Hoàng hậu Đại Đường: Hoàng hậu của thiên niên kỷ
Người ta thường nói rằng “đằng sau người đàn ông thành công là một người phụ nữ tuyệt vời”. Hoàng đế Đường Thái Tông đã có công lập nên một triều đại nhà Đường thịnh vượng nhất trong lịch sử xưa nay, và bóng dáng giai nhân góp phần vào thành quả ấy không thể không nhắc đến Trưởng Tôn Hoàng hậu.
Người đời có câu “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, có lẽ nếu không có một chỗ dựa vững chắc sau lưng, chúng ta sẽ không thể thấy được một Đường Thái Tông lẫy lừng trong lịch sử.
Sau khi bà qua đời, sử thần cung kính dâng lên một bộ sách 30 quyển do Hoàng hậu viết, mang tên Nữ tắc cùng bộ sách bình giải của Minh Đức Mã hoàng hậu nhà Hán, đều trình dâng lên Thái Tông. Khi Thái Tông xem sách của bà xong, xúc động mà nói:
- “Cuốn sách này của Hoàng hậu, có thể xem là kinh điển cho hậu thế. Dẫu biết ý trời như thế nào và có khóc thương cũng vô dụng, nhưng giờ đây, Hoàng hậu không còn bên Trẫm, Trẫm cảm thấy mọi thứ thành hư vô. Không còn được nghe những lời can gián của nàng ấy, và không thể quên đi hình bóng của nàng”.
Sử sách ghi chép lại, vào năm Trinh Quán thứ 8, Hoàng hậu Đại Đường mắc cảm mạo cộng thêm các bệnh cũ tái phát nên làm cho tình trạng bệnh tình của bà càng trầm trọng hơn. Thái tử Trình Tiềm nhân dịp này muốn ân xá cho tù nhân và để cầu nguyện cho mẹ mình mau chóng hồi phục. Mọi người trong cung đều hưởng ứng theo, nhưng riêng bà phản đối kịch liệt.
Bà nói: “Sự sống chết của một đời người là do ông Trời định sẵn và mọi nỗ lực của con người không thể thay đổi bất cứ điều gì. Nếu làm việc tốt có thể tích lũy đức, ta chưa bao giờ làm điều gì xấu ác. Nếu làm việc tốt mà để mong cầu một điều gì đó thì không phải là việc thiện, cho nên mong cầu để được khỏi bệnh sẽ là điều vô ích. Ân xá tù nhân là chuyện của quốc gia và nó không nên được thực hiện chỉ vì ta”.
Tấm lòng vô vị kỷ của bà đã làm cho những người đứng bên chứng kiến phải rơi nước mắt. Vua Đường Thái Tông đã làm theo nguyện vọng của bà. Hoàng hậu lâm bệnh nặng và qua đời hai năm sau đó – khi đó bà mới 36 tuổi. Trước khi chết, bà vẫn còn nghĩ đến lợi ích của thiên hạ và nước nhà. Sau khi suy nghĩ kỹ, bà đã đề xuất nguyện vọng của mình với Thái Tông:
“Trọng dụng hiền tài, đẩy lùi những kẻ hèn hạ. Chấp nhận những lời can gián, nhưng tránh xa nịnh thần”.
“Đối với tất cả người thân của thiếp, trừ khi họ có tài đức lớn, nếu không thì không đặt họ ở vị trí cao”.
“Thiếp đã không có công lao gì nên không cần chôn cất tốn kém; vì vậy, không nên lãng phí nguồn tài lực của đất nước vào một ngôi mộ hay quan tài đắt tiền. Trong lịch sử xưa nay, những nhân cách được kính trọng cao tất cả đều chỉ mong ước được an táng đơn giản, vì vậy hãy chôn cất thiếp một cách đơn giản nhất mà bệ hạ thật sự cho rằng thiếp xứng đáng!”
