Hít thở không khí ô nhiễm khiến phụ nữ có nguy cơ sảy thai cao hơn
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh không chỉ gây ra các bệnh về phổi, mà còn có thể khiến phụ nữ có nguy cơ sảy thai cao hơn.
Nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện, được công bố trên tạp chí Nature Sustainability hôm 14/10.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 255.000 phụ nữ mang thai sống ở Bắc Kinh trong vòng 8 năm.
So sánh bệnh án của những phụ nữ này và mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm bao gồm SO2 và CO, các nhà khoa học tổng kết cứ 10 μg/m3 SO2 trong không khí từ nhà máy hạt nhân và khói bụi xe cộ làm tăng nguy cơ sảy thai lên 41%. Ô nhiễm không khí tăng cao hơn sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai đến 52%.
Ngoài ra, họ cũng phát hiện một mối liên quan đáng kể giữa mức độ ô nhiễm và nguy cơ sảy thai sớm trong 3 tháng đầu tiên. Khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao, nguy cơ sảy thai sớm, trong đó thai nhi hoặc phôi ngừng phát triển, cũng tăng mạnh.
Trong số những phụ nữ mang thai tham gia nghiên cứu, có đến 17.500 thai phụ (khoảng 7%) bị sảy thai sớm trong 3 tháng đầu.
Nghiên cứu còn cho thấy phụ nữ tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí cũng dẫn đến tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh cao hơn. Ví dụ, nếu người mẹ tiếp xúc với môi trường chứa nồng độ bụi mịn PM2.5 cao trong một thời gian dài, các chất ô nhiễm sẽ vượt qua màng ngăn huyết dịch của mẹ và thai nhi, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai, thậm chí gây ra tổn thương không thể phục hồi cho các tế bào phân chia phôi thai, đồng thời trong quá trình phát triển quan trọng của thai nhi gây ra tổn thương do thiếu oxy, hoặc tổn thương miễn dịch.
Trước đây, khoa học đã có những bằng chứng thuyết phục cho thấy ô nhiễm không khí phải chịu trách nhiệm cho nhiều ca sinh non, trẻ nhẹ cân và sảy thai. Nhưng nó được cho là tác động gián tiếp khi các hạt ô nhiễm có thể làm tăng các chất gây viêm trong cơ thể người mẹ. Nhưng giờ đây, với sự xuất hiện của các hạt ô nhiễm ngay trong nhau thai, tác động của chúng đến thai nhi có thể hiểu là tác động trực tiếp. Và những tổn hại mà không khí ô nhiễm gây ra cho thai nhi có thể để lại hậu quả suốt đời.
Trung Quốc đã nỗ lực giảm mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh những năm qua. Tuy nhiên, nồng độ bụi mịn PM2.5 – vốn có thể xâm nhập sâu vào phổi người – vẫn cao gấp 4 lần so với mức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.
Không chỉ tại Trung Quốc, những năm gần đây, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội hay TP. HCM cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vào khoảng trung tuần tháng 9, các ứng dụng đo thời tiết như Air Visual hay Pam Air đều cho thấy nhiều điểm quan trắc taị Hà Nội có chất lượng không khí AQI ở mức nguy hiểm và rất nguy hiểm.
Tổ chức Y tế Thế giới gần đây cũng lên tiếng cảnh báo tới 90% dân số toàn cầu đang phải hít thở không khí ô nhiễm. Và ngay cả mức độ ô nhiễm thấp nhất cũng gây ra những tác hại sức khỏe khó lường.
Thùy Linh (t/h)
Xem thêm: