Hàn Quốc: Triều Tiên thay toàn bộ lính gác biên giới sau vụ binh sĩ đào tẩu
Triều Tiên được cho là đã thay thế toàn bộ lực lượng an ninh ở khu vực biên giới sau vụ đào tẩu sang hàn Quốc của một binh sĩ nước này ở Khu vực An ninh chung (JSA), Yonhap dẫn nguồn tin tình báo hôm 23/11 cho biết.
“Phát hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã thay thế toàn bộ lính gác an ninh biên giới sau vụ đào tẩu. Xét đến tình hình hiện tại, các chỉ huy phụ trách đơn vị quân đội (ở biên giới) và nhiều sĩ quan cấp cao có thể đã bị kỷ luật”, nguồn tin tình báo tiết lộ.
Cũng theo nguồn tin, Triều Tiên dường như đã tạm thời đóng cửa cây cầu có tên “72 giờ”, nằm ở phía bắc Khu vực An ninh chung (JSA) và cũng là con đường duy nhất để đi vào khu vực này. Đây chính là cây cầu nơi binh sĩ đào tẩu, được gọi bằng tên đơn giản là “Oh”, lái xe với tốc độ cao để tiến vào vùng phía Bắc của JSA.
Nguồn tin tiết lộ thêm rằng, Triều Tiên rõ ràng đã thắt chặt việc kiểm soát các lực lượng ra vào Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) sau vụ đào tẩu cách đây hơn 10 ngày.
Trước đó hôm 22/11, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) đã công bố đoạn video cho thấy toàn bộ diễn biến vụ đào tẩu của binh sĩ Triều Tiên tại JSA ở làng đình chiến Panmunjom (Bàng Môn Điếm), nơi ngăn cách biên giới liên Triều, hôm 13/11.
Đoạn video cho thấy binh sĩ Triều Tiên lái xe jeep chạy qua trạm kiểm soát an ninh để đi về phía Đường Ranh giới Quân sự (MDL). Sau khi bánh xe có dấu hiệu trục trặc, binh sĩ Triều Tiên đã bước ra khỏi xe và lao về phía biên giới Hàn Quốc. Ngay lập tức, 4 binh sĩ Triều Tiên khác rượt đuổi và nã đạn vào người binh sĩ này.
Sau đó, binh sĩ Triều Tiên đào tẩu được các binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cấp cứu và đưa vào bệnh viện đại học Ajou, Suwon, phía Nam thủ đô Seoul. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết người này đã bị trúng 5 phát đạn.
Theo thông tin mới nhất từ các bác sĩ, binh sĩ này đã tỉnh trở lại sau khi trải qua các cuộc phẫu thuật để gắp đạn ra khỏi người. Ngoài ra còn có thông tin rằng, người này bị nhiễm lượng lớn giun sán, gồm giun đũa.
Sau khi công bố video trước báo giới, UNC nhận định trong vụ việc này phía Triều Tiên đã vi phạm Hiệp ước đình chiến 1953, văn kiện được thiết lập từ sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953, và UNC đã thông báo cho Bình Nhưỡng thông tin này.
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến giữa hai bên trong giai đoạn 1950-1953 chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình.
Hàn Quốc những năm qua nhiều lần cáo buộc Triều Tiên vi phạm hiệp định này khi triển khai máy bay không người lái bay dọc biên giới để do thám. Năm 2014, Hàn Quốc tìm thấy các UAV mang máy quay, chứa hình ảnh cơ sở quân sự Hàn Quốc, ở khu vực biên giới và tố Triều Tiên “xâm nhập” nước này. Năm 2015, Hàn Quốc kích hoạt pháo phòng không và điều trực thăng tấn công, chiến đấu cơ theo dõi một UAV vượt biên giới.
Tú Văn (t/h)