Đường Thái Tông vì quá thương tiếc nên đã không thực hiện đầy đủ các nguyện ước tang lễ của bà. Ông ra lệnh cho xây dựng một lăng mộ đồ sộ. Ngoài ra, ông còn cho xây một sảnh đường ghi khắc nhiều câu chuyện về bà trong một nghĩa trang lớn để linh hồn bà bay cao và nhìn xa. Đây là cách Đường Thái Tông bày tỏ tình cảm và lòng tôn kính của mình đối với vị Hoàng hậu nổi tiếng đương thời.
Dưới đây xin đưa một vài câu chuyện kể về vị “Hoàng hậu của Thiên niên kỷ”.
Trưởng Tôn Hoàng hậu thủa nhỏ tên Trưởng Tôn thị xuất thân từ tộc Tiên Ti, thuộc dòng dõi hoàng tộc Bắc Ngụy, bà là con gái của Kiêu Vệ tướng quân nhà Tùy.
Năm 613, Trưởng Tôn thị 13 tuổi xuất giá lấy Lý Thế Dân, tức Hoàng đế Đường Thái Tông khi ấy vừa tròn 16 tuổi. Hai vợ chồng đối đãi với nhau rất thuận hòa, làm việc gì cũng cùng nhau, và sinh được 3 người con trai và 4 cô con gái.
Năm 626, Cao Tổ truyền ngôi cho Lý Thế Dân trở thành Đường Thái Tông, Trưởng Tôn thị được phong thành Hoàng hậu.
Khi mới vào cung, tuy là một người phụ nữ còn trẻ nhưng bà đã nhanh chóng nắm bắt, quán xuyến việc hậu cung. Cứ mỗi ngày hai lần bà lại dành thời gian đi thăm Thái Thượng hoàng và thường tổ chức lễ hội để ông vui vẻ.
Bà đối xử với cung nữ hay lính canh rất ít khi la mắng hay roi vọt. Sử còn nói rằng, nếu một cung tần nào của Thái Tông đau ốm, bà sẽ đích thân đến hỏi thăm và trích tiền tiêu dùng của mình để chữa trị cho họ. Tấm lòng từ bi, nhân ái của bà lan tỏa khắp chốn hoàng cung mang lại bầu không khí bình hòa. Điều này, phần nào đã giúp vua Thái Tông tập trung vào lo chính sự mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ chuyện hậu cung.
Trưởng Tôn hoàng hậu vốn từ nhỏ sinh ra trong một gia đình giàu có còn là hoàng hậu của một đất nước, nhưng lối sống của bà rất giản dị, hòa nhã và tiết kiệm. Bà dành tâm một chút cho việc ăn mặc sao cho quý phái, nhưng không bao giờ mê đắm trong những tiệc rượu hay yến tiệc xa hoa.
Dù Thái tử Trình Tiềm một ngày nào đó sẽ trở thành Hoàng đế, nhưng bà cũng sắp xếp cho cuộc sống rất giản dị và không có ngoại lệ nào. Có lần nội quan hỏi sao không tăng ngân lượng cho bên cung điện củaThái tử, bà không đồng ý và đáp rằng: “Là người sẽ cai trị đất nước trong tương lai, Thái tử nên tập trung vào việc tu dưỡng đạo đức và giữ gìn thanh danh”. Sự công bằng và khéo léo của bà trở thành sự ngưỡng mộ của hầu hết mọi người trong cung.
Thái Tông đương thời rất xem trọng ý kiến của Hoàng hậu về vấn đề dụng binh, cũng như việc thưởng phạt. Hoàng hậu luôn tỏ ra là một người thấu suốt sâu sắc, bà nghĩ rằng bà không nên tham gia vào các vấn đề triều chính vì cương vị đặc biệt của mình. Bà đặt ra nguyên tắc là, người đàn ông và đàn bà nên phải giữ đúng vai trò và nhiệm vụ của mình. Bà nói với Thái Tông: “Khi một con gà mái gáy, là không bình thường; khi một người đàn bà liên quan đến việc triều chính, thì đó là một dấu hiệu không tốt”.
