Hai nữ sinh viên tìm được vi khuẩn biến nhựa thành nước và CO2
Hai nữ sinh viên đến từ Mỹ gần đây đã tìm ra một chủng vi khuẩn có khả năng ăn nhựa và chuyển hóa thành các hợp chất hữu ích. Thành tựu này hứa hẹn sẽ tạo ra giải pháp mới cho vấn đề môi trường hiện nay.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong các đại dương đã trở thành một vấn nạn lớn trên hành tinh chúng ta. Thậm chí theo nghiên cứu gần đây, có khả năng đến năm 2050, ở các vùng biển chúng ta sẽ thấy nhựa nhiều hơn cá. Vì vậy, có nhiều người đang miệt mài nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Cho đến nay, một trong những nghiên cứu mới được đưa ra là sử dụng vi khuẩn biến đổi gen có khả năng ăn nhựa dưới đại dương và biến chúng thành CO2 và nước. Tác giả của sáng kiến này là hai nữ sinh viên đến từ Mỹ Jeanny Yao (21 tuổi) và Miranda Wang (22 tuổi).
Đầu tiên, họ dùng một loại dung môi đặc biệt để hòa tan nhựa, sau đó dùng enzyme để phá vỡ cấu trúc của chúng. Cuối cùng những hợp chất còn lại sẽ được vi khuẩn tiêu hóa hết và quá trình phân hủy nhựa cũng hoàn tất sau chưa đầy 24 tiếng.
Để thực hiện được điều này, Yao và Wang đã sử dụng “vi khuẩn biến đổi gen” để phân hủy các polyme nhựa hóa học và biến chúng thành hợp chất hữu cơ, sau đó trải qua quá trình chuyển đổi sinh học thành các sản phẩm có giá trị.
Hai nhà khoa học trẻ phát triển dự án này từ những năm trung học và giờ đây đã gặt hái được thành quả khi mới ở độ tuổi ngoài 20. Họ đã trình bày nghiên cứu mới thông qua tổ chức truyền thông “TED talk” và nhận được 5 giải thưởng danh giá từ Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.
Ngoài ra, hai nữ sinh viên cũng được cấp bằng sáng chế cho sáng kiến này và nhận được khoản tài trợ 400.000 USD để bắt đầu phát triển sản phẩm.
Chia sẻ với truyền thông, Miranda Wang cho biết: “Thực tế, mọi người không thể ngừng sử dụng nhựa, vậy nên chúng ta cần một công nghệ để phân hủy vật liệu này và mọi thứ đều có thể phân hủy sinh học”.
Hiện tại, hai cô gái đang lên kế hoạch chuyển đến Thung lũng Silicon để tiếp tục phát triển công nghệ tiên tiến của họ.
Dự án của Jeanny và Miranda mang tên BioCellection, với mục đích làm sạch khu vực có rác thải nhựa và tái sử dụng chúng thành các hợp chất có giá trị cho hàng dệt may, cũng như các hợp chất khác, bằng cách sử dụng các vi khuẩn biến đổi gen để phân hủy nhựa thành dạng hóa học cơ bản nhất.
Được biết, nhóm 2 sinh viên cũng đang tìm cách đơn giản hóa toàn bộ quy trình xử lý nhựa bằng vi khuẩn để có thể đưa vào ứng dụng. Họ cho biết một thách thức lớn chính là phát triển một “nhà máy sinh học tiêu hóa nhựa” trên một chiếc xe tải hoặc một con tàu. Khi đó, phương tiện này sẽ có thể di chuyển tới những nơi có rác thải nhựa và tiến hành quy trình xử lý.
“Ý tưởng ở đây là không cần phải đi thu gom nhựa từ môi trường và chở nó tới bãi tập trung. Nhựa rất nhẹ nhưng chiếm nhiều diện tích và do đó sẽ rất khó khăn về mặt vận chuyển. Giải pháp ở đây là có những nhà máy di động tự đi tới nơi cần xử lý rác”, Miranda Wang chia sẻ thêm.
Thùy Linh (t/h)