Hành trình đào tẩu của người Triều Tiên sang Hàn Quốc
Bất chấp rủi ro và thử thách, đến nay đã có rất nhiều người Triều Tiên trốn chạy khỏi quê hương và di trú đến một miền đất mới. Tuy nhiên, cuộc sống về sau của họ không phải lúc nào cũng “trải hoa hồng”.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 17/8 chính thức xác nhận Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho đã chạy trốn cùng gia đình và hiện đang sống ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Vụ việc được xem là cú sốc lớn đối với chính quyền Triều Tiên khi đây là quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Bình Nhưỡng đào tẩu trong gần 2 thập niên qua.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 18/8, nhiều quan chức Triều Tiên từng đào tẩu ra nước ngoài cho biết ông Thae Yong-ho có thể sẽ được bảo vệ cẩn mật và tận hưởng cuộc sống sung túc với một công việc ở một viện nghiên cứu thuộc cơ quan tình báo Hàn Quốc.
“Để duy trì cuộc sống tại đây (Hàn Quốc), tất nhiên, mọi người đều phải có một công việc nào đó, và chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp việc làm cho mọi người”, ông Kim Kwang-jin, một người Triều Tiên đào tẩu cùng gia đình vào năm 2003 khi đang làm việc cho một hãng bảo hiểm của Triều Tiên ở Singapore, cho biết.
Cũng giống như nhiều “ông lớn” khác của Triều Tiên, sau khi đào tẩu sang Hàn Quốc, Kim Kwang-jin được chính phủ Hàn Quốc mời vào làm ở Viện Nghiên cứu tình báo quốc gia (INSS), một cơ quan nằm dưới quyền điều hành của Cục tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS).
Một nhân vật tiếng tăm khác cũng chọn cách rời khỏi Triều Tiên để sang Hàn Quốc là Choi Ju-hwal. Ông Choi từng là đại tá trong quân đội Triều Tiên trước khi tới Hong Kong và tìm cách đào tẩu sang Hàn Quốc. Nhân chuyến công tác tới Trung Quốc vào năm 1995, ông Choi đã tìm cách bỏ trốn và là người giữ quân hàm cao nhất trong quân đội Triều Tiên đào tẩu vào thời điểm đó. Sau khi “hạ cánh” an toàn tới Hàn Quốc, ông Choi đã bắt đầu công việc của một nghiên cứu viên tại INSS từ năm 1997 đến năm 2012. Sau đó, ông chuyển sang làm lãnh đạo Hiệp hội người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc.
“Chính phủ Hàn Quốc không thể trả lương cho ông ấy (Thae) mà không để ông ấy làm gì, do đó nhiều khả năng, ông ấy sẽ được trao cho một công việc ở viện INSS”, ông Choi, 67 tuổi, tiết lộ.
Cuộc sống “mai danh ẩn tích”
Một số người đào tẩu phải thay đổi tên họ vì lý do an ninh, cũng là để bảo vệ những thành viên trong gia đình họ, những người vẫn đang sống ở Triều Tiên. Đôi khi, họ đổi tên chỉ để khiến người khác rằng họ không phải là người Triều Tiên.
Hầu hết những người đào tẩu đều chọn một cuộc sống thầm lặng, tuy nhiên cũng có những người như ông Kim trở nên nổi tiếng do được truyền thông “chăm sóc” kỹ lưỡng với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên.
Đối với trường hợp của nhà ngoại giao Thae Yong-ho, ông Choi cho rằng ông Thae nhiều khả năng sẽ sống một cuộc đời lặng lẽ ở Hàn Quốc vì trước khi đào tẩu tới Seoul, ông này từng là một quan chức ngoại giao có tiếng của Triều Tiên ở London, Anh.
