Indonesia: Núi lửa bất ngờ hoạt động mạnh, phun ra một đám mây bụi khổng lồ cao 6.000m
Hôm 3/3, Núi lửa Merapi của Indonesia bất ngờ phun trào dữ dội và bao phủ các cộng đồng dân cư lân cận với lớp bụi xám dày đặc, đồng thời khiến cho sân bay quốc tế ở thành phố Solo gần đó phải đóng cửa, theo The Guardian.
Núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, Mount Merapi đã phun trào vào hôm thứ Ba (3/3), bắn ra một đám mây tro bụi khổng lồ khoảng 6.000m vào không khí và bao phủ một làn khói xám dày đặc đến các khu vực lân cận. Tro bụi cùng với cát từ miệng núi lửa phun trào đã trút xuống thị trấn gần khu đô thị văn hóa Yogyakarta, cách xa núi lửa đến 10km.
“Có tiếng nổ lớn trong ít nhất 5 phút và từ nhà của mình, tôi có thể nhìn thấy rõ từng đám mây tro bụi đang bốc lên”, Jarmaji, một cư dân của làng Boyolali cho biết.
Các nhà chức trách Indonesia trước đó đã không tăng mức cảnh báo cảnh báo về tình trạng của núi lửa Merapi. Tuy nhiên sau đợt phun trào lúc sáng sớm của núi lửa này, họ đã tạm thời cho đóng cửa sân bay quốc tế ở thành phố Solo – còn có tên là Surakarta – cách núi lửa khoảng 40km.
Cơ quan theo dõi Núi lửa Indonesia đã cảnh báo cư dân phải tránh xa và cấm đến gần Núi lửa Merapi trong bán kính 3km, vì dòng dung nham và hỗn hợp khí nóng pyroclastic lẫn một số chất phun ra từ núi lửa có thể khiến họ gặp nguy hiểm.
Video: Núi lửa Merapi phun trào vào sáng 3/3.
Núi lửa Merapi nằm giữa tỉnh Trung Java và tỉnh Yogyakarta, cao 2.930m so với mực nước biển, hiện là điểm du lịch nổi tiếng trên đảo Java, đồng thời, cung cấp lượng đất phù sa màu mỡ cho nông nghiệp.
Đợt phun trào cuối cùng của núi lửa Merapi là vào năm 2010, đã giết chết hơn 300 người và khiến 280.000 cư dân buộc phải sơ tán. Vụ phun trào mạnh nhất của núi lửa Merapi là vào năm 1930, đã giết chết khoảng 1.300 người, trong khi một vụ phun trào khác của núi lửa này vào năm 1994 đã cướp đi khoảng 60 mạng người.
Được biết, Indonesia là một quần đảo gồm hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Đất nước này nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, khu vực tiềm ẩn bất ổn địa chất, nơi sự va chạm của các mảng kiến tạo địa chất gây ra các trận động đất và núi lửa hoạt động thường xuyên. Nơi đây hiện có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.
Ngân Khánh (Theo The Guardian)