Khí thải, biến đổi khí hậu khiến giông bão ngày càng nguy hiểm hơn
Các nghiên cứu khoa học khẳng định, khí thải từ tàu thuyền và biến đổi khí hậu khiến những cơn giông bão kèm sấm sét xảy ra ngày càng nhiều hơn.
Những hoạt động gây ô nhiễm của con người không chỉ ảnh hưởng dài hạn đến khí hậu mà còn có thể trực tiếp tác động ngay đến thời tiết. Bằng việc thêm các hạt từ khí thải tàu vào khí quyển, có thể chúng ta đang biến những cơn mưa bão bình thường thành giông bão kèm sấm sét.
Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện, khí thải từ tàu thuyền khiến những cơn giông bão kèm sấm sét xảy ra nhiều hơn, theo Popular Science. Ở những khu vực có hoạt động trên biển nhộn nhịp, số lượng bão kèm sấm sét nhiều gấp đôi bình thường.
Việc bơm các hạt vật chất nhỏ vào khí quyển có thể tạo nên giông bão kèm sấm sét. Sét hình thành trong những đám mây chứa băng, nước dạng lỏng và những dòng khí chuyển động thẳng. Khi các hạt băng nặng, gọi là đá mềm, di chuyển xuống dưới do trọng lực thì những hạt tuyết nhỏ hơn sẽ đi lên trên theo dòng khí, va vào nhau và phóng điện.
Đá mềm thường mang điện tích âm còn hạt tuyết mang điện tích dương. Chúng va vào nhau gây phóng điện, tạo thành sét. Sấm sét sẽ xảy ra nhiều hơn nếu điều kiện lý tưởng, tức là những đám mây chứa nước, các hạt băng và tinh thể tuyết, xuất hiện thường xuyên hơn.
Aerosol là những hạt vật chất nhỏ dạng lỏng hoặc rắn như hơi nước, khói, bụi, góp phần tạo thành mây. Nếu không khí quá sạch, ít aerosol, thì các hạt mây cũng ít hình thành hơn.
Các hạt mây sẽ lớn và nặng khi hấp thụ nước xung quanh. Do đó, chúng sẽ rơi xuống nhanh hơn tạo ra mưa mà không kèm theo sét. Nói cách khác, những hạt vật chất nhỏ trong không khí chính là yếu tố khiến giông bão mang theo nhiều sấm sét.
Việc bơm thêm nhiều hạt vật chất trong một vùng nhỏ mà đáng lẽ không khí rất sạch khiến những cơn bão trở nên nguy hiểm hơn với nhiều sấm sét.
Biến đổi khí hậu làm tăng 50% các cơn giông sét
Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng 50% các cơn giông sét từ nay tới cuối thế kỷ 21. Đây là cảnh báo đáng lo ngại của các nhà khoa học Mỹ đưa ra trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí “Science” (Khoa học).
Các nhà khoa học thuộc Đại học California nhận thấy Trái đất càng nóng lên càng xảy ra nhiều cơn giông sét. Cụ thể, nguy cơ xảy ra các vụ sét đánh tăng 12% khi nhiệt độ tăng 1 độ C. Như vậy, đến năm 2100 – khi nhiệt độ tăng khoảng 4 độ C, nguy cơ này lên tới 50%.
Theo các chuyên gia, tia sét được phóng ra với vận tốc 36.000 km/h và sức nóng lên tới 30.000 độ C có thể gây cháy rừng và làm chết người. Việc gia tăng các cơn giông sét đặt con người cũng như các loài muông thú, chim chóc trước nguy cơ cao bị sét đánh trúng gây thương vong.
Sét đánh cũng khiến các vùng đất bị tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết 77% các cơn giông sét có thể được dự báo thông qua chỉ số CAPE và lượng mưa đo được.
Sét là hiện tượng phóng tia lửa điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 25 triệu vụ sét đánh trên toàn cầu. Từ đầu năm đến nay, riêng tại Mỹ đã có 25 người thiệt mạng do bị sét đánh trúng, trong đó bang Florida là địa phương có nhiều người chết do sét đánh nhất (6 người).
Theo Môi Trường