Hồi ức đầy biến cố của luật sư nhân quyền Trung Quốc – Cao Trí Thịnh (P.1): Tuổi thơ gian khổ
Cao Trí Thịnh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng, được mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc”. Vì hành động cương trực, chính nghĩa, dám lên tiếng bênh vực sự thật, nên ông đã bị ĐCSTQ bí mật giam giữ từ tháng 8/2017.
Trước khi mất tự do vào giữa tháng 6/2017, luật sư Cao đã trả lời phỏng vấn, bày tỏ suy nghĩ của mình về việc xuất bản quyển sách “Trường hợp đầu tiên về bảo vệ quyền của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc”. (Nhà xuất bản Bác Đại cung cấp)
Tháng 8/2017, luật sư nhân quyền Trung Quốc Cao Trí Thịnh biến mất một cách bí ẩn, tính đến nay đã hơn ba năm.
Ngày 21/9/2020, Cảnh Cách – con gái của luật sư Cao đã được mời phát ngôn tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dưới hình thức nói chuyện qua video. Cảnh Cách khi nói rất bình tĩnh, trang nghiêm, giọng điệu trầm:
“Cha tôi – Cao Trí Trịnh, một luật sư nhân quyền, được biết đến vì bênh vực những người bảo vệ nhân quyền, các nhóm tín ngưỡng, và ghi chép lại tình trạng bức hại nhân quyền ở Trung Quốc. Vì thế mà ông đã bị giam giữ nhiều lần, bị tra tấn nghiêm trọng”, Cảnh Cách nói.
“Chúng ta có trách nhiệm kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, yêu cầu Trung Cộng trả tự do cho tất cả những nhà hoạt động nhân quyền đã biến mất, tôi sẽ không bao giờ quên rằng cha tôi là một trong số họ”.
Luật sư Cao được mệnh danh là “Lương tâm của Trung Quốc”. Ông ấy bảo vệ những nhóm người chịu thiệt thòi, những người theo đạo Thiên chúa, các học viên Pháp Luân Công và tất cả những người mà ông ấy nghĩ rằng nên ra tay giúp đỡ. Ông xem nghề nghiệp của mình là sứ mệnh mà bản thân cần hoàn thành ở đời này.
Vì nhiệm vụ ấy, ông đã hy sinh hạnh phúc, sức khỏe và tiền đồ đầy hứa hẹn của mình. Ông là một anh hùng trong tâm trí mọi người, một anh hùng hiếm có ở Trung Quốc đương đại. David Kilgour – Cựu Ngoại trưởng Canada khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói: Cao Trí Thịnh là “một trong những luật sư dũng cảm nhất trên Trái Đất”. Vì tấm lòng cao thượng, Cao Trí Thịnh đã ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Cảnh Cách và em trai đã hơn mười năm chưa được gặp lại người cha thân yêu của họ. Khi họ rời Trung Quốc Đại lục cùng mẹ, em trai cô chỉ mới 5 tuổi. Ký ức về hơi ấm, tình yêu thương và hình ảnh người cha cao lớn vẫn còn mơ hồ trong tâm trí non nớt của cậu bé. Đứa trẻ đã phải sống trong sợ hãi, bất an trước khi rời Trung Quốc.
Đây là một bức ảnh hiếm hoi của Cao Trí Thịnh. Ông ấy trông điềm tĩnh và tự nhiên ở độ tuổi 40, với một chiếc áo khoác màu xanh đậm. Phía sau ông là một con đường núi tuyết đã được dọn sạch sẽ, phía xa là những ngọn đồi phủ đầy tuyết, những ngôi nhà trong hang động và một vài cây cối trơ trọi. Rõ đây là mùa Đông, và ở không xa có thể thấy bóng dáng của vài người. Đó có lẽ là đồng hương của ông ấy.
Cao Trí Thịnh là người Giai Huyện, thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Thiểm Tây. Ông từ bối cảnh trong bức ảnh này, từ một ngôi nhà trong hang động ở Thiểm Tây, từ một người nông dân nghèo mà thành danh.
