Khí tiết cao thượng của người xưa: Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành
Trong dòng chảy dài của lịch sử, cho dù là một người dân xuất thân bần hàn vô danh, một khi họ có được khí tiết cao thượng “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” thì cũng đủ để lưu danh thiên cổ, soi sáng hậu nhân.
Các triều đại trong lịch sử Trung Hoa nối tiếp nhau thay đổi liên tục, nhưng ở triều đại nào cũng vậy, trung thần nghĩa sĩ đều ôm giữ tín niệm kiên định “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Khi đối mặt với uy hiếp, sự dẫn dụ của lợi ích, họ thà chết chứ không chịu đầu hàng, khuất phục. Ở những kẻ sĩ, bậc quân tử ấy luôn toát ra phẩm cách đạo đức cao thượng.
>>> Vị anh hùng thầm lặng trong vụ án oan Nhạc Phi
Nguồn gốc câu “Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”
“Ninh vi ngọc toái, bất vi ngõa toàn” (Thà làm ngọc nát, không làm ngói lành) nghĩa đen chính là nói rằng, thà rằng làm ngọc mà bị vỡ nát cũng không làm ngói mà được bảo toàn lành lặn. Khi suy rộng ra, ý nghĩa của nó chính là chỉ một người thà nguyện vì sự nghiệp chính nghĩa mà hy sinh chứ không nguyện đánh mất khí tiết, tham sống sợ chết.
Câu thành ngữ có xuất xứ từ “Bắc Tề thư Nguyên Cảnh An truyện”. Trong đó viết rằng: Năm 550, đại tướng quân của Đông Ngụy là Cao Dương bức ép Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế (tên thật là Nguyên Thiện Kiến) thoái vị, thành lập ra vương triều Bắc Tề. Năm sau, Cao Dương lại giết chết Hiếu Tĩnh Đế cùng ba người con của ông.
Mấy năm sau bỗng nhiên xuất hiện nhật thực, Cao Dương lo lắng ngôi vị hoàng đế của mình khó mà giữ được, liền hỏi một cận thần thân tín: “Xưa kia Vương Mãng đã đoạt được thiên hạ của Lưu gia, vì sao về sau lại bị Lưu Tú đoạt lại?”.
Cận thần thân tín kia bèn trả lời: “Bệ hạ! Điều này có trách thì phải trách bản thân Vương Mãng. Chính là vì ông ta đã không chém tận giết tuyệt gia tộc họ Lưu”.
Cao Dương vì lo lắng ngôi vị, muốn củng cố sự thống trị của mình nên bắt đầu tàn sát vương tộc cũ. Cao Dương tiến hành thanh trừ đại quy mô họ Nguyên – quý tộc của Đông Nguỵ. Ông ta giết hết 25 gia đình họ Nguyên thuộc hoàng tộc với tổng số lên đến hơn 700 người, ngay cả trẻ con cũng không trốn thoát.
Trước tình thế ấy, viên huyện lệnh Định Tương bấy giờ là Nguyên Cảnh An vô cùng sợ hãi, muốn xin Cao Dương được bỏ họ Nguyên đổi sang họ Cao để khỏi bị chết. Nhưng người anh họ của Nguyên Cảnh An là Nguyên Cảnh Hạo kiên quyết phản đối, nghiêm khắc nói rằng: “Làm sao có thể bỏ tổ tiên mà đổi sang họ khác để giữ mạng sống được? Đại trượng phu thà làm ngọc nát chứ không thèm làm ngói lành. Ta thà chết cũng không đổi họ”.
Nguyên Cảnh Hạo vì nhất quyết không đổi họ nên cuối cùng bị Cao Dương giết chết, còn Nguyên Cảnh An vì được ban cho họ Cao mà thoát khỏi cái chết.
Về sau, người ta lấy câu “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” (ninh vi ngọc toái, bất vi ngoã toàn) để ví với khí tiết của người quân tử, thà vì chính nghĩa mà hiến thân chứ không chịu vì chút lợi nhỏ mà sống hèn mọn, tạm bợ.
Điền Hoành thà chết không chịu chiêu an
Trong lịch sử có rất nhiều kẻ sĩ, người quân tử “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”. Trong đó phải kể đến Điền Hoành, vua chư hầu thời Hán Sở.
