Huyền cơ hàm ẩn trong Tây Du Ký: Ai có thể tu thành Phật?
Tây Du Ký là một tác phẩm kinh điển của tác giả Ngô Thừa Ân. Đã có rất nhiều người giải mã được những ý nghĩa quan trọng và sâu xa trong tác phẩm này. Dưới đây xin đưa ra thêm một bí ẩn nữa của Tây Du Ký để trả lời cho câu hỏi: Người thế nào có thể tu thành Phật?
Tây Du Ký là tác phẩm nổi tiếng, ai ai cũng đều biết câu chuyện thần thoại này. Đặc biệt là mấy năm gần đây, Tây Du Ký liên tục được phát lại trên truyền hình càng khiến cho tác phẩm đi sâu vào lòng người. Tuy nhiên, độc khác nhau đối với Tây Du Ký là có lý giải khác nhau. Thông thường mọi người chỉ hiểu đơn thuần Tây Du Ký là câu chuyện thầy trò Đường Tăng trải qua trùng trùng gian nguy để đến Tây Thiên thỉnh kinh, hay là câu chuyện Tôn Ngộ Không hàng yêu trừ ma. Tuy nhiên, đằng sau đó còn có những huyền cơ cực kỳ to lớn.
Đằng sau luận điệu: “Chống vua, chống phong kiến, tạo phản là hợp lý”
Thời điểm khi tôi mười mấy tuổi, ngay vào thời đại Cách mạng Văn hóa, khó lắm mới tìm được một cuốn sách (BBT: vào thời đó rất nhiều quyển sách quý độc nhất vô nhị, các bức thư pháp lẫn những bức họa do các nhà trí thức sưu tập đã bị quẳng vào lửa hoặc nghiền vụn thành bột giấy). Vất vả lắm mới tìm được cuốn Tây Du Ký, cuốn này có lời mở đầu rất dài, khi đó tôi là “bụng đói ăn quàng”, khi có sách đọc tôi ngấu nghiến từng trang từng trang một. Dù khi đó còn nhỏ nhưng tôi cũng cảm giác được lời mở đầu được viết ra vô cùng gượng ép.
Lời mở đầu viết sơ lược rằng: Tây Du Ký thông qua thần thoại ám chỉ tới hiện thực là “chống vua, chống phong kiến, là tạo phản là hợp lý”, bởi lời nói “Hoàng đế phải luân phiên làm, năm sau sẽ đến lão Tôn ta” cho thấy tinh thần phản loạn của Tôn Ngộ Không.
Xem xong cuốn Tây Du Ký này tôi liền nghĩ, dựa theo lời mở đầu ấy mà nói, Phật, Đạo, Thần bên trong tác phẩm này đều là biểu tượng người thống trị thời phong kiến. Tuy nhiên, bốn thầy trò Đường Tăng, đặc biệt là Tôn Đại Thánh, dẫu ban đầu có tinh thần phản kháng cực kỳ mạnh mẽ, nhưng cuối cùng cũng đã quy y Phật Tổ, điều này chẳng phải nói rằng tinh thần phản loạn kia cuối cùng cũng đã phải đầu hàng? Kỳ thực, thầy trò Đường Tăng trải qua cực khổ mới có thể đạt được kim thân chính quả, điều này không phải là sự việc rất tốt sao? Bây giờ hồi tưởng lại mới hiểu rằng, lời mở đầu đó cũng là được tạo ra để phục vụ cho mục đích đấu tranh chính trị lúc bấy giờ, là kết quả của thời kì lịch sử hoang đường.
Tây Du Ký thuyết giải: Người như thế nào có thể thành Phật?
Mười năm sau lại xem Tây Du Ký, cùng với sự phổ biển của bộ phim trên truyền hình, tôi đã hiểu được ý nghĩa thực sự của tác phẩm. Đối với sự an bài và lựa chọn các nhân vật Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng của tác giả, tôi cho rằng bên trong có huyền cơ rất lớn, dưới đây tôi muốn nói một vài suy nghĩ của mình.
Trong bốn thầy trò Đường Tăng, ngoài Đường Tăng là người đại thiện (quét rác không muốn làm tổn thương con sâu, con kiến, yêu quý cả con bươm bướm rơi xuống ánh đèn…), thì mấy vị khác đều đã từng làm các việc ác lớn nhỏ khác nhau. Họ từng làm những chuyện như giết người phóng hỏa, nhưng rốt cục dưới sự từ bi, giáo huấn của Phật và Bồ Tát cuối cùng đã cải tà quy chính, đạt kim thân chính quả.
Vì sao tác giả lựa chọn bốn thầy trò Đường Tăng? Tôi cho rằng tác giả là muốn xoay quanh câu chuyện những nhân vật này để khích lệ mọi người hướng thiện thành Phật, dùng câu chuyện sinh động để trả một câu hỏi: Người như thế nào có thể tu thành phật?
Đường Tăng là Kim Thiền Tử, đệ tử của Phật tổ chuyển thế, là người đại căn khí, lại có chí hướng Phật, lẽ ra làm sư, cũng có thể tu thành Phật. Đối với ông, tôi không muốn nói nhiều, tôi cảm thấy chính yếu nhất là việc tuyển trọn mấy vị đồ đệ: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng.
Tôn Ngộ Không: Tâm khỉ khó định?