“Ông ấy sẽ không thể công khai cuộc sống của mình được vì ông ấy phải tính đến sự an toàn của gia đình ông ấy, những người đã theo ông ấy tới đây. Việc giữ im lặng có thể giúp ông ấy gặp ít nguy hiểm hơn, vì thế tôi không nghĩ là ông ấy sẽ xuất hiện nhiều trong các hoạt động cộng đồng”, ông Choi dự đoán.
Ông Choi cho biết thêm, trong khoảng thời gian 2 năm từ sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên, luôn có 4 cảnh sát mang theo vũ khí bảo vệ ông 24/7 do lo ngại về vấn đề an ninh. Hiện tại, vấn đề kiểm soát an ninh đối với ông đã giảm bớt đi. Trong khi đó, ông Kim cũng tiết lộ rằng ông luôn có một vệ sĩ túc trực bên cạnh trong mọi thời điểm sau khi bỏ trốn sang Hàn Quốc.
Hành trình đào tẩu gian nan
Ước tính có khoảng 27.000 người Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, nhưng không phải cuộc sống của ai cũng “trải hoa hồng” sau khi đặt chân tới miền đất mới. Với những quan chức cấp cao như ông Thae, cuộc sống sau đào tẩu hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp do chính phủ Hàn Quốc mang lại, còn với đa số những người dân bình thường, họ vẫn phải tìm cách thích nghi với cuộc sống mới và chấp nhận một cuộc sống tương đối chật vật về kinh tế. Ngay cả con đường để họ có thể trốn khỏi Triều Tiên và vượt qua biên giới để sang một nước khác cũng không hề đơn giản.
Đối với hầu hết những người dân thường, họ phải trải qua một hành trình dài đằng đẵng với nhiều khó khăn để có thể vượt qua biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc để tới một nước thứ ba, trước khi di chuyển sang Hàn Quốc.
Sau khi tới Hàn Quốc an toàn, họ được đưa vào trong những căn phòng tiện nghi và ở đó một mình trong vòng 180 ngày. Trong khoảng thời gian này, họ phải trải qua quá trình kiểm duyệt để đảm bảo chắc chắn rằng họ không phải là điệp viên do Triều Tiên gài vào hay là những tay lừa đảo.
Sau đó, những người đào tẩu được đưa tới một khu phức hợp, nơi họ không thể bước chân ra ngoài, và tiếp tục ở đó trong vòng 12 tuần. Mục đích của việc làm này để giúp họ thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc.
Kết thúc các giai đoạn trên, họ chính thức bắt đầu cuộc sống mới ở Hàn Quốc. Nhiều người xin vào làm việc trong các nhà hàng và thường đảm nhận những vị trí được trả lương thấp, chỉ bằng 67% mức lương trung bình do chính phủ Hàn Quốc quy định. Mỗi người đào tẩu sẽ được nhận 20 triệu won (tương đương khoảng 18.000 USD) để giúp họ tìm nhà ở và việc làm. Một số người trích một phần trong số tiền trợ cấp này để trả cho những người môi giới đã giúp họ trốn thoát trót lọt khỏi Triều Tiên.
“Những người dân thường sau khi đào tẩu thường gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, theo học và lập gia đình ở đây”, Seo Jae-pyoung, một người đào tẩu vào năm 2001 và đang làm việc cho nhóm chuyên giúp đỡ những người Triều Tiên đào tẩu ở Hàn Quốc dưới sự hướng dẫn của ông Choi.
“Thật không dễ dàng như cách mọi người vẫn nghĩ (về cuộc sống của những người đào tẩu)”, Seo Jae-pyoung nói.
Nhìn chung, số lượng người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc đã giảm từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011, đặc biệt sau khi ông Kim Jong-un ra lệnh thắt chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc, điểm dừng chân đầu tiên của hầu hết người Triều Tiên bỏ trốn. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng này bắt đầu tăng lên với 814 người, trong đó có vụ 13 nhân viên của một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc đồng loạt bỏ trốn sang Hàn Quốc cách đây vài tháng.
Theo Dân trí