Trong “Sử Ký” viết rằng: Điền Hoành là con cháu của Tề quốc. Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa kháng Tần, hào kiệt bốn phương đều hưởng ứng, cả nhà Điền Hoành cũng tham gia. Sau khi Hán Cao Tổ tiêu diệt quần hùng, thống nhất thiên hạ, Điền Hoành không vì sự diệt vong của nước Tề mà quỳ gối, dẫn 500 tráng sĩ cố thủ trên hòn đảo ở Sơn Đông.
Hán Cao Tổ nghe nói Điền Hoành rất được lòng người nên lo lắng Điền Hoành sẽ là mầm tai họa cho ngày sau. Vì thế, Hán Cao Tổ liền hạ chiếu: “Nếu Điền Hoành đến đầu hàng thì sẽ được phong vương hoặc phong hầu. Nếu không đến thì sẽ phái quân binh đến tiêu diệt hết toàn bộ số người cố thủ trên đảo”.
Điền Hoành vì bảo toàn tính mạng cho 500 tráng sĩ trên đảo liền dẫn hai thuộc hạ rời đi, đến kinh thành gặp Hán Cao Tổ. Nhưng khi Điền Hoành tới nơi cách kinh thành khoảng 30 dặm thì liền tự vẫn chết. Đồng thời ông để lại di chúc, nhắn hai thuộc hạ lấy đầu của mình đến gặp Hán Cao Tổ nói rằng bản thân ông không thể khuất phục đầu hàng.
Sau khi Lưu Bang nhìn thấy đầu của Điền Hoành liền chảy nước mắt nói: “Điền Hoành là áo vải khởi binh, ba anh em lần lượt là vương, đều là người tài đức cả!” Lưu Bang lập tức phái 2000 binh sĩ và dùng nghi thức của chư hầu để an táng Điền Hoành, đồng thời phong cho hai thuộc hạ của Điền Hoành làm chức Đô úy. Không ngờ, sau khi an táng Điền Hoành xong, hai thuộc hạ của Điền Hoành cũng tự vẫn bên mộ của ông.
Lưu Bang biết tin ấy, trong lòng vừa kinh sợ vừa cảm khái. Đồng thời, cũng bởi vậy mà Lưu Bang nhận định các môn khách của Điền Hoành đều là hiền sĩ hiếm có, liền phái sứ giả đến đảo chiêu an 500 tráng sĩ. 500 tráng sĩ sau khi biết được tin Điền Hoành tự vẫn cũng lần lượt nhảy xuống biển tự sát. Hòn đảo này về sau được người dân gọi là đảo Điền Hoành. Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên cảm khái, viết: “Điền hoành chi cao tiết, tân khách mộ nghĩa nhi tòng hoành tử, khởi phi chí hiền!” (tạm dịch: Khí tiết của Điền Hoành thật cao, tân khách vì hâm mộ cái nghĩa của ông mà chết theo, chẳng lẽ đó không phải bậc chí hiền sao!).
“Xả thân vì nghĩa” là đạo lý làm người được người xưa đề cao và noi theo. Nhà tư tưởng thời cổ đại Mạnh Tử từng nói: “Tử diệc ngã sở ác, sở ác hữu thậm vu tử giả, cố hoạn hữu sở bất tị dã” (tạm dịch: Chết là cái mà ta chán ghét, nhưng ta còn có cái chán ghét hơn chết đó là trốn tránh tai họa). Đúng vậy, cái chết khiến người ta sợ hãi, nhưng đánh mất khí tiết càng khiến người ta hổ thẹn và bị người khác khinh thường hơn nhiều lần. Người có thể “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” đều được lịch sử nhắc tới với thái độ sùng kính vô vàn. Còn như Tần Cối phản bội, bán nước cầu vinh thì trải qua hàng ngàn năm vẫn bị hậu nhân thóa mạ.
Có thể nói, “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” là khí tiết bất khuất trong đạo đức truyền thống của người xưa. Vô luận là các triều đại thay đổi như thế nào, chưa từng có ai phủ định kết luận này
>>> Danh nhân xưa dạy con ra sao? (P.2) Học không phải vì quan cao chức trọng
Theo Trithucvn