Tuy nhiên, Thái Tông vẫn một mực muốn lắng nghe ý kiến của bà, và không bao giờ trả lời là “không”. Sau khi suy nghĩ cẩn thận, Trưởng Tôn Hoàng hậu bèn nói với Thái Tông: “Khi thiên hạ đang thái bình, thì bệ hạ nên chuẩn bị tinh thần cho những đại loạn có thể nổi lên, trọng dụng người tài và xem trọng những lời can gián của thần dân”.
Những gì bà đưa ra cũng chỉ mang tính nguyên tắc chung, bởi bà không muốn đi sâu vào những chi tiết cụ thể, vì sợ rằng chính điều này sẽ làm hạn chế vai trò của một vị Hoàng đế. Bà rất luôn tin tưởng những cận thần và khả năng của họ.
Quan đại thần Ngụy Trưng, là một vị quan chính trực và khảng khái, ông luôn thẳng thắn đưa ra lời khuyên cho Hoàng đế Thái Tông, việc mà hiếm có ai dám làm trong triều, vì vậy vua Thái Tông rất trọng dụng và tín nhiệm ông.
Có lần khi mùa xuân đến, vua Thái Tông cùng đội quân của mình chuẩn bị tiến ra ngoài cổng thành đi săn thì gặp Ngụy Trưng. Ngụy Trưng thưa: “Hiện giờ đang là mùa xuân, cỏ cây đang phát triển, những con thú vẫn đang nuôi con chúng. Đây không phải là dịp tốt để đi săn bắn. Hạ thần thỉnh mời Hoàng thượng quay lại hoàng cung”.
Tuy nhiên, vua Thái Tông không đồng ý, ông vẫn một mực tiếp tục cuộc đi săn của mình. Ngụy Trưng thấy vậy, chạy ra giữa đường chặn đoàn đi săn lại. Cảm thấy bị làm nhục, vua Thái Tông quất ngựa phi thẳng về triều.
Vừa thay đồ ông vừa quát lớn: “Trẫm sẽ đi giết cái tên ngu đần đó mới được”,
Hoàng hậu hỏi: “Không biết ai đã làm cho bệ hạ nổi giận như vậy?”
Thái Tông trả lời: “Là Ngụy Trưng chứ ai! Hắn đã làm xấu mặt trẫm trước bao nhiêu người”.
Sau khi biết rõ chuyện xảy ra, bà lặng lẽ rút lui… Ngay sau đó, bà trở lại với bộ y phục trang trọng như thể là sắp có một nghi lễ triều bái trịnh trọng. Thái Tông rất ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nàng ăn mặc như thế?”. Với một phong thái bình tĩnh và trang nghiêm, Trưởng Tôn Hoàng hậu nói: “Xin chúc mừng Bệ hạ! Thiếp nghe rằng chỉ khi nào Hoàng đế là một minh quân thì mới xứng đáng được quần thần dùng lời thẳng thắn mà can gián”. Sau khi nghe xong, Thái Tông rất hài lòng…
Sự hiền đức và thông minh của bà không chỉ giữ được sự tôn nghiêm cho chồng, mà còn khéo léo hóa giải được nguy cơ mất mạng của vị cận thần. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy rằng Hoàng hậu Đại Đường là người có một trái tim quảng đại nhân từ và một trí tuệ hơn người.
Hoàng hậu Đại Đường đã thể hiện sâu sắc sự uy quyền đầy nữ tính trong thời đại đầy uy quyền của đàn ông và đóng một vai trò độc nhất vô nhị trong việc tạo ra một triều đại nhà Đường thịnh vượng nhất trong lịch sử của Trung Quốc, một triều đại hoàng đế anh minh, các quần thần năng lực tài giỏi và quân đội hùng mạnh.
Các nhà sử học cũng đã ghi chép và công nhận những đóng góp to lớn của bà và tin rằng sự thịnh vượng của những năm Trịnh Quán và Hoàng hậu Đại Đường không thể tách rời nhau.
Theo Tasteoflife