bã, đưa cho chồng của nàng ta một ít tiền để lo việc an táng.
Về sau, Chu Mãi Thần cho triệu tập những người trước đây mà ông từng mang ơn, hết thảy đều báo đáp rất tận tình.
Lý Bạch từng có bài thơ rằng:
Hội kê ngu phụ khinh mãi thần,
Dư diệc từ gia tây nhập tần.
Ngưỡng thiên đại tiếu xuất môn khứ,
Ngã bối khởi thị bồng hao nhân!
Tạm dịch nghĩa:
Nhớ chuyện người đàn bà ngu ở Hội Kê đã khinh rẻ Chu Mãi Thần,
Ta cũng từ giã nhà như họ Chu đi tây vào đất Tần.
Ngửa mặt trông trời cười lớn,
Đời ta há như loài cỏ dại!
Cũng từ đó “Hội kê ngu phụ” (người phụ nữ ngu muội ở Hội Kê) – tên gọi người vợ Thôi thị của Chu Mãi Thần, đã được dân gian lưu truyền rộng rãi. Đây là một cách nói châm biếm dành cho những người lòng dạ đổi thay, tiểu nhân bợ đỡ. “Chu Mãi Thần bỏ vợ” cũng trở thành một cái tên kinh điển của những vở diễn hí kịch sau này.
Người xưa nói “Nhất nhật phu thê bách nhật ân”, một ngày là vợ chồng trăm ngày ân nghĩa. Giữa vợ chồng vốn phải tương trợ lẫn nhau, cùng vượt qua những cửa ải khó khăn, những sóng gió trong cuộc đời. Nhưng câu chuyện về vợ chồng Chu Mãi Thần lại khiến người ta không khỏi thở dài buồn bã.
Những chuyện tương tự giống như vậy, xưa nay đều không ít. Chỉ tiếc rằng, thuận theo thời thế đổi thay, “Chu Mãi Thần” càng ngày càng ít, mà “vợ của Chu Mãi Thần” lại càng ngày càng nhiều.
Bởi con người ngày nay dường như chỉ chạy theo lợi ích vật chất trước mắt, tiền tài danh vọng làm che mờ tất cả; khổ một chút là không chịu được, liền sẽ buông xuôi, tình nghĩa cũng chẳng còn. Đợi cho đến khi sẩy chân rơi xuống nước, mới có thể tỉnh ngộ, thì đáng tiếc là đã muộn mất rồi! Quả đúng là kiểu người như Thôi thị, vợ của Chu Mãi Thần vậy.
Dân gian còn có lưu truyền rằng, Chu Mãi Thần sau khi áo gấm về làng thì Thôi thị mang hi vọng muốn cùng ông gương vỡ lại lành, nhưng đã bị ông cự tuyệt. Chu Mãi Thần đem một bát nước đổ xuống mặt đất, rồi bảo Thôi thị thu hồi lại. Cũng từ đó mà có câu thành ngữ “nước đổ khó hốt”.
Bát nước đổ đi rồi khó mà thu hồi lại được. Thân người khó được, một khi đạo đức sa đọa rồi, lúc đó chẳng phải như “nước đổ khó hốt” sao?
Vậy nên, mỗi chúng ta đều phải ghi nhớ lời giáo huấn “nước đổ khó hốt”.
Bảo An (Theo kannewyork)