Hút thuốc lá nơi công cộng có thể bị phạt “nguội” tới 500.000 đồng
Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cho phép các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống… có thể sử dụng camera giám sát, thiết bị ghi hình để nhắc nhở, phạt “nguội” người hút thuốc lá nơi công cộng.
Theo báo Người Lao Động, sáng ngày 11/1, bên lề hội thảo lấy ý kiến lần cuối cho dự thảo thông tư quy định việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá và việc xét tặng danh hiệu môi trường không khói thuốc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), bà Trần Thị Trang cho biết, Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cho phép các địa điểm công cộng có thể sử dụng camera giám sát, thiết bị ghi hình, nhắc nhở và phạt “nguội” người hút thuốc lá nơi công cộng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng có thể dùng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hoặc công nghệ giám sát để phát hiện hành vi vi phạm và xử phạt người vi phạm.
Theo quy định, người hút thuốc tại một số điểm cấm hút thuốc sẽ bị phạt tới 500.000 đồng.
Đơn vị kinh doanh không có bảng, biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng. Biển, biểu tượng cấm hút thuốc phải đặt ở vị trí dễ thấy, dễ quan sát, có nhiều người qua lại.
Địa điểm cấm hút thuốc lá trong dự thảo của Bộ Y tế gồm trong nhà, phạm vi khuôn viên của cơ sở y tế; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi của trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; các cơ sở giáo dục từ trung học chuyên nghiệp trở xuống.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp…
Các địa điểm công cộng như quán cà phê, nhà hàng, nhà ga, nhà văn hoá, rạp chiếu phim, sân vận động có mái che… đều được quy định cấm hút thuốc lá.
Những phương tiện giao thông công cộng gồm ôtô, máy bay, tàu điện cũng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
Các địa điểm quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, khu vực cách ly của sân bay, cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy, tàu hỏa được phép có khu vực dành cho người hút thuốc lá.
Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải có phòng, hệ thống thông khí tách biệt, có biển báo, có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc, có thiết bị phòng, chữa cháy.
Theo báo Dân Trí, phát biểu trong hội nghị, bà Trang cho biết những năm qua, tình trạng hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao.
Khói thuốc chứa nhiều hóa chất độc hại, người không hút thuốc nhưng sống trong môi trường có khói thuốc lá cũng bị mắc các bệnh như người hút thuốc.
“Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động chiếm tỷ lệ tới 80%, còn trẻ em là 50%”, bà Trang nói.
Yên Yên (t/h)