9 phát minh độc đáo cứu nguy đại dương khỏi ô nhiễm trầm trọng
Một cô bé lớp 6, vận động viên ván trượt, nhà khoa học, nhân viên công ty… họ đến từ nhiều lĩnh vực và lứa tuổi khác nhau, nhưng đều có điểm chung là yêu thiên nhiên, đặc biệt là môi trường biển. Những phát minh và nỗ lực của họ nhằm vãn hồi tổn thất mà con người gây ra cho đại dương và động vật biển thật đáng nể phục.
-
Đai buộc 6 lon bia ăn được dành cho động vật biển
Saltwater Brewery là một công ty từ Florida thuộc sở hữu của những người yêu đại dương, những người không muốn bất kỳ sản phẩm nào của họ làm ô nhiễm biển hay tổn hại động vật biển. Nhận thức được rằng nhiều loài sinh vật biển nhầm lẫn đai buộc 6 lon bia bằng nhựa là thức ăn và sẽ gây hại cho chúng, họ đã sản xuất được các đai buộc có thể phân hủy 100%, thân thiện với môi trường. Điều này khá tuyệt, nhưng phần hay nhất là chúng hoàn toàn có thể ăn được!
-
Robot có thể xác định và thu gom vi nhựa trong đại dương
Phát minh này được thiết kế bởi Anna Du, một học sinh lớp 6 đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Thử thách Nhà khoa học trẻ 3M. Robot của cô bé là một phương tiện điều khiển từ xa (RAV) sử dụng ánh sáng hồng ngoại để phát hiện và săn các mảnh nhựa siêu nhỏ.
Robot này được cấu tạo bởi 2 hệ thống riêng biệt, một hệ thống dẫn đường và một hệ thống sử dụng camera hồng ngoại có độ phân giải cao để phát hiện các mảnh nhựa nhỏ.
-
Seabin, thùng tự gom rác nổi trên mặt biển
Thùng rác Seabin trông khá giống như một thùng rác thông thường, tuy nhiên nó làm việc trong các đại dương.
Hai vận động viên trượt ván người Úc Andrew Turton và Pete Cegliski đã thiết kế loại thùng rác này để giảm thiểu ô nhiễm quanh các vũng tàu đậu, bến cảng, và bến du thuyền. Seabin có thể tự động hút nước có chứa rác vào thùng, sau đó một thiết bị lọc bên trong sẽ giữ các mảnh vụn sợi, dầu, nhựa, nhiên liệu và chất tẩy rửa lại và giải phóng nước sạch ra môi trường. Các thùng rác như thế này thu giữ được gần 2 tấn rác mỗi ngày.
-
Chiếc thuyền robot có thể hút tới 150 tấn nhựa từ đại dương
SeaVax là một chiếc thuyền robot có khả năng hấp thụ rác thải nhựa từ nước. Hiện tại ý tưởng này chưa được ứng dụng, nhưng trong tương lai thiết bị này sẽ có khả năng chứa tới 150 tấn rác nhựa. SeaVax chạy bằng năng lượng Mặt trời và tua bin gió, khiến nó trở thành một giải pháp thân thiện với môi trường hơn nữa.
-
Cỗ máy dọn sạch lượng rác thải nhựa khổng lồ trong đại dương
Một số người gọi “Bãi rác khổng lồ trên biển Thái Bình Dương” nằm giữa bang California và Hawaii, nước Mỹ là lục địa rác. Một nhà khoa học trẻ người Hà Lan tên là Boyan Slat đã dành 5 năm để tạo ra The Ocean Cleanup, một hệ thống khổng lồ có thể làm sạch các đại dương.
Hệ thống này được gọi là Wilson, bao gồm các tấm chắn được gắn vào các ống polyetylen nổi trên bề mặt trong khi thu gom từng mảnh nhựa dưới mặt nước. Đường ống khổng lồ này đã bắt đầu hoạt động trên Mảng rác Thái Bình Dương và dự kiến có thể giảm 50% lượng rác sau 5 năm.
-
Tái tạo các rạn san hô bằng bê tông sinh học
Bê tông là sản phẩm được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau nước, nhưng nó thực sự không tốt cho môi trường vì thành phần hóa học của nó có thể gây hại cho một số loài sinh vật biển. Và công ty ECOncittle đã đưa ra một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Họ tạo ra một số sản phẩm được sản xuất bằng bê tông với thành phần và thiết kế khác biệt, thân thiện với môi trường. Khi được đặt trong các đại dương, những khối bê tông có các lỗ nhỏ này cho phép cá nhỏ và san hô sống bên trong, giúp tái tạo hệ sinh thái.
-
Tấm chắn nắng siêu mỏng bảo vệ các rạn san hô khỏi ánh nắng Mặt trời
Rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa bởi các tia Mặt trời làm tăng nhiệt độ nước. Nước ấm hơn làm tăng tính axit của đại dương, từ đó “tẩy trắng” các rạn san hô. Nhưng hiện tại, các nhà khoa học từ Đại học Melbourne và Viện Khoa học Hàng hải Úc đã phát triển một công thức phân hủy sinh học để giải quyết vấn đề này.
Dung dịch được chế từ canxi và có thể phun vào nước tạo ra một lớp màng giữ cho nước ở nhiệt độ lý tưởng, giúp san hô giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời.
-
Các khối đá ngầm tái tạo môi trường sống cho động vật biển
Những hình khối này là hệ sinh thái biển nhân tạo do công ty ARC Marine sản xuất. Chúng được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường, mô phỏng các tính năng của rạn san hô, cung cấp cho nhiều loài động vật biển thức ăn, nơi trú ẩn, chất lượng nước tốt hơn, và hơn thế nữa.
Những khối đá này được đặt trong những khu vực có các rạn san hô bị phá hủy để tái cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên.
-
Sử dụng công nghệ nhân giống trong ống nghiệm để tái tạo các rạn san hô
Các nhà khoa học Úc đang tái sinh các rạn san hô bị phá hủy trong vùng biển Philippines và trên Rạn san hô Great Barrier bằng cách sử dụng phương pháp nhân giống san hô trong ống nghiệm (IVF). Các mẫu ấu trùng san hô được lấy từ đại dương và được tái tạo trong các phòng thí nghiệm.
Sau đó các mẫu này sẽ được đặt trong các rạn san hô bị hư hại và được bảo vệ bằng lưới để ngăn sóng ngầm cuốn đi. Đây là một cách sáng tạo để tái tạo khu vực biển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hiện tượng El Niño.
Thiên Hoa biên dịch
Xem thêm:
- Một phụ nữ phát minh ra loại nhựa mới có thể “hòa tan” trong nước, cứu nguy cho đại dương
- Dự án Ecobrick: Biến rác thải nhựa thành “gạch” xây nhà
- Cán bộ LHQ người Việt: Lời giải cho một thế giới ổn định chính là ở ‘đạo đức’