Tôn Ngộ Không vốn là thạch hầu trời sinh, thông minh trí tuệ, được Bồ Đề Tổ Sư chân truyền, càng thần thông quảng đại. Tôn Ngộ Không mặc dù thần thông quảng đại, nhưng tính khí ngang ngược khó sửa đổi, về sau dẫn tới quấy nhiễu Địa phủ, Long cung, náo động Thiên cung, gây tai họa lớn, cuối cùng bị Phật tổ phạt ở dưới núi Ngũ Hành 500 năm.
Mọi người đều biết “tâm khỉ khó định”, mà điều tu Phật, tu Đạo cần có nhất chính là tâm tĩnh, tâm định. Định mới sinh huệ, mới có thể thành Phật Đạo. Còn đối với một dã hầu trời sinh, đối mặt vinh hoa phú quý trên trời dưới đất, thì làm sao có thể?
Cũng may Ngộ Không được Quan Âm Bồ Tát cứu độ và dạy bảo, tâm kiên định hướng Phật, sau “Phật tâm” của Tôn Ngộ Không trong ma luyện rốt cục chiến thắng “Hầu tâm”, sau khi thỉnh kinh xong, thành chánh quả và được phong là “Đấu Chiến Thắng Phật”.
“Đấu chiến” không phải chiến đấu với Phật, Đạo, Thần mà là “hàng yêu trừ ma”. Trong trời đất vốn có Phật thì có ma, đối với Thần Phật từ bi và uy nghiêm thì cùng tồn tại, đối với chúng sinh thì cứu độ, còn đối với ác ma làm loạn nhân gian, không chiến đấu, không diệt trừ sao được?
Hình tượng Ngộ Không nói với chúng ta một điều, trên đời tâm khỉ khó định nhất, nhưng một khi đã định được thì nhất định sẽ tu thành Phật. Một người chỉ cần có “định”, thành tâm hướng phật, không sợ gian nan, không có lý nào lại không thành Phật?
Trư Bát Giới: Nhiều tính xấu khó tu hành?
Trên thân người Trư Bát Giới là tập hợp của những tính xấu. Tuy nói địa vị của Trư Bát Giới không tệ, là “Thiên bồng nguyên soái” hạ giới, bởi vì đùa giỡn Hằng Nga Tiên tử, bị đày xuống nhân gian, đầu thai quá gấp nên nhầm vào kiếp heo, vì thế lão Trư mang rất nhiều tính xấu của heo, ham ăn, ham ngủ.
Con người có tính xấu nào Bát Giới có tính xấu ấy, mà người không có tính xấu nào thì Bát Giới cũng có, quả thực tất cả đều xấu: Mặt xấu, hình dáng xấu, kém cỏi, tham lam, sợ chết, háo sắc, lười biếng, tính toán, mưu mô, giỏi gây chia rẽ, không kiên trì… Gọi là Bát Giới chứ xem ra “Thập Giới” còn ít.
Bát Giới có nhiều tính xấu như vậy, nói chuyện tu thành Thần Phật đúng là hoang đường, viển vông.
Ấy vậy mà Bát Giới cũng tu thành. Sở dĩ có thể thành là vì Bát Giới có một hoàn cảnh tu luyện rất tốt. Tức là thông qua hình thức đi thỉnh kinh, giữa hoàn cảnh vô cùng gian nan vất vả ở nhân gian, mà giảm trừ đi các tâm dục vọng.
Mặt xấu, hình thức kém cỏi không phải là chướng ngại cho tu luyện, tu hành chẳng phân biệt đẹp xấu. Lòng tham của Trư đã bị trừ đi dần dần vì điều kiện có hạn, còn ý chí kém cùng lười biếng thì có sư phụ cùng sư huynh đệ ảnh hưởng và đốc thúc.
Bát giới mà có thể tu thành Thần Phật, thì ai mà không tu được?
Sa Tăng: Ăn thịt người có thể tu thành Phật?
Về phần Sa Tăng, khi còn tại sông Lưu Sa Hà sống bằng cách ăn thịt người, Sa Tăng đã giết không biết bao nhiêu người. Tuy nhiên, sau khi quy y Phật môn, ý chí kiên định, tay dắt ngựa, vai mang quang gánh, trợ huynh trừ yêu, không oán không hận, không hề tái phạm việc sát sinh như trước, đây đúng là nhân vật điển hình cho hình tượng “Buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật“.
Người thì nóng tính, tâm khó định; người thì mang bên đầy tính xấu; người thì ăn thịt người vô số, đều tu thành Phật Đạo, Thần thì ai không thể tu thành chứ?
Những nhân vật trong Tây Du Ký mà tác giả lựa chọn là có huyền cơ hàm ẩn trong đó. Có câu thơ rằng:
“Đừng nói cửa Phật khó bước vào,
Chỉ là nhân tâm thường không đủ,
Nam tử có thể tu thành La Hán,
Nữ tử có thể tu thành Quan Âm”
Tại đây xin lưu ý một điều: Ngộ Không, Bát Giới tuy là mang hình tượng động vật trong Tây Du Ký, nhưng thực sự là do tác giả muốn dùng hình tượng đó để miêu tả một số tính cách khác nhau của con người, bởi vì trong tu luyện thì động vật không hiểu tu luyện là gì.
Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm, chỉ cần tâm muốn tu luyện thì Thần Phật có thể giúp đỡ vô điều kiện vì tâm ấy là trân quý nhất.
Dịch từ secretchina.com