Những câu chuyện về luật sư Cao đã bị kiểm duyệt gắt gao trên Internet. Bao gồm các bài báo và sách do ông ấy viết, và do người khác viết về ông ấy, các bản tin thời sự và phim tài liệu truyền hình có liên quan,… Tất nhiên, tất cả những điều vừa nói không thể tìm thấy ở Đại lục. Ba từ “Cao Trí Thịnh” được liệt vào những từ nhạy cảm ở Trung Quốc Đại lục.
Ông Cao đã làm luật sư trong gần mười năm kể từ năm 1996. Năm 2001, ông được Bộ Tư pháp Trung Quốc vinh danh là một trong “Mười luật sư hàng đầu của Trung Quốc”. Vụ kiện đầu tiên mà Cao Trí Thịnh đấu tranh với tư cách luật sư là một vụ kiện miễn phí. Mỗi năm sau đó, 1/3 thời gian và sức lực của ông đặt ở các vụ kiện miễn phí cho những người nghèo, và những người sống dưới đáy xã hội.
Trong khi thu nhập hàng năm của các luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh lên tới 10 triệu, thì thu nhập hàng năm của Công ty luật Cao Trí Thịnh chỉ bằng 1/10 số đó. Tuy nhiên, ông Cao vẫn sẵn sàng làm như vậy. Đạo lý của ông là, không thể tách khỏi việc tiếp xúc với người nghèo, đây là con đường trực tiếp nhất để ông hiểu được tầng đáy của xã hội. Một lý do rất quan trọng nữa là, Cao Trí Thịnh nói rằng bản thân ông xuất thân chính là một người nghèo, khi nhìn thấy những người nghèo khó đến với ông để cầu giúp đỡ, nghe họ giãi bày oan khuất và thống khổ, lúc họ rơi nước mắt, ông cũng rơi nước mắt.
Cảnh Hòa – vợ của Cao Trí Thịnh kể lại rằng, một năm trong lễ Giáng sinh, bà đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn và đợi Cao Trí Thịnh trở về. Nhưng khi về đến nhà, bà thấy ông ấy không vui.
Bà Cảnh hỏi: “Tại sao vậy?”
Luật sư Cao nói, “hôm nay đi trên đường phố, nhìn thấy những con đường rực rỡ ánh đèn, tôi cảm thấy mình bị tách khỏi xã hội này, không thể hòa nhập vào xã hội này được. Bởi vì tôi càng kiếm được nhiều tiền, thì khách hàng của tôi càng phải chịu nhiều đau khổ”.
Cảnh Hòa cho biết, trong mọi vụ án mà Cao Trí Thịnh đảm nhận, ông đều dành hết toàn bộ tình cảm và trách nhiệm của mình.
Thực tế là như vậy, Cao Trí Thịnh thực sự nhìn thấy sự tương phản này. Ngoài ánh sáng rực rỡ của ánh đèn thành phố, ông ấy còn tiếp xúc với những nhóm người nghèo đói, bơ vơ và tuyệt vọng – ông ấy sẵn sàng giúp đỡ bọn họ một tay.
Có phải luật sư Cao mang trạng thái như vậy là do ông ấy đã từng là người nghèo? Cái nghèo của tuổi thơ và tuổi trẻ là điều không thể nào quên đối với ông. Điều quan trọng hơn là ông có một người mẹ bình thường mà vĩ đại, những gì bà để lại cho ông là một khối tài sản tinh thần to lớn – đó là sự kiên trì, lòng nhân ái và tấm lòng bao dung.
Cao Trí Thịnh nói trong bài viết về mẹ: Khi mẹ của ông kết hôn, gia đình của bố ông rất nghèo. Cuộc hôn nhân bắt đầu từ nghèo khó này đã tồn tại 22 năm. Cái không thay đổi từ đầu đến cuối chính là nghèo khó. Mong ước ấp ủ từ lâu của bố ông là một ngày nào đó có thể “ăn no mặc ấm”. Sau khi bố ông mất, mong muốn của người bố ông đã trở thành mục tiêu sống của mẹ ông đối với cả gia đình. Lúc đó, mẹ ông và 7 đứa con đang phải đối mặt với tình cảnh tuyệt vọng.
