Hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời kêu cứu vì dư điện mà không thể bán!
Trong khi EVN dự kiến mua hơn 2 tỷ kWh điện của Trung Quốc trong năm 2020 và cả nước có nguy cơ thiếu 3,7 tỷ kWh điện vào năm 2021 thì hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời lại liên tục kêu cứu vì dư điện mà không thể bán khiến doanh nghiệp thất thoát hàng trăm tỷ đồng…
Dư điện mà không thể bán khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Vào tháng 6/2019, hai dự án điện gió ở Bình Thuận là Phú Lạc 1 và Bình Thạnh 1 đã kêu cứu vì bị ép giảm công suất phát điện.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận khi ấy đã gửi kiến nghị lên Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị không tiếp tục cắt giảm công suất 2 dự án điện gió trên, bởi việc cắt giảm này là trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo phân tích của ông Thịnh là bởi việc cho phép xây dựng các dự án điện mặt trời ồ ạt, không tính đồng bộ giữa triển khai dự án nguồn và lưới truyền tải nên đã, đang và sẽ gây quá tải nghiêm trọng cho lưới điện khu vực và thiệt hại cho các chủ đầu tư.
Theo đó, cơ quan điều độ hệ thống điện đã yêu cầu các dự án trên lưới giảm tải vào ban ngày gần như tất cả các ngày trong tháng 6/2019. Mức độ giảm tải cũng rất lớn với 38% đến 65% công suất thiết kế và giảm đều tất cả dự án trên lưới, bất kể là dự án điện gió hay điện mặt trời, bất kể là hòa lưới điện trước hay sau.
“Việc dự án điện mặt trời được cấp phép ồ ạt, trong khi quy hoạch lưới điện và nhất là thi công lưới điện không đồng bộ là thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải trách nhiệm của nhà đầu tư”, ông Thịnh nói.
60 nhà đầu tư điện mặt trời ‘kêu cứu’ Thủ tướng
Chỉ tính riêng đến cuối tháng 6/2019 cả nước đã có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia, vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).
Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải, nhiều nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Trước tình hình giảm phát điện kéo dài, gây lỗ vốn hàng trăm tỷ đồng. Vào những ngày cuối 2019 đầu 2020, một nhóm khoảng 60 nhà đầu tư điện mặt trời đã cùng nhau ký tên vào văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị sớm có cơ chế mới về điện mặt trời…
Ngoài ra, kiến nghị này cũng đề cập tới những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư hiện nay. Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng, sự nỗ lực của họ vấp phải rào cản do cơ chế chính sách và sự thiếu đồng bộ trong quá trình thực thi các thủ tục đầu tư…
Tập đoàn Trung Nam đề nghị được đầu tư xây dựng trạm biến áp mà không cần hoàn vốn
Trước tình hình hệ thống truyền tải không theo kịp dẫn tới quá tải, Tập đoàn Trung Nam đã đề nghị được đầu tư xây dựng trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối để giảm áp cho ngành điện tại Ninh Thuận.
Ông Vũ Đình Tân, Tổng Giám đốc dự án điện mặt trời Trung Nam cho biết, công ty sẽ làm đường dây 500 KV, chiều dài 17km (vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng) để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia nhằm giải tỏa công suất cho nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 450 MW, và giải tỏa một phần cho các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn.
Đồng thời, cam kết khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao cho EVN quản lý, vận hành mà không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư.
“Chúng tôi cũng tính toán khi đưa đường dây 500 KW do chúng tôi đầu tư đấu nối với dự án đường dây 500 KW từ Vân Phong – Khánh Hòa đến Vĩnh Tân – Ninh Thuận sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án này”, ông Tân nhận định.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo Thủ tướng thực hiện cơ chế đầu tư Dự án trên…
‘Vẫn phải mua hơn 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc trong 2020’
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thuỷ văn không thuận lợi, cực đoan. Cùng với đó là loạt công trình điện chậm tiến độ…
Hệ thống điện đang thiếu hụt nguồn cung, nhưng nhà máy điện gió, điện mặt trời lại không thể phát hết công suất do lưới điện quá tải. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ đầu tư mà còn cho cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Chúng tôi đã dồn toàn lực trong thời gian qua để mong các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống. Nhưng hiện nay phải giảm công suất do quá tải lưới điện, là điều mà EVN/A0 không hề mong muốn”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia cho hay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng thông tin rằng, với tình hình hiện tại, trong năm 2020, ước tính Cục sẽ vẫn phải nhập khẩu khoảng hơn 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc và hơn 1 tỷ kWh nhập từ Lào
Đồng thời, EVN cũng sẽ phải huy động 132 tỷ kWh điện từ nhiệt điện than. Lượng than sử dụng dự kiến trên 66 triệu tấn. Trong đó, xấp xỉ 15 triệu tấn nhập khẩu, còn lại là đơn vị trong nước cung cấp…
Vũ Tuấn (t/h)