Vì để những đứa con của mình có thể tiếp tục sống, mẹ ông bắt đầu làm việc ngày đêm. Bà không ngừng làm các việc vất vả, để đảm bảo các con mình đều có áo mặc. Chưa đầy nửa năm, bà đã gầy hẳn đi. Tuy nhiên, bà ấy vẫn không thể đảm bảo đầy đủ những gì các con mình cần để tồn tại. Vì thế, việc giảm bớt gánh nặng của bà càng nhiều càng tốt đã trở thành lựa chọn tự phát của tất cả những đứa trẻ.
Cao Trí Thịnh nhớ lại, năm đầu tiên sau khi bố ông mất, gia đình càng thêm túng quẫn. Trước đêm giao thừa, một người bác ở xa đã gửi cho họ nửa cân thịt lợn, hơn nửa cân thịt cừu và một cân mì trắng. Đến lúc giao thừa, những đứa trẻ ngồi quanh lò nướng, và mẹ ông đốt lò nướng cháy rực. Bà đem những miếng thịt thái mỏng, những đứa trẻ không cần phải cầm bát, đũa, do bà đã làm tất cả và gắp thịt đút cho từng đứa một ăn.
Cao Trí Thịnh không thể nào quên được mùi vị miếng thịt ngày đó. Cùng thời điểm năm ấy, ông cùng các anh chị em của mình đã ăn miếng thịt ngon nhất thế giới, sống trong căn nhà trong hang động ấm áp nhất thế giới. Sáng mồng một Tết, cả nhà quây quần bên ngọn đèn dầu, trộn nửa cân thịt cừu và một cân mì trắng với củ cải bào, cả nhà lại được ăn thêm một bữa há cảo ngon lành!
Cao Trí Thịnh kể lại rằng, buổi sáng hôm đó các anh chị em của ông đã có món sủi cảo ngon nhất thế giới! Mặc dù số lượng có hạn, không thể ăn no. Nhưng mẹ ông đã dùng trái tim và tình yêu thương thay cho sự giàu có, để họ có những năm tháng hạnh phúc không thể nào quên.
Ở trường, Cao Trí Thịnh cơ bản là tự học, vì sau khi cha qua đời, ông và em trai 10 tuổi đã phải đi hái thuốc trên núi để đổi lấy gạo nuôi gia đình. Trong cuộc sống khó khăn ấy, mẹ ông vẫn cho tất cả những đứa con học hết cấp 2, trừ anh cả và chị cả. Cao Trí Thịnh viết trong sách của mình rằng: Mẹ ông bị viễn thị.
Trường trung học cơ sở Cổ Thành – nơi Cao Trí Thịnh theo học nằm trên một ngọn núi cao cách nhà 10km, vì chỉ phải trả 8 xu tiền ăn mỗi ngày nên mẹ ông đã khuyến khích ông đến trường. Trong 3 năm, mẹ ông không có được một giấc ngủ ngon, lúc đó cả làng không có đồng hồ, cách nắm bắt thời gian vào ban đêm chính là nhìn trời. Trong khi Cao Trí Thịnh ngủ, mẹ ông đã ra ngoài nhiều lần trong đêm để ngắm sao. Vào đêm nhiều mây, mẹ ông hoàn toàn không dám ngủ, và phán đoán thời gian bằng cảm tính. Mẹ ông đã hy sinh giấc ngủ của mình để đảm bảo rằng, Cao Trí Thịnh không đi học trễ trong suốt ba năm, càng không có chuyện nghỉ học – đó là cách duy nhất ông có thể trả ơn mẹ mình vào thời điểm đó.
Mặc dù được nhận vào một trường trung học trọng điểm của huyện, nhưng luật sư Cao không thể tiếp tục học vì nghèo. Nhưng sự nghiệp học tập suốt 3 năm cấp hai đã đặt nền móng quan trọng nhất cho các giá trị trong cuộc sống sau này của Cao Trí Thịnh. Toàn bộ những điều ấy, là mẹ và ông cùng vun đắp tạo ra.
Việt Anh
Theo epochtimes.com